“Đồng chí Đoàn Khuê là một tấm gương sáng về phẩm chất của người cách mạng và anh Bộ đội Cụ Hồ. Từ trong lao tù, ngoài chiến trận, khi công tác hay trong sinh hoạt, đồng chí luôn luôn thể hiện đức hy sinh, lòng dũng cảm, trí thông minh, sống trung thực, thẳng thắn, nghiêm nghị, giản dị, cần kiệm, nghiêm khắc với mọi biểu hiện hình thức, quan liêu; chan hòa, gần gũi, đồng cảm với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, đồng chí”. (Trích Điếu văn của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại lễ tang Đại tướng Đoàn Khuê).
Sinh ra trên đất Quảng Trị
Đại tướng Đoàn Khuê, bí danh là Võ Tiến Trình, sinh ngày 29/10/1923 ở làng cát ven biển Gia Đẳng, xã Triệu Tân, nay là xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, là người con cả trong gia đình. Làng nằm dọc theo bờ biển, đất trồng lúa khan hiến, có thể trồng khoai trên cát cùng với phi lao.
Anh theo học ở làng và trường tư ở thị xã Quảng Trị lúc đó đến năm 1939, 16 tuổi, tham gia phong trào Thanh niên phản đế ở trường tiểu học Trường Xuân. Từ năm 1939 tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều biến chuyển lớn: Phát xít Đức gây ra Đại chiến II, Phong trào Mặt trận bình dân ở Đông Dương chuyển sang phản đế, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ ngày 27/9/1940 với khẩu hiệu đánh đuổi Nhật-Pháp. Ở Quảng Trị có nhiều hoạt động hưởng ứng Bắc Sơn.
Anh Khuê bị bắt ngày 30/10/1940 khi đang là người phụ trách phong trào Thanh niên phản đế của Triệu Phong. Bị tra tấn dã man nhưng lòng anh không lay chuyển. Thực dân Pháp đày anh lên Buôn Ma Thuộc với bản án 8 năm.
Nhà tù Buôn Ma Thuộc là nơi Pháp lưu đày các chiến sĩ cách mạng, người yêu nước (ở phía Bắc có nhà tù Sơn La, phía Nam có nhà tù Côn Đảo…). Những ngày ở tù, anh đã một mặt thân trong lao khổ nhưng mặt khác học tập đồng chí, tôi luyện bản lĩnh, học nhiều tiếng dân tộc ở Tây Nguyên, có thể nói chuyện với binh lính người Ê-đê và học những kiến thức quân sự ban đầu…, để khi thời cơ đến, hoạt động hiệu quả cho sự nghiệp giải phóng đất nước.
Tháng 5/1945, anh thoát khỏi nhà lao, về hoạt động gây cơ sở cách mạng ở Quảng Bình, được cử làm Chủ nhiệm Việt Minh ở Quảng Bình và tháng 8/1945 tham gia giành chính quyền ở đây.
Đại tướng Đoàn Khuê
Gắn bó với chiến trường Khu 5 gần một phần ba thế kỷ
Từ 1946-194 và từ 1963-1983, trải qua 8 năm kháng chiến chống Pháp, 12 năm kháng chiến chống Mỹ (1963-1975) và 8 năm xây dựng, bảo vệ đất nước (1975-1983), ông đã liên tục chiến đấu, chỉ huy chiến trường Khu 5.
Trong chống Pháp, từ 1946, ông là chính trị viên trường Lục quân Quảng Ngãi rồi làm Chính ủy nhiều trung đoàn và khi kết thúc kháng chiến chống Pháp là Phó Chính ủy Sư đoàn 305.
Trung đoàn chủ lực 108, ông là Chính ủy, là trung đoàn duy nhất được nhận cờ khen của Bộ Quốc phòng trong chiến cục Đông Xuân 1953-1954 ở Liên khu 5.
Trung đoàn 108 mở đầu Đông Xuân của Liên khu bằng trận đánh tiểu khu Mang Đen-vị trí án ngữ cửa ngõ Tây Quảng Ngãi và là tiền đồn bảo vệ Kon Tum-một cứ điểm kiên cố cả Pháp ở Liên khu lúc bấy giờ. Trực tiếp chỉ huy trung đoàn chiến đấu là trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu và chính ủy Đoàn Khuê.
Trận đánh từ đêm 27/1/1954, trung đoàn đã tiêu diệt hoàn toàn tiểu khu lúc trời sáng rõ. Tiêu diệt cứ điểm Mang Đen, cùng với chiến thắng của các đơn vị bạn diệt các cứ điểm Kông Rải, Măng Bút trong đêm mở đầu Đông Xuân 1953-1954 ở Liên khu, đã đập tan cụm phòng ngự mạnh nhất của địch ở Đông Bắc Kon Tum, tạo thế uy hiếp mạnh đối với địch ở Kon Tum và Plei Ku.
Ở trên đất Bắc từ 1954-1962, tạm xa Liên khu 5, ông lần lượt trải qua nhiều nhiệm vụ trong đó có thời kỳ là Chính ủy Lữ đoàn 270 khu vực giới tuyến quân sự, Phó Chính ủy Quân khu 4.
Ở Lữ đoàn 270, ông cùng ban chỉ huy Lữ đoàn phối hợp chặt chẽ, công an vũ trang, đoàn đặc công nước 126 Hải quân và các lực lượng khác cùng Đảng bộ địa phương xây dựng Vĩnh Linh thành lũy thép kiên cường.
