1. Trước tiên, chúng ta cần hiểu: “Kĩ năng sống là gì?” Kĩ năng sống bao gồm một loạt các kĩ năng cụ thể, cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của con người. Bản chất của kĩ năng sống là kĩ năng tự quản lí bản thân và kĩ năng xã hội cần thiết để cá nhân tự lực trong cuộc sống, học tập và làm việc hiệu quả. Nói cách khác, kĩ năng sống là khả năng làm chủ bản thân của mỗi người, khả năng ứng xử phù hợp với những người khác và với xã hội, khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống trong cuộc sống.
2. Vậy: “Vì sao con người cần rèn luyện kĩ năng sống?” Theo Tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO), kỹ năng sống gắn với 4 trụ cột của giáo dục: Học để biết (gồm các kỹ năng tư duy như: tư duy phê phán, tư duy sáng tạo, ra quyết định, giải quyết vấn đề, nhận thức được hậu quả...); Học làm người (gồm các kỹ năng cá nhân như: ứng phó với căng thẳng, kiểm soát cảm xúc, tự nhận thức, tự tin,...); Học để sống với người khác (gồm các kỹ năng xã hội như: giao tiếp, thương lượng, tự khẳng định, hợp tác, làm việc theo nhóm, thể hiện sự cảm thông); Học để làm (gồm kỹ năng thực hiện công việc và nhiệm vụ như: kỹ năng đặt mục tiêu, đảm nhận trách nhiệm,...)
Như vậy, kỹ năng sống bao gồm một loạt các kỹ năng cụ thể, cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của con người. Bản chất của kỹ năng sống là kỹ năng tự quản lý bản thân và kỹ năng xã hội cần thiết để cá nhân tự lực trong cuộc sống, học tập và làm việc hiệu quả... Nói cách khác, kỹ năng sống là khả năng làm chủ bản thân của mỗi con người, khả năng ứng xử phù hợp với những người khác và với xã hội, khả năng ứng phó trước các tình huống của cuộc sống.
3. Một số kĩ năng cần thiết với học sinh Tiểu học3.1. Kỹ năng tự chăm sóc bản thân
Học sinh tiểu học cần có khả năng tự chăm sóc bản thân: Tự lập trong việc mặc quần áo, đi giày, ăn uống, vệ sinh cá nhân… Ngoài ra, học sinh tiểu học cần biết cách phân biệt những loại thực phẩm an toàn và những loại có hại cho sức khỏe, đồng thời trẻ biết ăn đa dạng các loại thực phẩm để đủ chất cho sự phát triển của cơ thể.
3.2. Kỹ năng giải quyết vấn đề
Kỹ năng giải quyết vấn đề giúp học sinh biết cư xử linh hoạt đối với các tình huống bất ngờ phát sinh trong cuộc sống, thích nghi với sự thay đổi của môi trường bên ngoài, biết bảo vệ bản thân khỏi những tác hại tiêu cực của cuộc sống, cách giải quyết vấn đề khi bị người khác bắt nạt hoặc gặp kẻ xấu…
3.3. Kỹ năng kiềm chế cảm xúc và làm chủ bản thân
Mục đích của kỹ năng kiềm chế cảm xúc và làm chủ bản thân là: Trang bị cho học sinh khả năng vượt qua sợ hãi, kiềm chế sự nóng giận,…
3.4. Kỹ năng làm việc nhóm
Kỹ năng làm việc nhóm giúp học sinh học tập, chung sống tốt trong môi trường tập thể. Học sinh sẽ có những kỹ năng: lắng nghe ý kiến của mọi người, đóng gọp ý kiến vì một mục tiêu chung; lãnh đạo nhóm.
4. Hình thành các giá trị sống cho học sinh
Tất cả các kĩ năng trên có mối liên hệ mật thiết với nhau, bổ trợ cho nhau, trang bị cho học sinh đầy đủ những yếu tố cần và đủ để các em có thể vững vàng và tự lập. Từ những kỹ năng sống được trang bị, dần dần hình thành các giá trị sống cho học sinh tiểu học. Theo các tổ chức về giáo dục giá trị sống trên thế giới và Việt Nam thì có 12 giá trị sống được xếp ngang hàng với nhau là: Giản dị, Hòa bình, Hạnh phúc, Hợp tác, Khiêm tốn, Khoan dung, Tự do, Thương yêu, Trách nhiệm, Trung thực, Đoàn kết, Tôn trọng.
