Trong quá trình dạy học, tôi và các bạn đồng nghiệp thường xuyên sử dụng các phương pháp dạy học tích cực trong quá trình giảng dạy của mình và đạt kết quả tốt. Thông qua hoạt động học, dưới sự hướng dẫn của thầy, học sinh tự mình thực hiện hoạt động tự mình chiếm lĩnh kiến thức, tự mình hình thành kĩ năng, thái độ và trên cở sở đó sẽ hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh. Vì vậy, để phát huy tính tích cực chủ động của học sinh trong quá trình học thì mỗi thầy cô cần nắm được đặc điểm của học sinh lớp mình, từ đó chọn lựa các phương pháp dạy học để giúp các em hứng thú, phát huy hết khả năng của mình . Dưới đây là một số phương pháp dạy học tích cực mà tôi và các bạn đồng nghiệp đã sử dụng trong quá trình dạy học:
1. Phương pháp vấn đáp
* Vấn đáp: Là phương pháp trong đó giáo viên đặt ra câu hỏi để học sinh trả lời, hoặc học sinh có thể tranh luận với nhau và với cả giáo viên; qua đó học sinh lĩnh hội được nội dung bài học. Căn cứ vào tính chất hoạt động nhận thức, người ta phân biệt các loại phương pháp vấn đáp:
* Vấn đáp tái hiện: Giáo viên đặt câu hỏi chỉ yêu cầu học sinh nhớ lại kiến thức đã biết và trả lời dựa vào trí nhớ, không cần suy luận. Vấn đáp tái hiện không được xem là phương pháp có giá trị sư phạm. Đó là biện pháp được dùng khi cần đặt mối liên hệ giữa các kiến thức vừa mới học.
* Vấn đáp giải thích - minh hoạ: Nhằm mục đích làm sáng tỏ một đề tài nào đó, giáo viên lần lượt nêu ra những câu hỏi kèm theo những ví dụ minh hoạ để học sinh dễ hiểu, dễ nhớ. Phương pháp này đặc biệt có hiệu quả khi có sự hỗ trợ của các phương tiện nghe - nhìn.
* Vấn đáp tìm tòi: Giáo viên dùng một hệ thống câu hỏi được sắp xếp hợp lý để hướng học sinh từng bước phát hiện ra bản chất của sự vật, tính quy luật của hiện tượng đang tìm hiểu, kích thích sự ham muốn hiểu biết. Giáo viên tổ chức sự trao đổi ý kiến – kể cả tranh luận – giữa thầy với cả lớp, có khi giữa trò với trò, nhằm giải quyết một vấn đề xác định.
Học sinh trao đổi ý kiến, vấn đáp nhau trong tiết học
2. Phương pháp đặt và giải quyết vấn đề
Trong một xã hội đang phát triển nhanh theo cơ chế thị trường, cạnh tranh gay gắt thì phát hiện sớm và giải quyết hợp lý những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn là một năng lực đảm bảo sự thành công trong cuộc sống. Vì vậy, tập dượt cho học sinh biết phát hiện, đặt ra và giải quyết những vấn đề gặp phải trong học tập, không chỉ có ý nghĩa ở tầm phương pháp dạy học mà phải được đặt như một mục tiêu giáo dục và đào tạo. Cấu trúc một bài học (hoặc một phần bài học) theo phương pháp đặt và giải quyết vấn đề thường như sau:
* Đặt vấn đề, xây dựng bài toán nhận thức
- Tạo tình huống có vấn đề;
- Phát hiện, nhận dạng vấn đề nảy sinh;
- Phát hiện vấn đề cần giải quyết
* Giải quyết vấn đề đặt ra
- Đề xuất cách giải quyết;
- Lập kế hoạch giải quyết;
- Thực hiện kế hoạch giải quyết.
* Kết luận: - Thảo luận kết quả và đánh giá;
- Khẳng định hay bác bỏ giả thuyết nêu ra;
- Phát biểu kết luận;
- Đề xuất vấn đề mới.
