Trong thực tế giảng dạy, tôi nhận thấy chữ viết của học sinh là vấn đề khiến nhiều người quan tâm; tỉ lệ học sinh viết chữ đẹp còn ít hơn so với học sinh viết chưa đúng cỡ, chưa cẩn thận. Đối với bậc Tiểu học, chữ viết đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với việc hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh. Nhìn cách trình bày sách vở thiếu thẩm mỹ và chữ viết tự do thiếu nét, sai cỡ của học sinh, chúng tôi nhận thấy bản thân là một giáo viên phải có trách nhiệm giúp cho HS nhận thức đúng đắn vai trò của chữ viết trong học tập và giao tiếp. Để từ đó học sinh có thái độ rèn luyện chữ viết, bởi viết chữ xấu hay đẹp phụ thuộc nhiều vào quá trình uốn nắn, rèn luyện cũng như tính cẩn thận của mỗi người, nhất là thói quen luyện viết trong thời gian học tập. Chính vì vậy mà chúng ta cần phải xây dựng phong trào " RÈN CHỮ - GIỮ VỞ".
MỘT SỐ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
- Vào đầu năm học mới giáo viên tiến hành kiểm tra sách vở, đồ dùng học tập của học sinh. Phân loại chữ viết của học sinh theo từng loại để có phương pháp rèn luyện chữ phù hợp. "Loại chữ đúng, đẹp. Loại chữ sai chính tả. Loại chữ sai độ cao. Loại chữ sai khoảng cách. loại chữ dính nét...v . v."
- Hướng dẫn học sinh nên dùng loại vở nào, dùng loại bút nào để luyện viết, hướng dẫn học sinh cách bọc vở và bảo quản, giữ gìn sách vở như thế nào trong năm học. Hướng dẫn cho học sinh các tiêu chuẩn cần phấn đấu để đạt danh hiệu “Vở sạch - Chữ đẹp”. Đồng thời cùng học sinh ra quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu về phong trào rèn chữ viết và giữ gìn sách vở.
- Hướng dẫn cách trình bày ở vở của học sinh trong từng thể loại bài, cách kẻ vở khi hết bài, cách trình bày các thể thơ khi viết bài để thống nhất trong cả lớp.
- Hàng ngày, hàng tuần giáo viên phải kiểm tra chấm và nhận xét, động viên để học sinh cố gắng hơn ở những lần sau.
- Kết hợp tốt với tổ chuyên môn, đoàn đội đánh giá phong trào "Vở sạch – Chữ đẹp" theo từng đợt, từng học kì và cả năm học một cách nghiêm túc, chặt chẽ.
a. Đối với việc giữ vở sạch
Ngay từ đầu năm giáo viên đã giáo dục để em hiểu tầm quan trọng, ý nghĩa của việc giữ vở sạch, viết chữ đẹp. Giáo viên còn cho em xem bộ vở đẹp từ những năm trước và động viên các em hăng say rèn luyện để đạt những bộ vở sạch, chữ đẹp như các anh chị và các bạn.
- Cũng trong đầu năm giáo viên quy định mẫu vở, bút chì, bút mực cho các em cả lớp cùng thống nhất
- Mỗi em đèu có giấy thấm lau bút, một tờ giấy kê tay để vở không bị dây bẩn, không bị ướt mồ hôi khi viết.
- Ngoài ra giáo viên còn hướng dẫn học sinh cách bơm mực (không bơm quá đầy chỉ bơm ½ sức chứa của bút)
- Khi viết không ấn nút mở nắp bút nhẹ nhàng dưới ngăn bàn, nếu bút bẩn cần lau sạch rồi mới viết
- Trước khi biết viết cần thử bút ra giấy nháp, khi nào thấy mực ra đều đặn nét đẹp mới cho viết vào vở.
- Giáo viên luôn nhắc nhở học sinh mở vở, gấp vở nhẹ tay, khi viết không gấp đôi vở.
