Tôi được gặp và biết anh Đoàn Khuê từ hồi đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở chiến trường Liên khu 5. Hồi ấy, anh Đoàn Khê làm Chính ủy trung đoàn chủ lực của Liên khu, còn tôi thì chiến đấu ở chiến trường cực nam Trung Bộ, vì vậy tôi chỉ được nghe về anh nhiều hơn là gặp anh. Chỉ từ sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, khi tôi được Bộ Tư lệnh Liên khu 5 điều về làm Trung đoàn phó Trung đoàn chủ lực 96, anh Nguyễn Minh Châu làm Trung đoàn trưởng, tôi mới được hiểu và được nghe về anh nhiều hơn, nhất là qua anh Nguyễn Minh Châu.
![Nhấn vào ảnh để phóng to](https://8486d3381d.vws.vegacdn.vn/UploadFolderNew/SGDLongBien/Image/thdoankhue/2021_8_image/2018_04_07_14_41_451_26082021(1).jpg?w=900)
Đại tướng Đoàn Khuê, Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Trong chiến cục đông xuân hè năm 1953-1954, ở Liên khu 5, anh Đoàn Khuê làm chính ủy Trung đoàn 108. Khi ấy anh Châu được bố trí làm Trung đoàn phó Trung đoàn 108 theo ý định sử dụng cán bộ của anh Nguyễn Chánh-Tư lệnh chiến dịch, để chuẩn bị thành lập trung đoàn chủ lực mới trong quá trình chiến cục. Anh Châu thường kể về anh Khuê trong trận đánh đồn Mang Đen (đêm 28-1-1954), một cứ điểm mạnh nhất trên tuyến phòng thủ của địch ở phía đông tỉnh Kon Tum. Trận đánh kéo dài, ta bị thương vong. Lúc này, trong Ban chỉ huy trung đoàn có ý kiến đề nghị rút bộ đội ra để củng cố, chuẩn bị để tối hôm sau đánh tiếp. Nhưng anh Đoàn Khuê thì đề nghị kiên quyết chấp hành mệnh lệnh, tiếp tục chiến đấu tiêu diệt cứ điểm then chốt này ngay trong đêm hôm ấy. Để thực hiện quyết tâm đã được thông qua, anh chỉ thị cho lực lượng đang chiến đấu ở hướng chủ yếu kiên quyết bám giữ trận địa, đồng thời lệnh cho Tiểu đoàn 79 trên hướng thứ yếu nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ và phát triển vượt qua sân bay dã chiến của địch, phối hợp với lực lượng trên hướng chủ yếu đánh chiếm Mang Đen. Trong lúc này, Tư lệnh Nguyễn Chánh đang theo sát diễn biến trận đánh. Nghe báo cáo và đề nghị của anh Đoàn Khuê, Tư lệnh phê duyệt ngay đồng thời thông báo cho biết là Tiểu đoàn 365, dự bị chiến dịch, đang sẵn sàng bước vào chiến đấu phối hợp với Trung đoàn 108 tiêu diệt Mang Đen ngay trong đêm. Nhưng trong khi lực lượng dự bị chiến dịch chưa được sử dụng thì Tiểu đoàn 79 trên hướng thứ yếu do tiểu đoàn trưởng Nguyễn Sơn Diệp chỉ huy đã vượt sân bay và trở thành lực lượng chủ yếu tiêu diệt địch trong cứ điểm. Và nhờ thế, đồn Mang Đen đã hoàn toàn bị tiêu diệt.
Sau chiến thắng Mang Đen, Trung đoàn 108 nhanh chóng phát triển chiến đấu theo hướng đã định để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn khu vực bắc tỉnh Kon Tum. Trong lúc này, tình hình địch trong khu vực có nhiều diễn biến phức tạp mà ta thì chưa nắm chắc được. Chỉ huy trung đoàn quyết định “vừa đi vừa đánh”, có thế mới có thể hoàn thành nhanh chóng nhiệm vụ được giao. Để thực hiện thắng lợi phương thức này, anh Đoàn Khuê quyết định cấp trưởng cùng một lực lượng gọn nhẹ đi trước nắm tình hình và chuẩn bị phương án tác chiến khi gặp địch, cấp phó dẫn lực lượng chủ yếu đi sau. Chính ủy Đoàn Khuê cùng Trung đoàn trưởng Gián Văn Cương dẫn đầu đoàn quân tiến lên giải phóng khu vực bắc Kon Tum thật nhanh và gọn. Do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong quá trình chiến cục đông xuân hè năm ấy nên Trung đoàn 108 là trung đoàn chủ lực duy nhất được tặng cờ “chiến thắng” của Bộ Tư lệnh Liên khu 5.