* Có thể phân biệt bốn mức trình độ đặt và giải quyết vấn đề:
Mức 1: Giáo viên đặt vấn đề, nêu cách giải quyết vấn đề. Học sinh thực hiện cách giải quyết vấn đề theo hướng dẫn của giáo viên. Giáo viên đánh giá kết quả làm việc của học sinh.
Mức 2: Giáo viên nêu vấn đề, gợi ý để học sinh tìm ra cách giải quyết vấn đề. Giáo viên và học sinh cùng đánh giá.
Mức 3: Giáo viên cung cấp thông tin tạo tình huống có vấn đề. Học sinh phát hiện và xác định vấn đề nảy sinh, tự đề xuất các giả thuyết và lựa chọn giải pháp. Học sinh thực hiện cách giải quyết vấn đề. Giáo viên và học sinh cùng đánh giá.
Mức 4: Học sinh tự lực phát hiện vấn đề nảy sinh trong hoàn cảnh của mình hoặc cộng đồng, lựa chọn vấn đề giải quyết. Học sinh giải quyết vấn đề, tự đánh giá chất lượng, hiệu quả, có ý kiến bổ sung của giáo viên khi kết thúc.
Học sinh dựa vào tranh và hiểu biết của mình kể về một trận thi đấu thể thao
(Tiết Tập làm văn lớp 3- Kể về một trận thi đấu thể thao)
3. Phương pháp hoạt động nhóm
Lớp học được chia thành từng nhóm nhỏ từ 4 đến 6 người. Tùy mục đích, yêu cầu của vấn đề học tập, các nhóm được phân chia ngẫu nhiên hay có chủ định, được duy trì ổn định hay thay đổi trong từng phần của tiết học, được giao cùng một nhiệm vụ hay những nhiệm vụ khác nhau.
Nhóm tự bầu nhóm trưởng nếu thấy cần. Trong nhóm có thể phân công mỗi người một phần việc. Trong nhóm nhỏ, mỗi thành viên đều phải làm việc tích cực, không thể ỷ lại vào một vài người hiểu bết và năng động hơn. Các thành viên trong nhóm giúp đỡ nhau tìm hiểu vấn đề nêu ra trong không khí thi đua với các nhóm khác. Kết quả làm việc của mỗi nhóm sẽ đóng góp vào kết quả học tập chung của cả lớp. Để trình bày kết quả làm việc của nhóm trước toàn lớp, nhóm có thể cử ra một đại diện hoặc phân công mỗi thành viên trình bày một phần nếu nhiệm vụ giao cho nhóm là khá phức tạp.
* Phương pháp hoạt động nhóm có thể tiến hành:
· Làm việc chung cả lớp: - Nêu vấn đề, xác định nhiệm vụ nhận thức
- Tổ chức các nhóm, giao nhiệm vụ
- Hướng dẫn cách làm việc trong nhóm.
· Làm việc theo nhóm: - Phân công trong nhóm.
- Cá nhân làm việc độc lập rồi trao đổi hoặc tổ chức thảo luận trong nhóm
- Cử đại diện hoặc phân công trình bày kết quả làm việc theo nhóm
· Tổng kết trước lớp:
- Các nhóm lần lượt báo cáo kết quả.
- Thảo luận chung.
- Giáo viên tổng kết, đặt vấn đề cho bài tiếp theo, hoặc vấn đề tiếp theo trong bài.
Phương pháp hoạt động nhóm giúp các thành viên trong nhóm chia sẻ các băn khoăn, kinh nghiệm của bản thân, cùng nhau xây dựng nhận thức mới. Bằng cách nói ra những điều đang nghĩ, mỗi người có thể nhận rõ trình độ hiểu biết của mình về chủ đề nêu ra, thấy mình cần học hỏi thêm những gì. Bài học trở thành quá trình học hỏi lẫn nhau chứ không phải là sự tiếp nhận thụ động từ giáo viên. Thành công của bài học phụ thuộc vào sự nhiệt tình tham gia của mọi thành viên, vì vậy phương pháp này còn gọi là phương pháp cùng tham gia.
