“Trên những nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi
Có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương
Có những bài ca nghe rạo rực lòng người
Bài ca ấy, loài hoa ấy, loài hoa ấy đẹp như em, người giáo viên nhân dân…”
Mỗi khi giai điệu ấy vang lên, lòng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động, tự hào về nghề giáo và nhớ đến hình ảnh cô giáo Lý Thị Bích Liên - một giáo viên giỏi -một người mẹ - người đồng nghiệp trân quý tâm huyết, sáng tạo với trái tim nhân ái, luôn mang đến sự ấm áp và năng lượng tích cực. Cô Liên là một trong những “bông hoa đẹp nhất” trong vườn hoa “Người tốt, việc tốt” của trường Tiểu học Đoàn Khuê.
Với 20 năm không ngừng phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của phường Việt Hưng (Long Biên – Hà Nội), gắn bó với các em học sinh lớp Một từ năm 2008 đến nay, cô Lý Thị Bích Liên luôn xác định vị trí, vai trò của mình trước nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi lòng nhiệt tình, sự kiên nhẫn và cả những hi sinh của bản thân. Âm thầm và lặng lẽ, cô ngày đêm hăng say với công việc, tận tâm cống hiến sức lực, tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp trồng người.
Cô giáo Lý Thị Bích Liên cùng các con lớp 1 đáng yêu
Nói đến cô giáo Lý Thị Bích Liên, chúng tôi, những đồng nghiệp của cô nói ngay đến sự tận tâm, lòng nhiệt huyết và tình thương yêu học trò vô bờ bến. Tập thể sư phạm nhà trường luôn yêu mến và cảm phục cô, cha mẹ học sinh luôn yên tâm, tin tưởng gửi gắm con em mình. Cha mẹ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt luôn nhắc tên cô với sự trìu mến, lòng biết ơn sâu sắc, niềm tin tưởng tuyệt đối.
Với vai trò là giáo viên chủ nhiệm lớp Một, cô đóng không chỉ là người thầy mà còn là người mẹ, người bạn đồng hành cùng các con. Gắn bó với lớp Một là thường xuyên đi sớm, về muộn, đối mặt với những tình huống đòi hỏi lòng kiên trì, nhẫn nại với học trò còn chưa quen nếp sinh hoạt tự lập, còn nhõng nhẽo khi mới rời xa vòng tay bố mẹ…Chúng như bầy chim non, ngỡ ngàng trước khoảng trời xanh vẫy gọi, trước kho tri thức khổng lồ phía trước. Điều đó đòi hỏi cô giáo phải thật sự yêu trò, nhiệt tình, tâm huyết và lắng nghe ý kiến từng em, cảm thông và chia sẻ với hoàn cảnh của từng bạn… mới mong đạt kết quả như ý muốn. Tất cả những điều này cô Liên đã trải qua, đã thực hiện và đạt kết quả rất tốt. Cô đã làm nên điều tuyệt vời khi những bàn tay bé nhỏ viết nắm nót từng chữ, tiếng các con đánh vần thật đáng yêu và bắt đầu hình thành những kĩ năng cơ bản, chủ động hơn trong sinh hoạt học tập tại trường……..
Mỗi ngày đến trường với các con là một ngày vui với bao điều mới lạ và mong muốn được khám phá, trải nghiệm…Tuy nhiên, với những học sinh diện hòa nhập, mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày với bao vất vả gian nan, đòi hỏi sự cố gắng nỗ lực vượt lên chính bản thân mình. Với những học sinh ấy, cô Liên luôn dành sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ đặc biệt. Cô ân cần chỉ bảo, giúp đỡ cả vật chất, động viên tinh thần giúp các em có nghị lực vươn lên, vượt hoàn cảnh khó khăn để học tập tốt…Cô đã kiên nhẫn, ân cần uốn nắn, chỉ bảo, tận tâm giúp đỡ để các em được hòa nhập, đồng hành với các bạn cùng trang lứa.
Trong nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện cô Liên có tâm sự nhớ mãi về cậu học trò Nguyễn Tùng Lâm, một học sinh đặc biệt khiến cô băn khoăn, trăn trở và dốc hết tâm sức của mình để giúp đỡ. Lâm sinh năm 2011 với diện mạo khá sáng sủa, thân hình hơi nhỏ so với các bạn cùng lứa nhưng mãi đến năm 3 tuổi em mới học nói. Kết quả khám sức khỏe cho thấy con bị rối loạn tự kỉ, chậm phát triển trí tuệ, hạn chế về trí nhớ, khả năng tư duy hầu như không có, khó khăn trong giao tiếp và nói được rất ít từ, phát âm còn ngọng, không tròn tiếng…Vì vậy, năm 2017, dù đến tuổi đi học, con cũng chưa sẵn sàng đến lớp, gia đình bất lực và đành để con ở nhà chờ lớn hơn một chút với hi vọng mong manh. Năm 2018, cô Liên đến nhà vận động, thuyết phục gia đình cho con đến lớp để hòa nhập với các bạn. Cảm động trước lòng nhiệt tình, tâm huyết của cô, gia đình Lâm đồng ý cho con đến trường do cô Liên làm chủ nhiệm. Cả ông bà, bố mẹ Lâm đều xác định: đưa cháu đến trường cho vui vì cháu không học được, không biết giao tiếp và nói ngọng, không biết cách trả lời, ngại nói. Một số kĩ năng cơ bản như mặc quần áo, cài khuy, lấy sách vở, mở nắp bút, gắp thức ăn…con cũng chưa tự làm được một mình.
Cô Liên chia sẻ trường hợp như Lâm là trường hợp đặc biệt, một “ca khó” nhất từ trước đến nay mà cô chưa từng gặp. Qua tiếp xúc và tìm hiểu về cậu bé Lâm, cô Liên đã lập kế hoạch riêng giúp đỡ cậu học trò nhỏ đáng thương này. Hành trình của cô cô cùng với Lâm từ những việc nhỏ nhất. Đó là dùng sự đồng cảm để gần gũi để hiểu, để biết em muốn gì? Cô Liên nắm tay em khi bước vào lớp, ngồi chung ghế với em trong những giờ ra chơi chỉ để Lâm cảm thấy an tâm và không sợ hãi giống như đang ở nhà vậy. Từng hoạt động từ nhỏ nhất như đi vệ sinh xong quần áo xộc xệch cô cũng giúp đỡ và hướng dẫn em chỉnh trang lại sao cho ngay ngắn đến hướng dẫn Lâm chuẩn bị, lấy đồ dùng cho từng môn học. Mọi hoạt động tưởng chừng đơn giản này nhưng với Lâm để quen và tự làm được là cả một quá trình đòi hỏi cô Liên phải kiên trì lặp đi lặp lại giúp đỡ con. Cô Liên còn kiên trì rèn cho Lâm kĩ năng giao tiếp bước đầu là trả lời câu hỏi “có, không”. Muốn con hiểu và nói được cô luôn dùng phương pháp “bắt chước - cô làm trước, trò làm sau”. Để giúp Lâm ghi nhớ âm và số cô dùng đủ mọi cách như: dùng khẩu hình, dùng tay để làm động tác, dùng kí hiệu,…Để luyện phát âm cho Lâm, cô Liên cũng kiên trì làm mẫu: con nhìn mồm cô phát âm, con phát âm theo, cứ như vậy mà lặp đi lặp lại nhiều lần. Nhiều khi cô cứ lặp đi lặp lại một từ đến mỏi cả miệng mà con vẫn không phát âm được và không nhớ, cô lại phải dùng kí hiệu, vẽ, viết vào bảng để Lâm nhớ và làm theo. Mỗi khi cậu bé Lâm nhớ và phát âm được một âm, một từ cô trò ôm nhau vui sướng. Đọc, phát âm đã khó luyện viết với Lâm còn khó hơn rất nhiều. Cô trò Lâm hết bảng rồi giấy, rồi vở nhưng cũng chỉ được những nét xiêu vẹo, nguệch ngoạc.
Hết học kì 1, bao công sức và tâm huyết của cô vẫn không lay chuyển được cậu bé “lì lợm” này. Kết quả là cậu không thuộc âm, không nhớ số, cô cầm tay cũng chẳng chịu viết. Giờ ra chơi, cậu lầm lũi trốn ra sân sau nghịch đất một mình làm cô thường xuyên phải đi tìm… Dạy dỗ đã mệt lại thêm việc quản lí cậu khó khăn, đôi lúc cô cũng thấy nản. Biết bao câu hỏi xoay vần trong đầu khiến cô không thể dừng bước, buông tay. Thế rồi cô lại lao vào trận chiến, quyết tâm kéo cậu bé ra khỏi “ vùng tối” của hiện tại. Một cô, một trò khi thủ thỉ, lúc “vật vã” với từng con số, từng con chữ. Những phút giây méo miệng phát âm đúng hoặc thuộc, nhớ được một con chữ, cậu nở nụ cười mãn nguyện trước sự động viên khích lệ kịp thời của cô Liên. Không chỉ riêng cậu bé Lâm, niềm vui còn lan tỏa đến cả bố mẹ và gia đình, đó là nguồn động lực giúp cô giáo thêm quyết tâm hoàn thành mục tiêu của mình. Với tình yêu thương rộng lớn, sự dày công chỉ bảo dạy dỗ của cô Liên và sự hỗ trợ, giúp sức của các cô giáo có chuyên môn tại trung tâm 777 Ngô Gia Tự và nỗ lực của bản thân, cuối năm học 2018- 2019 Lâm đã biết đọc, biết viết. Tuy nhiên, con chưa có khả năng làm tính và tư duy. Năm học 2019-2020 này, gia đình Lâm lại tha thiết muốn gửi gắm em ở lại lớp của cô. Cô Liên lại cùng Lâm tiếp tục hành trình tìm kiếm con chữ hòa nhập cộng đồng. Chính vì vậy, cô Liên đặt mục tiêu phấn đấu giúp Lâm biết viết, biết làm tính, biết giao tiếp với cô và các bạn. Thế là cô lại lập một kế hoạch dành riêng cho cậu bé, tiếp tục “đối mặt” một thầy – một trò với Tùng Lâm, giúp con viết số, hướng dẫn con đếm, dùng que tính, vạch ra giấy, dùng ngón tay, vật thật để con thực hiện tính cộng trừ bằng phương pháp trực quan. Cô liên tục hỏi những câu đơn giản và hướng dẫn Lâm trả lời từ “ có- không”, sau đó hướng dẫn cậu thêm chủ ngữ và nội dung đơn giản để trả lời thành câu ngắn gọn, rõ ý. Gần cuối năm học Lâm đã biết viết, biết làm tính đơn giản, tuy chưa nhanh, đã giao tiếp với cô và các bạn ở mức độ đơn giản. Đây là dấu hiệu tốt, mang lại niềm vui cho gia đình và cô giáo. Niềm vui nối tiếp niềm vui, bao công lao của cô Liên nay đã được đền đáp, dù chưa nhiều nhưng cũng khẳng định được sự thành công của cô trong quá trình dạy dỗ, giáo dục học sinh. Hiện nay con đang học lớp 5A2 và có nhiều tiến bộ. Mỗi lần nhắc đến cô Liên, con đều bày tỏ cảm xúc vui mừng, yêu quý cô. Nhiều lần tôi thấy Lâm xuống thăm “cô giáo cũ”, ôm cô như hồi lớp Một và miệng gọi “mẹ Liên” thật thân thương, trìu mến.
Cô Liên và cậu học trò đặc biệt Nguyễn Tùng Lâm
Với bản tính kiên nhẫn, cần cù, luôn hòa nhã với mọi người, hết lòng vì học sinh thân yêu, cô Liên luôn được đồng nghiệp quý mến, cha mẹ học sinh tin yêu. Trường hợp học sinh Tùng Lâm chỉ là một trong số rất nhiều học sinh diện hòa nhập được cô Liên yêu thương, giúp đỡ như: Lưu Trung Thành (tổ 3 – Việt Hưng), Nguyễn Hải Nam (tổ 12 - Việt Hưng), Trần Minh Hậu (tổ 8 - Việt Hưng), Nguyễn Bảo Ngân (tổ 6 - Việt Hưng), Hoàng Minh Quân (tổ 9 - Việt Hưng), Nguyễn Ngọc Gia Như (tổ 5 - Việt Hưng), Nguyễn Ngọc Tuệ Như (tổ 5 - Việt Hưng), … Cha mẹ những học sinh diện hòa nhập, có hoàn cảnh đặc biệt đã được cô Liên dìu dắt, giúp đỡ luôn kính trọng và biết ơn cô.
Cô Liên ân cần hướng dẫn học sinh làm bài
Bên cạnh đó, cô Liên còn là một đảng viên gương mẫu, luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, Nghị quyết, Chỉ thị,… của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành, của địa phương, nội quy của nhà trường; tích cực tự học tập, rèn luyện nâng cao nhận thức về chính trị; có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống giản dị. Cô luôn là tấm gương đi đầu trong mọi công tác, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.
Cô luôn cùng đồng nghiệp tìm tòi, sáng tạo những phương pháp dạy học tích cực. Với những giáo viên trẻ, cô coi như con cháu trong nhà mà chỉ bảo, tạo điều kiện tối đa để chúng tôi tiến bộ. Cô Liên không chỉ tư vấn cho chúng tôi về chuyên môn mà còn cách giao tiếp, ứng xử với cha mẹ học sinh, phương pháp chủ nhiệm lớp. Với những cô giáo trẻ mới vào nghề, lần đầu tiên trong đời tổ chức một cuộc họp Cha mẹ học sinh thực sự là một sự kiện lớn. Thấu hiểu được tâm trạng lo lắng và hồi hộp ấy, cô chủ động tư vấn, hướng dẫn chúng tôi tỉ mỉ từ cách chào, cách xưng hô với phụ huynh học sinh; thái độ, âm lượng của giọng nói trong cuộc họp,…. Nhờ đó, giáo viên trẻ chúng tôi đã “ghi điểm” trong lòng cha mẹ học sinh. Cô Liên có chuyên môn vững vàng, có hiểu biết rộng và sâu sắc, cẩn thận và chỉnh chu trong công việc. Cứ mỗi buổi học, cô chủ động hỗ trợ chuyên môn cho các cháu giáo viên trẻ. Từ những ý kiến chia sẻ ấy mà các bạn trẻ ngày càng vững vàng, tự tin hơn. Gần mười năm công tác cùng cô Liên, bản thân tôi thấy mình thực sự may mắn khi được công tác cùng cô, được cô chỉ bảo, dìu dắt.
Với sự nhiệt huyết và ngọn lửa đam mê, cô luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và đã mang về những thành tích xuất sắc cho nhà trường như: Giáo viên viết chữ đẹp cấp Quận, Giải Khuyến Khích Bài giảng Elearning cấp Thành phố, Giấy khen Hội chữ Thập đỏ Quận, nhiều năm liền đạt Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở…
Không chỉ yêu nghề, yêu học trò, cô Liên còn là người yêu thiên nhiên. Rất nhiều cây hoa ở khuôn viên trường là do một tay cô trồng và chăm sóc. Mỗi ngày đi làm, cô đều đến sớm để cắt lá, tỉa cành, tưới nước, bắt sâu bọ cho những cây hoa trong sân trường. Được cô chăm chút, những khóm hoa cô trồng luôn khoe sắc rực rỡ, làm đẹp thêm cho khung cảnh sư phạm của trường Tiểu học Đoàn Khuê
Trở về với tổ ấm hạnh phúc, cô Liên là người con hiếu thảo, người vợ hiền, người mẹ đảm đang, tháo vát. Mặc dù bận rộn là vậy nhưng cô luôn sắp xếp thời gian chăm sóc gia đình. Cô có hai con học giỏi, chăm chỉ và ngoan ngoãn. Có những lúc gia đình có biến cố, con gái ốm phải chữa bệnh một thời gian khá dài khiến cuộc sống sinh hoạt đảo lộn. Lo lắng cho gia đình, yêu trẻ cô quyết tâm làm tròn cả công việc và gia đình. Lắng nghe cô tâm sự về khoảng thời gian khó khăn ấy, khoé mắt tôi cay cay vì cảm phục cô Liên – người luôn nỗ lực, kiên trì, không bao giờ bỏ cuộc trước khó khăn thử thách. Gia đình cô là “Gia đình văn hóa tiêu biểu” của phường Việt Hưng.
Gia đình nhỏ đầm ấm, hạnh phúc của cô Liên
“ Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả một dân tộc ta là một rừng hoa đẹp...”. Vâng theo lời Bác dạy, mỗi cán bộ - giáo viên - nhân viên trường Tiểu học Đoàn Khuê đều ra sức phấn đấu để trở thành “tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Cô Lý Thị Bích Liên vừa là người đồng nghiệp, vừa là tấm gương về đạo đức, trách nhiệm, tận tâm, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục để chúng tôi noi theo. Cảm ơn “người chiến sĩ văn hoá” đã đang cống hiến hết sức mình cho các con thân yêu. Được làm việc cùng cô quả thực là niềm hạnh phúc với tôi. Xin chúc cô giáo giàu lòng nhân ái luôn vững bước trên con đường sự nghiệp trồng người đầy chông gai nhưng rất đỗi tự hào. Chúc “vườn hoa việc tốt” Tiểu học Đoàn Khuê ngày càng ngát hương, khoe sắc.