5. Thực trạng về kĩ năng sống của học sinh Tiểu học hiện nay
Trong những năm gần đây, việc rèn kĩ năng sống cho học sinh tiểu học đã được quan tâm và chú trọng tích hợp cùng các môn học, các hoạt động trong nhà trường. Tuy nhiên, còn một bộ phận không nhỏ học sinh vẫn còn rất thụ động, thiếu từ những kĩ năng rất đơn giản như tự sắp xếp sách vở, đồ dùng; buộc tóc sau khi ngủ dậy; giao tiếp với bạn bè, thầy cô;.... cho đến những kĩ năng cần thiết như tự giải quyết vấn đề; hợp tác;... Điều này đã khiến các em trở nên “lạc lõng” trong chính môi trường sống hiện đại, hội nhập xung quanh mình và các em sẽ càng thụ động hơn trong các hoạt động.
6. Vai trò của người giáo viên trong việc rèn kĩ năng sống cho học sinh
6.1. Một số điều giáo viên cần làm
- Giáo viên cần nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng việc dạy học sinh tiểu học kĩ năng sống nhằm phát huy tính tích cực, tự lực của các em.
- Tìm hiểu về đặc điểm phát triển tâm lí của học sinh theo khối lớp mình phụ trách
- Xác định và cụ thể hóa những kĩ năng sống cơ bản cần dạy cho học sinh
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động nhằm hình thành hệ thống kỹ năng, hành vi cho học sinh.
- Làm cầu nối kêu gọi sự chung tay của cộng đồng (nhà trường, gia đình và xã hội).
- Xác định một số điều cần làm và cần tránh khi dạy học sinh kĩ năng sống.
6.2. Một số điều giáo viên cần tránh
- Không hạ thấp học sinh: Cứ mỗi lần chúng ta nói những lời hạ thấp khả năng học sinh là chúng ta đã phá vỡ những suy nghĩ tích cực về chính bản thân các em. Không nên tạo cho học sinh thói quen kiêu ngạo nhưng cũng không nên lăng nhục các em.
- Không doạ nạt học sinh: Người giáo viên cần nhớ rằng mỗi lần chúng ta doạ nạt các em là chúng ta đã làm cho học sinh sợ hãi và căm giận chúng ta. Sự đe doạ hoàn toàn có hại cho học sinh và sẽ không giúp cho hành vi của học sinh tốt hơn.
- Không bắt học sinh hứa hẹn: Vì sự hứa hẹn hoặc doạ nạt không có ý nghĩa đối với học sinh vì nếu học sinh cảm nhận được và cắn rứt vì không làm tròn lời hứa thì ở các em sẽ phát triển cảm giác hối lỗi.
- Không bao bọc học sinh một cách thái quá : Điều này sẽ làm học sinh yếu đuối. Giáo viên không nên đánh giá không đúng khả năng của học sinh cho rằng học sinh còn nhỏ sẽ không làm được một điều gì cả. Sự bảo bọc thái quá sẽ dẫn các em đến ý nghĩ rằng bản thân mình không thể làm điều gì nên thân.Hãy nhớ: đừng bao giờ làm những gì mà học sinh có thể làm được.
- Không nên yêu cầu học sinh phục tùng theo ý giáo viên ngay lập tức vì sự phục tùng một cách thái quá không có sự thoả thuận giữa các bên không tạo điều kiện phát triển tính tự lập ở học sinh
- Không yêu cầu những điều không phù hợp với lứa tuổi của học sinh vì những yêu cầu ở học sinh phải thực hiện một hành vi chính chắn mà các em chưa có khả năng hoặc phải làm các yêu cầu không mang tính thống nhất và liên tục trong việc cho phép hoặc cấm đoán sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tính nhận thức ở các em.
- Không nên giáo huấn quá nhiều vì ảnh hưởng của những luồng ngôn ngữ đó làm cho các em ngưng hoạt động nhưng trong thực tế một học sinh Tiểu học không thể ngưng hoạt động sẽ dần làm cho các em nghĩ rằng mình là người có tội, làm nảy sinh tính tự ti, đánh giá tiêu cực về bản thân sau này.
- Không tước đoạt của học sinh quyền làm trẻ con : Hãy để cho các em được làm trẻ con thật sự, đừng mong đợi các em là một người giống như giáo viên hoặc như giáo viên mong muốn, không nên nhồi nhét lượng kiến thức quá mức so với khả năng tiếp nhận của não bộ. Hãy giúp học sinh lớn lên là chính mình.
Kết luận : Để giáo dục trẻ em khoẻ về thể chất, mạnh về tinh thần và giỏi về văn hoá, người giáo viên không chỉ tích cực truyền thụ tri thức cho học sinh mà phải giáo dục những kĩ năng sống cần thiết để các em có một nền tảng cũng như hành trang cần thiết cho tương lai.