Năm 1963, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào thời kỳ quyết liệt, Khu 5 bị địch đánh phá có vùng trắng đất trắng dân, ông được cử trở lại chiến trường với cương vị Phó Chính ủy Quân khu. Ông đã cùng Bộ Tư lệnh Quân khu do tướng Chu Huy Mân đứng đầu thành lập 3 sư đoàn 3, 2, 1. Khu 5 trở thành địa phương “đi đầu diệt Mỹ” với những trận đánh, chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử như Núi Thành (26/5/1965), Ba Gia (29/5-20/7/1965), Vạn Tường (18-19/8/1965), Plei Me (19/10-26/11/1965), Đồng Dương (17/11-18/12/1965).
Đồng chí Đoàn Khuê nói: “Xây dựng ý chí là bảo đảm cho bộ đội quyết đánh, còn phải xây dựng tư tưởng chiến thuật để đánh thắng địch”. Ông đã chỉ đạo thực hiện chiến thuật “bao vây đánh lấn, tấn công dứt điểm” trong trận đánh Nông Sơn - Trung Phước tháng 7/1974.
Từ cuối năm 1976 đến tháng 3/1983, ông là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5. Quân khu 5 lúc này là cả dải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên rộng lớn (đến tận 2004 Bình Thuận và Lâm Đồng mới tách về Quân khu 7), có bờ biển dài 1.100 km, giáp nước bạn Lào 307 km và Campuchia 409 km.
Một trong những vấn đề nổi lên là lực lượng FULRO ngoan cố tìm mọi cách chống đối. Ông đã cùng Bộ Tư lệnh, có sự phối hợp của nhiều đơn vị khác, nghiên cứu sâu nguồn gốc, quá trình hình thành và tính chất hoạt động của chúng, chuyển nhận thức từ “truy quét FULRO” thành vấn đề “giải quyết FULRO”, vì FULRO không phải đơn thuần là vấn đề quân sự mà là cả vấn đề chính trị.
Từ 1979, Quân khu 5 đảm nhiệm một hướng quan trọng giúp bạn ở Campuchia. Ông đã trực tiếp chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị chiến trường, chỉ huy từ tạo thế chiến dịch đến kết thúc chiến dịch.
Năm 1983, rời Quân khu 5, ông được phân công làm Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh 719, Phó Trường đoàn chuyên gia giúp bạn Campuchia. Sinh ở Quảng Trị, nhưng trưởng thành ở Quân khu 5, nên đất Nam Trung Bộ luôn nhớ đến ông với bao kỷ niệm sâu sắc trìu mến.
Giai đoạn 1983-1986 khi ông làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, nước bạn đứng trước nhiều khó khăn, địch đang áp dụng kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt, vừa gây chiến tranh biên giới, vừa đẩy mạnh hoạt động ở nội địa. Việc giúp bạn xây dựng tuyến phòng thủ biên giới phía Tây và Tây Bắc mang tên K5 ở giai đoạn cuối chịu nhiều cam go thử thách. Ông và Ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia chỉ đạo hàng ngày, nhiều lần ông ra biên giới kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thi công. Cuối 1986, đầu 1987, công trình phòng thủ cơ bản hoàn thành.
Trên cương vị Tổng tham mưu trưởng, Bộ trưởng
Từ 1987-1991, ông là Tổng Tham mưu trưởng, từ tháng 8/1991-1997, là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trên cương vị lãnh đạo chiến lược này, ông đã cùng Quân ủy Trung ương xây dựng quân đội trong hoàn cảnh mới. Ông đã giành nhiều thời gian xuống các đơn vị, vì theo ông, mọi vấn đề đều được đúc rút từ thực tiễn.
Khi ở Bộ Tổng tham mưu, ông thị sát các điểm nóng, đến tận các chốt của bộ đội. Ông đến Vị Xuyên, nơi Sư đoàn 316 Quân khu 2 đảm trách, tâm sự cùng chiến sĩ lúc đó thiếu thốn bộn bề. Chuyến thăm được ông rút ra, cần giải quyết từ những nhu cầu đơn giản nhất, Khi có chủ trương xây dựng các trung đoàn điểm, ông đến nhiều bãi tập để xem từng động tác của chiến sĩ, tổ, phân đội…
Ông quan niệm, việc nào chưa sát thực thì phải sửa cho phù hợp thực tiễn. Năm năm ở Bộ Tổng tham mưu, ông đã lưu lại dấu ấn về nề nếp, tài lược huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu cũng như nội dung xây dựng chính quy.
Trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, ông đã đề xuất, góp phần vào việc đánh giá tình hình thế giới, khu vực và cục diện cách mạng nước ta, việc điều chỉnh thế bố trí lực lượng và phòng thủ trên các hướng, các địa bàn, vùng biển đảo, biên giới, đất liền, các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa… bảo đảm khả năng phòng thủ của từng địa phương và cả nước trong các tình huống.
Ông là người lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quan điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng, xây dựng các khu vực phòng thủ ở các tỉnh, thành. Ông khẳng định: “Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa càng vĩ đại thì càng yêu cầu củng cố quốc phòng, an ninh càng trọng đại và bức thiết”. (Bài phát biểu của Đại tướng Đoàn Khuê tại Hội nghị cán bộ tháng 8/1996).
Nguồn: https://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/dai-tuong-doan-khue-vi-chi-huy-muu-luoc-2191102