- Cuối giờ học thu vở để vào tủ của lớp, đầu giờ lớp trưởng phát vở theo bàn
- Hàng ngày bàn học của học sinh phải được lau sạch trước khi vào lớp, học sinh cần phải được rửa tay sạch sẽ trước khi vào giờ học.
- Nếu viết sai trong vở cần dùng thước kẻ chân dưới chữ viết sai, không được tẩy xóa.
- Cuối mỗi buổi học giáo viên luôn kiểm tra vở của các em để kịp thời nhắc nhở, rút kinh nghiệm.
- Thường xuyên động viên, tuyên dương những em viết sạch, đẹp và đưa vở cho những em viết còn chưa đẹp xem, học tập.
b. Đối với việc rèn chữ đẹp:
- Muốn rèn học sinh viết chữ đúng, đẹp đầu tiên giáo viên đọc các tài liệu tham khảo, chỉ đạo chuyên môn để nắm chắc cách viết các nét, chữ cái sao cho đúng, đẹp.
- Ngay từ đầu năm học giáo viên dành tuần đầu tiên để hướng dẫn các em cách cầm bút, để vở và tư thế ngồi viết...
+ Khi ngồi viết học sinh phải ngồi ngay ngắn, lưng thẳng, không tì ngực vào cạnh bàn, đầu hơi cúi, hai mắt cách vở từ 25 - 30 cm. Cánh tay trái đặt trên mặt bàn bên trái, bàn tay trái tì vào vở giữ vở không bị xê dịch khi viết. Cánh tay phải cùng ở trên mặt bàn. Với cách để tay như vậy, khi viết bàn tay và cánh tay có thể di chuyển thuận lợi từ trái sang phải một cách dễ dàng.
+ Cách cầm bút: Khi viết học sinh cầm bút và điều khiển bút bằng cả ba ngón (ngón trỏ, ngón cái và ngón giữa) của bàn tay phải. Đầu ngón tay trỏ đặt ở phía trên, ngón tay cái giữa bên trái, phía bên phải của đầu bút tựa cạnh đốt đầu của ngón tay giữa. Ba điểm tựa này này giữ bút và điều khiển ngòi bút dịch chuyển linh hoạt. Ngoài ra động tác viết cần có sự phối hợp cử động của cổ tay, khuỷu tay và cả cánh tay.
+ Vị trí đặt vở khi viết chữ: vở viết cần đặt nghiêng so với mép bàn một góc 30° nghiêng về phía bên phải. Sở dĩ phải đặt như vậy vì chiều thuận của vận động tay khi viết chữ Việt là vận động từ trái sang phải.
- Trong quá trình học sinh viết, tôi luôn quan sát để phát hiện những học sinh sinh ngồi, cầm bút hoặc để vở sai để sửa triệt để cho các em.
- Trong quá trình rèn luyện chữ học sinh, giáo viên đặt kế hoạch rèn chữ cụ thể ở bốn thời điểm: Trong giờ tập viết, trong giờ chính tả, trong các giờ học còn lại ở nhà.
* Trong giờ Luyện chữ chính khóa:
- Chúng ta biết rằng muốn viết đẹp thì trước tiên là phải viết đúng mẫu chữ, kích cỡ, độ cao, tốc độ viết đảm bảo. Vì thế trong các giờ tập viết, chính tả trên lớp, giáo viên cần cung cấp cho học sinh những khái niệm cơ bản về đường kẻ, toạ độ viết chữ, tên gọi các nét chữ, cấu tạo chữ cái, vị trí dấu thanh, dấu phụ, các khái niệm liên kết nét chữ hoặc liên kết chữ cái … Từ đó, hình thành ở các em những biểu tượng về hình dáng, độ cao, sự cân đối, tính thẩm mĩ của chữ viết. Bên cạnh đó, giáo viên cần dạy học sinh các thao tác viết chữ từ đơn giản đến phức tạp, bao gồm các kỹ năng viết nét, liên kết nét tạo các chữ cái và liên kết chữ cái tạo thành chữ ghi tiếng. Đồng thời giúp các em xác định khoảng cách, vị trí cỡ chữ trên vở kẻ ô li để hình thành kỹ năng viết đúng mẫu, rõ ràng và cao hơn là viết nhanh và đẹp.