Kể về anh Đoàn Khuê, tôi còn nghe một số ý kiến cho rằng hình như anh Khuê không cười bao giờ, khô khan và nghiêm khắc, ít gần gũi mọi người nên khó hiểu và khó gần. Theo tôi, nếu chỉ nhìn những biểu hiện bề ngoài của anh thì thật có đúng như thế, nhưng nếu sống gần và hiểu sâu về anh thì không hẳn như vậy. Người ta có câu: “Xa trông, gần chán”; nhưng riêng tôi với anh Khuê thì ngược lại: “Xa trông, gần mến”. Đặc biệt, từ khi tôi được điều về làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, có điều kiện tiếp xúc gần gũi anh Khuê hơn nên chúng tôi càng hiểu nhau hơn. Là Tổng tham mưu trưởng, anh Đoàn Khuê nắm chắc và quan tâm chăm lo nâng cao sức chiến đấu và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang, đặc biệt là vùng biên giới và hải đảo. Anh nói, ở những nơi này ta có nhiều khó khăn, vì vậy không phải chỉ có quyết tâm mà còn cần phải có những biện pháp cụ thể và có tính khả thi cao. Tuy rất bận, nhưng anh vẫn có đủ quỹ thời gian để đi được hết các đảo, kể cả đảo nhỏ nhất. Đến đâu anh cũng yêu cầu đảo trưởng báo cáo phương án tác chiến và khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị và đề nghị mọi người tham gia ý kiến một cách cụ thể và thiết thực sát với điều kiện và yêu cầu của từng đảo. Khi anh Khuê phát biểu góp ý kiến vào phương án tác chiến ở từng đảo, trước hết anh thể hiện sự thông cảm sâu sắc của Thủ trưởng Bộ đối với điều kiện và hoàn cảnh của đơn vị trên từng đảo, rồi với thái độ ân cần và đồng cảm, anh góp ý vào từng nội dung của phương án tác chiến theo cách bày vẽ là cần bổ sung, sửa chữa, uốn nắn những chỗ chưa đúng hoặc còn thiếu sót cả về nhận thức cũng như thực tiễn một cách thật cụ thể. Với cách làm như vậy, anh đã làm cho tất cả các đảo trưởng đều đón nhận những ý kiến của anh như đón nhận những lời chỉ bảo ân cần của người anh, người thầy gần gũi và thân thương. Và với cách làm như vậy, hễ anh đến đảo nào thì các phương án tác chiến ở đó đều đã được hoàn chỉnh.
Một trong những vấn đề mà anh Đoàn Khuê đặc biệt quan tâm là đời sống vật chất và tinh thần của bộ đội, vì vậy anh yêu cầu các đảo trưởng phải báo cáo cụ thể về vấn đề này. Rồi anh quay sang tôi đang ngồi bên cạnh và hỏi: Anh Xuyên nghĩ xem liệu có cách nào bảo đảm rau xanh cho đảo không? Chấp hành chỉ thị của anh, khi về đất liền tôi bàn tính với anh em trong Tổng cục Hậu cần cùng các đơn vị và đã tìm được biện pháp thực hiện thắng lợi chỉ thị của anh. Chúng tôi đã chở từ đất liền ra đảo hàng mấy chục tấn đất với mấy trăm cái khay bằng gỗ (mỗi bề một mét, cao sáu mươi phân) để đổ đất trồng rau. Với kết quả tốt đẹp đã đạt được tôi báo cáo với anh là mỗi ngày bộ đội ở trên tất cả các đảo đều có được một bữa canh, hoặc rau hoặc bầu bí, bình quân mỗi người trong mỗi ngày được bảo đảm khoảng ba bốn mươi gam rau xanh trong quanh năm. Nghe xong, anh vỗ vai tôi, cười rất tươi và thoải mái.
Anh Đoàn Khuê là người rất cẩn trọng và chín chắn, nhất là việc sử dụng, đề bạt và nghỉ hưu của cán bộ. Cũng chính nhờ vậy nên khi đã sử dụng cán bộ thì anh rất tin và thương cán bộ. Có trường hợp Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương đề nghị thăng quân hàm cho một đồng chí Tư lệnh Quân khu, nhưng trên giữ lại vì có một số đơn vị của quân khu ấy làm kinh tế chưa tốt. Một hôm anh nói với tôi, theo chế độ trách nhiệm nên trên không duyệt đề bạt cho đồng chí ấy là đúng, nhưng đồng chí ấy là cán bộ tốt, anh nên bàn với các cơ quan cố gắng giúp quân khu làm ăn cho tốt để sang năm đồng chí ấy sẽ được đề bạt. Một lần tôi tham gia đoàn cán bộ quân sự cao cấp của ta do anh Đoàn Khuê dẫn đầu đi thăm một số nước trong khu vực. Trong bữa tiệc chiêu đãi của bạn, anh nhìn sang tôi, tưởng tôi không ăn được, anh bèn gắp thức ăn rồi với tay qua vị Bộ trưởng chủ nhà để bỏ vào đĩa của tôi và nói: Món này lạ, anh ăn đi! Cử chỉ ấy của anh đối với cấp dưới làm cho tất cả các quan khách trong bữa tiệc hôm ấy rất đỗi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng, vì đó không phải là hành động ban phát mà chính là tình cảm anh em thân thiết.
Anh Đoàn Khuê là như thế, nhưng không chỉ có thế! Với mấy dòng tưởng niệm này tôi không thể nói hết về anh. Nhớ anh, tôi chỉ ghi được đôi điều cảm nhận mộc mạc về anh nhưng theo tôi, nó hàm ẩn cái gì đó sâu sắc và tầm cỡ.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên
(Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng)
Nguồn: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/nho-anh-doan-khue-478981