Học sinh trình bày kết quả thảo luận của nhóm
4. Phương pháp đóng vai
Đóng vai là phương pháp tổ chức cho học sinh thực hành một số cách ứng xử nào đó trong một tình huống giả định.
Phương pháp đóng vai có những ưu điểm sau:
- Học sinh được rèn luyện thực hành những kỹ năng ứng xử và bày tỏ thái độ trong môi trường an toàn trước khi thực hành trong thực tiễn.
- Gây hứng thú và chú ý cho học sinh.
- Tạo điều kiện làm nảy sinh óc sáng tạo của học sinh.
- Khích lệ sự thay đổi thái độ, hành vi của học sinh theo chuẩn mực.
- Có thể thấy ngay tác động và hiệu quả của lời nói hoặc việc làm của các vai diễn.
* Cách tiến hành có thể như sau:
- Giáo viên chia nhóm, giao tình huống đóng vai cho từng nhóm và quy định rõ thời gian chuẩn mực, thời gian đóng vai.
- Các nhóm thảo luận chuẩn bị đóng vai.
- Các nhóm lên đóng vai.
- Giáo viên phỏng vấn học sinh đóng vai.
- Vì sao em lại ứng xử như vậy?
- Cảm xúc, thái độ của em khi thực hiện cách ứng xử?
- Lớp thảo luận, nhận xét: Cách ứng xử của các vai diễn phù hợp hay chưa phù hợp? Chưa phù hợp ở điểm nào? Vì sao?
- Giáo viên kết luận về cách ứng xử cần thiết trong tình huống.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng:
- Phải dành thời gian phù hợp cho các nhóm chuẩn bị đóng vai
- Người đóng vai phải hiểu rõ vai của mình trong bài tập đóng vai
- Nên khích lệ cả những học sinh nhút nhát tham gia.
5. Phương pháp động não
Động não là phương pháp giúp học sinh trong một thời gian ngắn nảy sinh được nhiều ý tưởng, nhiều giả định về một vấn đề nào đó.
Thực hiện phương pháp này, giáo viên cần đưa ra một hệ thống các thông tin làm tiền đề cho buổi thảo luận.
* Cách tiến hành
- Giáo viên nêu câu hỏi, vấn đề cần được tìm hiểu trước cả lớp hoặc trước nhóm.
- Khích lệ học sinh phát biểu và đóng góp ý kiến càng nhiều càng tốt.
- Liệt kê tất cả các ý kiến phát biểu đưa lên bảng hoặc giấy khổ to.
- Phân loại ý kiến.
- Làm sáng tỏ những ý kiến chưa rõ ràng và thảo luận sâu từng ý.
Học sinh trưng bày sản phẩm trong tiết thủ công Tìm các thông điệp có chữ I, T khi học bài Cắt dán chữ I, T ( Tiết 2) - Lớp 3
Tùy từng môn học, tùy từng bài học, tôi đã vận dung các phương pháp trên và nhận thấy sau mỗi bài học, học sinh tiếp thu bài tốt, nắm chắc kiến thức và biết cách vận dụng vào thực tế. Đặc biệt các em rất vui, mạnh dạn và tự tin hơn rất nhiều khi được tham gia hoạt động nhóm, vấn đáp, sắm vai.
Trên đây là một vài chia sẻ về các phương pháp dạy học tích cực mà tôi và các bạn đồng nghiệp đã áp dụng trong những năm học vừa qua. Năm học mới 2021- 2022, tôi xin kính chúc tất cả các thầy cô giáo nói chung và các thầy cô giáo trường Tiểu học Đoàn Khuê nói riêng một năm học tràn đầy niềm vui, hạnh phúc và thành công rực rỡ. Xin nhận được sự góp ý từ các bạn đồng nghiệp để tôi hoàn thiện hơn trên con đường giảng dạy của mình.
Tác giả: Lê Thị Phương Mai
Tổ trưởng chuyên môn tổ 2, 3