- Hướng dẫn thêm về kỹ thuật viết như: Lia bút, rê bút hay viết liền mạch cho các em.
- Giáo viên phải chuẩn bị đầy đủ phương tiện phục vụ giảng dạy như: chữ mẫu cao 2,5 ô ly bằng bìa cứng, bảng phụ có kẻ sẵn dòng kẻ để viết chữ cái, từ ứng dụng và câu ứng dụng. Để không mất thời gian chuẩn bị bảng phụ những năm gần đây tại trường đã tiến hành kẻ ô ly sẵn trên bảng để giáo viên tiện trình bày, học sinh tiện quan sát mà không mất nhiều thời gian chuẩn bị của giáo viên.
- Khi viết chữ mẫu giáo viên phải vừa viết vừa phân tích chữ thu hút sự chú ý của toàn bộ học sinh cho học sinh thấy được tay giáo viên khi viết chữ từ điểm đặt bút, cách rê và lia bút, điểm dừng bút. Có như vậy học sinh mới xác định được cách viết chữ.
- Giáo viên cần hướng dẫn kĩ khi học sinh thực hành viết vở tập viết: Điểm bắt đầu, điểm kết thúc, độ cao, khoảng cách phải chú ý theo mẫu trong vở. Sau mỗi tiết tập viết giáo viên cần chấm bài và sửa lỗi ngay tại lớp trực tiếp chỉ chỗ sai cho học sinh để học sinh kịp thời sửa chữa. Khen ngợi biểu dương học sinh viết đúng, đẹp, học sinh viết chữ có tiến bộ để khích lệ và khơi gợi niềm hứng thú viết chữ hướng tới viết đẹp cho học sinh.
- Quan tâm đặc biệt đến cách ngồi viết, cầm bút của học sinh theo quy định học đường để có được tư thế viết chữ đạt hiệu quả cao nhất.
Giáo viên cho học sinh nhắc lại, hiểu rõ đặc điểm và cách sử dụng vở tập viết để các em biết dùng vở tập viết đúng yêu cầu.
Các chữ cái có độ cao một đơn vị được xác định bằng đường kẻ ngang trên và đường kẻ ngang dưới ( Nếu ở cùng dòng viết có hai đường kẻ ).
Các chữ cái có độ cao 2,5 đơn vị được xác định bằng đường kẻ ngang trên, giữa và dưới
* Ô vuông trên khung chữ mẫu. Các ô vuông này do các đường kẻ ngang, dọc tạo thành, khoảng cách giữa ba ô vuông nhỏ theo chiều dọc là một đơn vị chữ.
* Xác định tạo độ và chiều hướng chữ
* Điểm đặt bút: là điểm bắt đầu khi viết một nét trong một chữ cái.
* Viết liền mạch: là điểm thao tác đưa ngòi bút liên tục từ điểm kết thúc của nét đứng trước tới điểm bắt đầu của nét tiếp theo.
* Kỹ thuật lia bút: là thao tác đưa ngòi bút trên không.
* Kỹ thuật rê bút: là trường hợp viết đè lên theo hướng ngược lại với nét chữ vừa viết,ở đây xảy ra hai trường hợp dụng cụ viết (Đầu ngòi phấn, bút ) chạy nhẹ từ điểm kết thúc của nét đứng trước đến điểm bắt đầu của nét đứng sau .
