Phố “lưỡng quốc tướng quân”
Một người bạn từ tỉnh miền núi Hà Giang xuống Hà Nội ghé thăm gia đình tôi chơi. Bạn nhờ tôi mua giùm một loại hàng xách tay ở phố Nguyễn Sơn, quận Long Biên. Bạn bảo rằng, từ lâu phố Nguyễn Sơn được mệnh danh là “thủ phủ hàng xách tay” vì ở đây có bán những hàng xách tay “xịn” từ nước ngoài, giá lại rẻ! Tôi nói với bạn đấy chỉ là tin đồn thôi. “Nếu không mua được hàng xách tay, thì coi như chúng ta đi dạo chơi vậy”. Nể lời bạn, tôi thuê chiếc taxi đưa bạn đến phố Nguyễn Sơn.
“Bạn có biết Nguyễn Sơn là ai không?”. Vốn học chuyên ngành sử, nên bạn tỏ ra vanh vách khi kể cho tôi nghe lai lịch về “lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn. Ông tên thật là Vũ Nguyên Bác, người xã Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội). Từ năm 1926, ông tham dự lớp huấn luyện của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc mở ở Quảng Châu (Trung Quốc), sau đó học ở Trường Quân sự Hoàng Phố, tham gia Vạn lý trường chinh trong Hồng quân Trung Hoa, làm Ủy viên Chính phủ Công nông Xô viết Trung Quốc. Năm 1945 về nước, ông làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến miền Nam, Cục trưởng Cục Quân huấn, Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu IV, Liên khu V. Năm 1948, ông là một trong những người được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm thiếu tướng đầu tiên của Quân đội ta. Năm 1951, ông trở lại Trung Quốc công tác ở Bộ Tổng Tham mưu Quân Giải phóng, tham gia cuộc kháng chiến “Kháng Mỹ viện Triều”. Với nhiều công lao đóng góp cho cách mạng Trung Hoa, năm 1955, ông được Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa phong quân hàm thiếu tướng. Vì thế, Nguyễn Sơn được gọi là “Lưỡng quốc tướng quân” (tướng quân của hai nước Việt Nam và Trung Quốc).
Cảnh quan ở một góc phố Đoàn Khuê. Ảnh: THIỆN VĂN
Rồi bạn kể lại cho tôi một giai thoại lưu truyền về tướng Nguyễn Sơn. Khi biết mình chỉ được phong quân hàm thiếu tướng, ông tỏ vẻ không hài lòng nên gửi công văn hỏa tốc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhã ý từ chối nhận quân hàm. Nhận được công văn, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho ông tấm card “Gửi Sơn đệ” với 12 chữ Hán “Tâm dục tế, đảm dục đại, trí dục viên, hành dục phương” (Đại ý: Người làm tướng cần phải có cái tâm nên tế nhị, chín chắn; cái gan cần phải lớn; cái trí phải suy trước nghĩ sau, toàn diện; cái đức hạnh, hành động phải đầy đủ, cương trực). Rất khâm phục, cảm kích trước tình cảm và cũng là lời nhắc nhở khéo léo của Bác Hồ, ông vui vẻ chấp thuận với cấp hàm thiếu tướng được phong của mình.
Kể xong câu chuyện về tướng Nguyễn Sơn, bạn tôi tâm sự: “Thật hiếm có lãnh tụ nào có tài cảm hóa người khác như Bác Hồ. Lời Bác dành cho tướng Nguyễn Sơn nhã nhặn mà ý tứ thâm sâu. Bài học của Bác dành cho tướng Nguyễn Sơn cũng là bài học dành cho cán bộ, chiến sĩ hôm nay, đó là luôn đặt mình vào tập thể, biết dựa vào tập thể, vì tập thể để nỗ lực phấn đấu tiến bộ và giữ được đức tính khiêm nhường, giản dị của người cách mạng”.
