Trên thực tế hiện nay, việc dạy học sinh viết đoạn văn ngắn trong môn Tiếng Việt cho học sinh lớp 2 còn nhiều khó khăn vì các em vừa mới lớp Một lên, mới tập làm quen với phần luyện viết đoạn văn, các em còn nhiều bỡ ngỡ, chưa có phương pháp học hợp lý. Mặt khác vốn sống của các em còn nghèo nàn, vốn hiểu biết về Tiếng Việt còn hạn chế, các em còn ít xúc cảm nên ngay từ những tiết học đầu tiên về viết đoạn văn ngắn, mặc dù đã được giáo viên hướng dẫn cụ thể cách viết, các em chưa tiếp nhận được mà các em còn nghĩ sao viết vậy, không theo trật tự lôgic nào, thậm chí không sử dụng dấu câu trong quá trình viết đoạn văn, có em chỉ trả lời câu hỏi gợi ý cộc lốc, gạch đầu dòng, xuống dòng tùy tiện, không rõ ý, rõ câu, không thành đoạn. Trong quá trình giảng dạy, cá nhân tôi đã áp dụng một số biện pháp nâng cao chất lượng viết đoạn văn ngắn cho học sinh lớp Hai như sau:
a- Giáo viên yêu cầu học sinh có thói quen quan sát những sự vật hiện tượng xung quanh để ghi nhận lại hình ảnh, từ ngữ và sử dụng khi cần thiết.
b - Cung cấp vốn từ cho học sinh:
- Để các em có thể viết được một đoạn văn hay, các em phải có vốn từ ngữ phong phú. Mà vốn từ đó, có em tích lũy khá nhiều nhưng chưa biết vận dụng, có em thì có rất ít hoặc chưa hề có. Bởi vậy, giáo viên chính là người gợi cho các em khả năng vốn từ ngữ của bản thân.
- Giáo viên khuyến khích học sinh đọc thêm các bài tập đọc, những bài văn, đoạn văn hay ở lớp Hai hoặc các bài văn hay ở bậc tiểu học. Việc đọc giúp các em cảm thụ văn học tốt hơn, giúp các em cách diễn đạt trình bày miêu tả về người hoặc vật.
- Trong các tiết dạy, giáo viên tập cho học sinh trả lời thành câu, đủ ý và chú ý đến những bài tập đọc có liên quan đến viết đoạn văn. Từ đó, học sinh có thể rút ra được những câu văn hay; những từ ngữ gợi tả, gợi cảm và ghi nhớ sau này vận dụng. Vốn từ còn có trong phần Mở rộng vốn từ, giáo viên có thể cho các em chơi trò chơi thi đua tìm từ ngữ khi học các tiết về Mở rộng vốn từ, các em sẽ rất hứng thú và tìm được rất nhiều từ.
- Để hỗ trợ cho học sinh, giáo viên cần cung cấp cho học sinh nhiều từ ngữ gợi tả, gợi cảm. Hướng dẫn học sinh nối các câu văn lại bằng những từ ngữ liên kết như: và, thì, vậy là… lưu ý học sinh trong đoạn văn tránh lặp lại từ nhiều lần mà phải thay những từ ngữ lặp lại bằng những từ có nghĩa tương tự, thay những từ ngữ thông thường thành những từ ngữ trau chuốt hơn. Ví dụ: buổi sáng thành buổi sớm mai, buổi bình minh.
- Giáo viên có thể sưu tầm những bài văn hay và đọc cho học sinh nghe để học sinh học hỏi; trưng bày những bài văn hay của các bạn trong lớp để các em xem, đọc,…tập ghi chép những từ hay ý đẹp khi bắt gặp ở đâu đó vào một quyển từ điển riêng của mình từ đó vốn từ của các em sẽ ngày càng nhiều, càng phong phú.
c- Giúp học sinh nắm chắc bố cục của đoạn văn:
- Tạo cho các em thói quen viết đoạn văn phải có bố phục ba phần: câu mở đầu (mở đoạn), câu nội dung (thân đoạn), câu kết thúc (kết đoạn)
- Hơn nữa, việc rèn cho học sinh viết đoạn văn cần tạo điều kiện phát huy tính tích cực chủ động của học sinh, phải làm sao mỗi đoạn văn là một cơ hội sáng tạo cho học sinh thâm nhập quan sát, phân tích từ thực tế, giáo viên cần hướng dẫn học sinh chuẩn bị thật tốt các tiết học trước khi lên lớp.
- Viết đoạn văn ngắn là loại bài sản sinh lời nói, học sinh tập viết đoạn văn và tập sản sinh lời nói văn bản, Vì vậy giáo viên cần dựa vào các bước sau để hướng dẫn học sinh làm bài:
+ Bước 1: Xác định yêu cầu bài, học sinh nêu yêu cầu bài tập, giáo viên phân tích yêu cầu hướng dẫn học sinh phát triển thành đoạn văn. Ở khâu này học sinh bộc lộ rất rõ nhược điểm về tư duy cách viết câu sử dụng từ giáo viên không nên làm thay cho học sinh mà nên trang bị một số tình huống, một số cách dùng từ, một số cách liên kết phù hợp với nội dung đoạn viết để học sinh vận dụng viết bài.
+ Bước 2: Cho học sinh viết nháp trước khi viết vào vở sau đó yêu cầu một số học sinh đọc bài nháp trước lớp để giáo viên nhận xét sửa, chữa một số lỗi trong bài để học sinh rút kinh nghiệm trước khi viết vào vở. Những học sinh không được gọi đọc bài sẽ lắng nghe rút kinh nghiệm.
+ Bước 3: Viết vào vở: Trong quá trình học sinh viết bài, giáo viên phải thường xuyên theo dõi để phát hiện những khuyết điểm của học sinh để các em kịp thời khắc phục, nhất là đối với những học sinh viết chưa được.
+ Bước 4: Nhận xét bài của học sinh: Giáo viên nhận xét cụ thể bài viết của học sinh và đặc biệt chú ý là không được chê bai những em không biết biết đoạn văn. Đối với những em viết chưa được, giáo viên phải luôn luôn động viên, khuyến khích để các em có niềm tin trong học tập. Chú ý khen ngợi những học sinh có tiến bộ dù cho đó là những tiến bộ nhỏ để tạo sự hứng thú và tích cực cho những bài viết sau. Ngoài ra, giáo viên đọc những bài viết hay trước lớp để học sinh khác học tập và rút kinh nghiệm.
Trên đây là một vài biện pháp giúp học sinh lớp 2 viết tốt đoạn văn mà bản thân tôi đã áp dụng. Rất mong được sự góp ý và chia sẻ từ các bạn đồng nghiệp.