Sau khi đã cho học sinh nắm chắc các kí hiệu, kỹ thuật viết chữ rồi giáo viên tiến hành dạy chắc tiết luyện chữ. Nếu dạy chắc tiết luyện chữ giáo viên tin rằng chữ của học sinh sẽ dần dần trở nên đúng và đẹp hơn. Ờ trong tiết luyện chữ giáo viên đặc biệt chú trọng tới chữ mẫu ( Bộ chữ cái) chữ viết mẫu của giáo viên( Trên bảng lớp); việc này thực hiện thao tác hướng dẫn học sinh viết phải thật tỉ mỉ cho học sinh luyện viết nhiều ở bảng tay, giấy nháp.
* Song song với việc rèn tỉ mỉ học sinh ở tiết tập viết có trong chương trình từ tuần đầu của năm học giáo viên còn rèn luyện thêm cho các em một tiết tập viết ở vở luyện chữ đẹp cho các em trong tiết hướng dẫn tự học, với tiết tập viết này giáo viên rèn luyện cho các em cách viết chữ hoa sáng tạo, rèn luyện chữ viết thường và việc dạy học này giáo viên tiến hành rất tỉ mỉ và cẩn thận.
* Trong giờ chính tả :
Đây là giờ học rèn luyện cho các học sinh kỹ năng nghe đọc dể viết chuẩn xác theo luật chính tả. Học sinh nắm chắc để phân biệt được những phụ âm dễ lẫn (ch/tr; x/s; d/r/gi; n/l ), các vần khó ( iên/ yên/ uyên; oang/ uang...)
- Đối với chính tả (tập chép ) giáo viên chú trọng rèn cho các em cách nhẩm chép, cách phân biệt các phụ âm dễ nhầm để viết cho chuẩn xác thông qua việc phát âm, ghép tiếng tạo từ ( Dựa vào chuẩn nghĩa của từ ghép để phân biệt, dựa vào quy luật chung).
- Đối với chính tả nghe đọc; giáo viên chú trọng rèn luyện cho học sinh cách nghe chuẩn xác để viết đúng, ngoài ra đây còn là giờ học để rèn luyện cho học sinh kĩ năng viết đúng, viết đẹp.
- Trong cả tiết tập viết, tiết chính tả giáo viên đều chú ý tới việc đánh giá bài viết của học sinh đảm bảo hai yếu tố: vừa nghiêm khắc, vừa thể hiện sự động viên khích lệ kịp thời. Nhờ đó sẽ đánh giá được thực chất bài viết của học sinh và động viên các em cố gắng phấn đấu hơn.
*Trong các giờ còn lại
Trong các giờ còn lại giáo viên rất chú trọng đến tiết tập đọc ( tiết 1) và tiết tập đọc ( tiết 2). Trong hai tiết học này giáo viên luyện kỹ cho các em cách đọc và nếu các em biết phát âm chính xác thì các em sẽ đọc đúng đọc nhanh. Nếu học sinh đã đọc đọc đúng đọc nhanh thì việc viết chữ của các em sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Ngoài ra giáo viên còn chú trọng rèn chữ cho học sinh khi các em viết bài của các môn khác như : Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên xã hội để các em hiểu được rèn chữ đẹp cần rèn ở mọi lúc mọi nơi. Từ đó hình thành cho các em thói quen giữ vở sạch viết chữ cẩn thận đúng và đẹp.
Đối với việc rèn chữ ở nhà: Giáo viên giao việc về nhà cụ thể để học sinh luyện thêm. Giáo viên còn có một sổ theo dõi riêng ngoài sổ chủ nhiệm của từng lớp về diễn biến chữ viết hoặc chữ viết sạch của học sinh trong lớp. Hàng tuần vào sáng thứ sáu tiết sinh hoạt giáo viên dành ra 15 phút để đánh giá việc rèn chữ của từng học sinh trong lớp. Ngoài ra giáo viên còn khuyến khích việc các em trao đổi bài luyện viết vở cho nhau để các em học được ưu điểm của bạn nhờ bạn chỉ rõ giúp những yếu điểm của mình để khắc phục.