Hai phố rộng, dài, đẹp mang tên hai vị đại tướng
Rời phố Nguyễn Sơn, tôi đưa bạn đến thăm một trong những con phố rộng, dài và đẹp nhất ở trung tâm quận Long Biên. Đó là tuyến phố mang tên Đại tướng Đoàn Khuê, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Phố Đoàn Khuê có vỉa hè thông thoáng, trồng nhiều cây xanh, mỗi sáng chiều có hàng trăm người dân nối chân nhau dạo bộ tập thể dục, hít thở không khí trong lành trong khuôn viên đô thị sinh thái Vinhomes Riverside Sài Đồng.
Tôi hỏi bạn, nói đến gia tộc, thân thế và sự nghiệp của Đại tướng Đoàn Khuê, cậu biết có điều gì nổi bật không? Ngồi trong quán cà phê có tiếng nhạc không lời du dương, bạn nhấp ly cà phê Ban Mê nóng hổi rồi cho tôi hay, gia đình Đại tướng Đoàn Khuê là một trong những gia đình có công lớn với cách mạng. Bố của ông là cụ Đoàn Cầu, chiến sĩ cộng sản đầu tiên của làng Gia Đẳng, xã Triệu Lăng, huyện Hải Lăng (nay là xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong), tỉnh Quảng Trị. Mẹ của ông là cụ Nguyễn Thị Dương. Hai cụ sinh được 8 người con thì có 5 con đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, đó là các liệt sĩ: Đoàn Đình, Đoàn Giao, Đoàn Ngọc Anh, Đoàn Cư, Đoàn Thị Tùng. Cụ Nguyễn Thị Dương vì thế xứng đáng với danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng mà Nhà nước trao tặng đợt 1, năm 1994.
Trong không khí thân mật, như muốn gợi lại những câu chuyện danh nhân, tôi hỏi bạn, cậu có biết ở quận Long Biên còn một tuyến phố mang tên đại tướng nào nữa không? Bạn tôi lấy tay xoa xoa vào nhau tỏ ý nghĩ ngợi. Để giải quyết “khâu bí” cho bạn, tôi giải đáp ngay: Đó là phố Chu Huy Mân. Hơn chục năm công tác ở Quân khu 2, tôi hiểu khá tường tận về lịch sử LLVT Quân khu 2 gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Chu Huy Mân. Ông nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chu Huy Mân (năm 1913-2006) tên thật là Chu Văn Điều, quê ở xã Hưng Hòa, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Từng bị tù đày của thực dân Pháp, nhưng ông tỏ rõ lòng trung kiên với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Ông có nhiều năm gắn bó với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc Tây Bắc và giữ các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, như: Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 Cao-Bắc-Lạng; Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316; Chính ủy Quân khu Tây Bắc kiêm Bí thư Khu ủy Tây Bắc... Nói đến Chu Huy Mân, ông có khá nhiều điều đặc biệt. Đó là một vị tướng xuất thân từ thành phần nông dân áo vải. Kết nạp Đảng từ tháng 11-1930 khi mới 17 tuổi, ông là vị đại tướng duy nhất có thâm niên tuổi trùng với thâm niên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ðại tướng Chu Huy Mân là một tài năng quân sự, có tầm nhìn chiến lược và cũng rất tinh thông về chiến dịch, chiến thuật. Ông góp phần quan trọng vào việc phát triển nghệ thuật quân sự, đặc biệt là nghệ thuật chiến dịch tổng hợp gồm hai lực lượng chính trị (đấu tranh chính trị, binh vận) và quân sự (ba thứ quân) của Quân đội ta.
Phố lưu danh “người con ưu tú dân tộc Tày” và phố “Vị tướng Chính ủy”
Tôi chia sẻ thêm với bạn: “Tôi đang cư trú tại phường Phúc Đồng. Địa bàn phường này vinh dự có 3 phố gắn liền với 3 vị tướng tên tuổi. Ngoài phố Chu Huy Mân, còn có phố Đàm Quang Trung và phố Hoàng Thế Thiện”.
