“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”…
Hàng năm, cứ vào 10/3 Âm lịch, người dân khắp nơi lại trở về Đền Hùng – Phú Thọ dự lễ, thắp nén hương thơm, tưởng nhớ công đức các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, mở mang bờ cõi, đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ non sông gấm vóc. Đây là ngày lễ quan trọng của cả dân tộc, là biểu tượng của giá trị văn hóa tinh thần vô cùng độc đáo và sâu sắc, thể hiện tinh thần đại đoàn kết, đạo lý truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn,” nhớ về tổ tiên, và trở thành tình cảm thiêng liêng, in sâu trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam.
Giỗ tổ Hùng Vương hay lễ hội Đền Hùng, Quốc giỗ là ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Đây là một trong những lễ hội mùa xuân hấp dẫn nhất tại miền Bắc, là ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam nhằm tưởng nhớ tới công lao dựng nước của các vị Vua Hùng. Ngày hội diễn ra tại Đền Hùng, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Từ xưa đến nay, hằng năm Giỗ Tổ được tổ chức với nghi lễ trang trọng, cả phần lễ và phần hội đều mang đậm chất dân gian truyền thống và được tiến hành trên tinh thần tự giác, tự quản của cộng đồng, có sự tạo điều kiện của Nhà nước. Cùng với nghi lễ thờ cúng, hàng loạt các hoạt động văn hóa dân gian được phục dựng nguyên bản làm cho Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng ngày càng gắn với tín ngưỡng, không gian văn hóa truyền thống và gắn với rất nhiều phong tục tập quán thể hiện sự phong phú của kho tàng văn hóa dân gian về thời đại các Vua Hùng. Qua đó khẳng định thờ cúng Hùng Vương là một tín ngưỡng bản địa, là hiện tượng văn hóa có sức sống mãnh liệt, sức lan tỏa lâu bền trong cộng đồng người Việt.
Phần lễ gồm các nghi thức trang nghiêm. Trong ngày chính hội (10/03 Âm lịch) sẽ có hai nghi thức được cử hành là Lễ Rước kiệu và Lễ Dâng hương. Lễ Rước kiệu gồm một đội quân mặc trang phục truyền thống, khiêng kiệu và tay cầm cờ hoa, đi từ chân núi, di chuyển qua các đền và dừng tại Đền Thượng (nơi làm lễ dâng hương). Lễ Dâng hương - được tổ chức bởi sự điều khiển của người chủ lễ, dâng hương từ các vị chức sắc đến bô lão, người dân và du khách. Có 41làng được rước kiệu từ đình làng mình tới Đền Hùng. Đó là những cuộc hành lễ thể hiện tính tâm linh và nhân văn sâu sắc. Các kiệu đều sơn son thếp vàng, chạm trổ tinh vi, được rước đi trong không khí vừa trang nghiêm vừa vui vẻ với sự tham gia của nhân dân trong tiếng chiêng, trống rộn rã một vùng. Phần hội gồm nhiều hoạt động vui chơi giải trí với các trò chơi dân gian như đánh vật, đu tiên, ném còn, cờ...
Một số hình ảnh lễ hội: