Bí thư Đảng ủy xã Triệu Lăng Lê Xuân Lộc tâm sự: “Cách đây mấy năm nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đoàn cán bộ Bộ Quốc phòng có về Triệu Lăng làm phim về quê nhà của Đại tướng Đoàn Khuê. Trong dịp này xã có đặt vấn đề xây dựng con đường bê tông vào nhà Đại tướng nhưng các anh trong đoàn làm phim nói làm đường hay làm nhà lưu niệm đều có Bộ Quốc phòng lo, nhưng từ đó đến nay vẫn không thấy chuyển động gì”.
Đến thôn Gia Đẳng 1, chúng tôi tìm gặp ông Đặng Thanh Binh, Bí thư chi bộ và bà Đặng Thị Lài, (79 tuổi) là vợ của liệt sĩ Đoàn Giao, em dâu của Đại tướng Đoàn Khuê. Ông Binh có nhiều năm làm việc xã, việc thôn, nay đã nghỉ hưu nên biết được nhiều chuyện của địa phương. Ông cho biết gia đình của Đại tướng có 9 người con, 8 trai, 1 gái, thân phụ là ông Đoàn Cầu, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Dương. Gia đình ông Đoàn Cầu thuộc loại khá giả trong vùng. Lúc đó trường học ở xa, việc đi lại khó khăn nên gia đình ông thuê người về dạy cho những người con trong gia đình. Tuy giàu có nhưng ông Cầu không ham cuộc sống phú quý mà giác ngộ cách mạng rất sớm. Ông có thời gian làm chủ tịch UBND xã, sau đó lên chiến khu Ba Lòng bị sốt rét rồi mất. Ông và người vợ đầu có 8 người con, sau đó ông lấy thêm bà Nguyễn Thị Lạnh là em gái của bà Nguyễn Thị Dương, sinh thêm được 1 người con trai. Trong gia đình, ông Đoàn Khuê là con trai cả.
Năm 16 tuổi ông Đoàn Khuê tham gia phong trào Thanh niên phản đế; năm 1940 lúc mới 17 tuổi khi đang phụ trách phong trào phản đế của huyện Triệu Phong, ông bị bắt đày lên nhà tù Buôn Ma Thuột với mức án 8 năm tù, bị đánh đập, tra tấn dã man nhưng không lung lay được ý chí cách mạng. Năm 1945 ông thoát khỏi nhà lao về hoạt động ở tỉnh Quảng Bình, sau đó liên tục trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ông chiến đấu và chỉ huy chiến trường Khu 5. Từ năm 1987- 1991 ông là Tổng Tham mưu trưởng, trong giai đoạn 1991-1997 là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau ông Đoàn Khuê, gia đình có thêm một vị tướng cũng khá nổi tiếng là Trung tướng Đoàn Chương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược quân sự; một em trai khác là Đại tá Đoàn Thúy, giám đốc một nhà máy dệt của Bộ Quốc phòng.
Bà Đặng Thị Lài cho biết, gia đình bên chồng đông anh em nhưng luôn thương yêu, hòa thuận, nhường nhịn, không ai so bì ai. Bà lấy chồng năm 1961 về làm dâu được mấy năm thì chồng mất, sau đó đi thêm bước nữa nhưng luôn được mọi người thương yêu, quý trọng. Trong ký ức của bà, Đại tướng Đoàn Khuê là người nhân hậu, luôn quan tâm đến người khác, mỗi lần về quê ông đều hỏi thăm tình hình sức khỏe, đời sống của bà con, làng xóm, vận động mọi người thực hiện chính sách dân số và trồng cây xanh chống cát bay, cát lấp. Tuy giữ trọng trách nhưng ông sống giản dị, thanh bạch.
Trong số những người con của ông Đoàn Cầu có 3 người thoát ly, tập kết ra miền Bắc trở thành những tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp của quân đội, còn 6 người ở lại quê nhà đều lần lượt hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam. Cho đến nay dù đã gần 80 tuổi, bà Đặng Thị Lài vẫn nhớ năm hy sinh của những người thân trong gia đình nhà chồng, đó là vào những năm 1964 đến 1970, thời kỳ chiến tranh ác liệt 5 người con trai và một người con gái lần lượt hy sinh, trong đó người con trai út cũng nối tiếp truyền thống của gia đình tham gia chống Mỹ và đã hy sinh. Như vậy 6 người con của ông Đoàn Cầu ở lại miền Nam đã không một ai còn sống. Từ năm 1963, bà Nguyễn Thị Dương được đưa ra miền Bắc, còn bà Lạnh ở lại quê nhà. Bà rất đau xót khi nghe con hy sinh ở đâu bà tìm tới đó, đưa xác con về chôn cất. Ông Đặng Thanh Binh, Bí thư chi bộ thôn Gia Đẳng nói thêm, trong số những người hy sinh có 2 người là huyện ủy viên, là chị Đoàn Thị Tùng, Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Triệu Phong và anh Đoàn Cư, cán bộ Công an huyện Triệu Phong.
Có thể nói trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ để giải phóng dân tộc, ít có một gia đình nào có tới 2 vị tướng cao cấp quân đội như gia đình Đại tướng Đoàn Khuê. Nếu tính cả con, cháu thì có thêm một số sĩ quan cao cấp khác. 6 người con của ông Đoàn Cầu không tiếc máu xương, chiến đấu hy sinh anh dũng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, 2 người vợ của ông đều được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Một gia đình có hai vị tướng, trong đó có vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng, 6 người con liệt sĩ, 2 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tất cả như những tượng đài sừng sững. Vì thế rất cần được các cấp, các ngành, nhất là lãnh đạo tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Bộ Quốc phòng quan tâm xây dựng một nhà lưu niệm ở thôn Gia Đẳng, xã Triệu Lăng để thành nơi thắp sáng ngọn lửa truyền thống, giáo dục cho con cháu mai sau và để xứng đáng với sự hy sinh của ông Đoàn Cầu và những người con trong gia đình ông.
Nguồn: http://www.baoquangtri.vn