Bộ trưởng Bộ Nội vụ vừa ký xác thực Văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BNV ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBC- (VC) và người lao động (NLĐ).
Có 4 nhóm đối tượng áp dụng chế độ này.Thứ nhất là CBCCVC xếp lương theo bảng lương chuyên gia cao cấp, các bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ làm việc trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến cấp xã và trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ hai là những người xếp lương theo bảng lương chuyên gia cao cấp, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ do Nhà nước quy định được cấp có thẩm quyền quyết định đến làm việc tại các dự án và các cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam mà vẫn thuộc danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.
Thứ ba là những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập có thỏa thuận trong hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với CBCCVC và lực lượng vũ trang.
Thứ tư là những người xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định thuộc chỉ tiêu biên chế được ngân sách nhà nước cấp kinh phí trong các hội có tính chất đặc thù quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg về việc quy định hội có tính chất đặc thù.
Thông tư này không áp dụng đối với: Cán bộ thuộc diện xếp lương theo bảng lương chức vụ đã được xếp lương theo nhiệm kỳ; Cán bộ cấp xã là người đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ- CP và Nghị định số 29/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP; Công chức cấp xã chưa tốt nghiệp đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP.
CBCCVC và người lao động theo 4 nhóm đối tượng trên nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch và chức danh hiện giữ, thì được xét nâng một bậc lương thường xuyên khi có đủ thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh và đạt đủ tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên.
Với chuyên gia cao cấp: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong bảng lương chuyên gia cao cấp, thì sau 5 năm (đủ 60 tháng) giữ bậc lương trong bảng lương chuyên gia cao cấp được xét nâng một bậc lương.
Với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ từ cao đẳng trở lên: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.
Với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ từ trung cấp trở xuống và nhân viên thừa hành, phục vụ: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.
Các nhóm đối tượng trên có đủ thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh và qua đánh giá đạt đủ 2 tiêu chuẩn sau đây trong suốt thời gian giữ bậc lương thì được nâng một bậc lương thường xuyên:
Đối với CBCC: Được đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức từ hoàn thành nhiệm vụ; không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.
Đối với viên chức và NLĐ: Được đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên; không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức.
Về nâng lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc: Các đối tượng trên đạt đủ 2 tiêu chuẩn quy định và lập thành tích xuất sắc đã được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận bằng văn bản, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, và tính đến ngày 31/12 của năm xét nâng lương trước thời hạn còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên thì được xét nâng một bậc lương trước thời hạn, tối đa là 12 tháng.
Tỷ lệ CBCCVC và người lao động được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong 1 năm không quá 10% tổng số CBC – CVC và NLĐ trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.
H. LÝ