Thượng tướng Đàm Quang Trung (năm 1921-1995) tên thật là Đàm Ngọc Lưu, dân tộc Tày, quê ở xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ông nguyên là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 1, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Dân tộc. Năm 1937, vừa tròn 16 tuổi, ông đi theo con đường cách mạng và hai năm sau đó, ông được kết nạp Đảng. Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, ông vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Quân ủy tin tưởng giao trọng trách chỉ huy 3 cuộc duyệt binh, diễu binh lịch sử. Đó là: Cuộc duyệt binh chào mừng Ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945; cuộc diễu binh thiện chí giữa Quân đội ta và quân đội Pháp ở Vườn hoa Canh Nông (nay là Vườn hoa Lênin) ngày 29-3-1946; cuộc diễu binh chào mừng Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ trở về Thủ đô sau 9 năm kháng chiến, ngày 1-1-1955. Tên tuổi Thượng tướng Đàm Quang Trung từ lâu là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Tày trên quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng.
Nằm gần phố Đàm Quang Trung là phố Hoàng Thế Thiện. Con phố được HĐND TP Hà Nội quyết định đặt tên cuối năm 2018. Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (năm 1922-1995) quê ở TP Hải Phòng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Hơn 50 năm hoạt động cách mạng, gần 40 năm chiến đấu và công tác trong quân đội, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện được mệnh danh là “Vị tướng Chính ủy”, vì ông đã trải qua cương vị phó chính ủy, chính ủy của hơn 10 đơn vị. Có thể kể đến chức vụ mà ông từng đảm nhiệm, như: Chính ủy, Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Cục Không quân (từ năm 1959); Phó chính ủy, Phó bí thư Đảng ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị đầu tiên của Sư đoàn 9; Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Sư đoàn 1; Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Sư đoàn 304; Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ tư lệnh Trường Sơn; Chính ủy đầu tiên, Bí thư Đảng ủy Quân đoàn 4. Theo đánh giá của những người đồng chí, đồng đội cùng thời với ông, như: Thượng tướng, GS Hoàng Minh Thảo; Thượng tướng, PGS Nguyễn Hữu An và Thiếu tướng Hoàng Đan, thì Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện là “Một chính ủy hơi hiếm” vì ông vừa giỏi chính trị, vừa có kiến thức, trình độ cao về quân sự.
Đã tròn chục năm về làm công dân Thủ đô và cư trú ở quận Long Biên, do bị cuốn vào bao thứ việc chung riêng mà tôi ít khi để ý đến chuyện đặt tên phố phường. May nhờ cậu bạn vốn đam mê lịch sử đến nhà chơi, từ một chuyện gợi ý “mua hàng xách tay” ở phố Nguyễn Sơn mà bạn đã gợi nhắc, “đánh thức” tôi nhớ về một phần lịch sử truyền thống hào hùng của Quân đội ta từ những tên tuổi, tài năng, công lao lừng lẫy của nhiều vị tướng Quân đội nhân dân Việt Nam đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội trân quý đặt tên đường phố./.
Phố Nguyễn Sơn rộng 10m, dài 1.500m, từ Vườn hoa Ngọc Lâm đến cổng sân bay Gia Lâm. Phố Đoàn Khuê rộng 40m, dài 2.100m, từ phố Trường Lâm kéo dài đến bùng binh giao đường 80m ở khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside Sài Đồng. Phố Chu Huy Mân rộng 40-80 mét, dài 2.400m, từ ngã ba giao cắt đường quy hoạch 48m tại Trung tâm thương mại Vincom Long Biên đến ngã giao cắt đường Nguyễn Văn Linh. Phố Đàm Quang Trung rộng 40m, dài 1.800m, từ ngã tư giao cắt đường Nguyễn Văn Linh đến ngã ba giao cắt đường đê tả sông Hồng (tại chân cầu Vĩnh Tuy). Phố Hoàng Thế Thiện, rộng 8-12 mét, dài hơn 800m, từ ngã ba giao cắt phố Chu Huy Mân tại điểm đối diện vườn hoa Phúc Đồng, đến ngã ba giao cắt phố Sài Đồng tại số nhà 85.
Ghi chép của THIỆN VĂN
Nguồn: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/pho-tuong-o-quan-long-bien-599657