Bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm virus Dengue cấp tính do muỗi truyền và có thể gây thành dịch lớn
Khuyến cáo phòng sốt xuất huyết trong cộng đồng:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn. Thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước. Thay nước bình hoa, bỏ muối, dầu hóa chất diệt loăng quăng, bọ gậy vào bát nước kê chân chạn và các ổ nước đọng.
- Hàng tuần loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Thực hiện tuyên truyền, vận động giáo viên, học sinh tham gia phòng chống sốt xuất huyết tại các trường học.
- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
*Bệnh cúm
Là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đặc biệt ở trẻ em.
Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Ở trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não có thể dẫn đến tử vong.
Virus cúm A có khả năng gây nhiễm các loài động vật có vú (như lợn và ngựa), các loài chim và gia cầm. Tất cả tuýp virus cúm A tồn tại trong quần thể chim nước hoang dại. Virus cúm B và C chỉ gây bệnh ở người. Thời gian ủ bệnh ngắn, từ 1-5 ngày, trung bình là 2 ngày. Mọi người đều có khả năng cảm nhiễm cao với bệnh. Tỷ lệ cảm nhiễm với các chủng virus cúm mới rất cao, có thể lên tới 90% cả người lớn và trẻ em.
Khuyến cáo cộng đồng phòng bệnh cúm mùa:
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
- Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
- Tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
*Bệnh cúm gia cầm
Bệnh cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus cúm tuýp A, với các triệu chứng thường gặp là sốt cao trên 38 độ C, ho, khó thở, suy hô hấp có thể dẫn đến tử vong.
Tác nhân gây bệnh là virus cúm A thường biến dị nhanh. Có tính sinh bệnh cao, có khả năng gây bệnh nặng ở người. Chim có thể đào thải virus ít nhất 10 ngày theo đường miệng và phân. Có khả năng truyền trực tiếp từ chim, gia cầm sang người. Nếu có nhiều người mắc bệnh thì làm tăng khả năng là người bệnh trở thành nơi trộn lẫn các virus cúm người và động vật tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái tổ hợp hình thành virus mới với gen virus cúm người.
Có thể tồn tại lâu ở môi trường, đặc biệt ở nhiệt độ thấp, có thể sống hàng tháng ở nhiệt thấp. Ở nhiệt độ 37 độ C có thể sống nhiều ngày trong phân của gia cầm.
Khuyến cáo cộng đồng phòng bệnh cúm gia cầm:
- Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Đảm bảo ăn chín, uống chín. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
- Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
*Bệnh liên cầu lợn ở người
Bệnh liên cầu lợn là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn liên cầu lợn có tên khoa học là Streptococcus Suis lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn mắc bệnh. Bệnh có các biểu hiện lâm sàng đa dạng, hay gặp nhất là thể viêm màng não và sốc nhiễm khuẩn:
*Viêm màng não: Sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác... xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể.
*Sốc nhiễm khuẩn: Sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng... dẫn đến hôn mê và tử vong.
Thời gian ủ bệnh trung bình từ khi phơi nhiễm đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên khoảng 2 ngày, dao động từ 3 giờ đến 14 ngày. Người bị nhiễm S.suis thường do tiếp xúc trực tiếp (chăn nuôi, giết mổ) hoặc sử dụng các sản phẩm từ lợn như tiết canh, thịt, phủ tạng của lợn ốm, chết chưa được nấu chín.
Khuyến cáo cộng đồng phòng bệnh liên cầu:
- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo...).
- Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
- Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết. Tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.
- Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Ngoài ra cần cẩn trọng với các bệnh truyền nhiễm khác như sởi, rubella, bạch hầu...