Em yêu trường em
Với bao bạn thân
Và cô giáo hiền
Em yêu quê hương
Cắp sách đến trường
Bài hát ấy luôn nhắc nhớ trong tôi từ lúc tuổi thơ cho đến bây giờ. Mới đó đã 34 năm tôi gắn bó với nghề gieo hạt – vun đắp ước mơ xanh – gắn bó với quê hương Việt Hưng. Tôi thấy làm tốt công tác chủ nhiệm có ý nghĩa rất lớn trong quá trình giáo dục học sinh nhất là trong giai đoạn hiện nay. Sau đây là một số kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm lớp mà tôi đã và đang thực hiện:
- Tìm hiểu nắm bắt đối tượng học sinh
- Sau khi nhận chủ nhiệm lớp, giáo viên cần tiến hành tìm hiểu, nắm bắt thông tin về đối tượng học sinh, điều tra học bạ năm học trước, qua giáo viên chủ nhiệm cũ, lập phiếu điều tra các thông tin cá nhân, tiến hành phân loại học sinh, lựa chọn học sinh có năng lực, nhiệt tình vào ban cán sự lớp.
- Hoàn thiện tổ chức lớp
- Giáo viên phân công nhiệm vụ cụ thể cho ban cán bộ lớp, giáo viên có thể thêm tổ phó, bàn trưởng (có sự thay đổi luân phiên theo từng tháng để phát huy tốt vai trò tự quản của học sinh). Xây dựng đội ngũ tự quản là nền tảng tốt cho công tác chủ nhiệm lớp. Sau khi tìm được đội ngũ cán bộ lớp, giáo viên chủ nhiệm cần bồi dưỡng học sinh ý thức trách nhiệm cao đối với lớp, biết phê bình và tự phê bình, phương pháp quản lý lớp học. Mỗi tuần đều rút kinh nghiệm, có số liệu khen, chê kịp thời.
- Lập sơ đồ lớp học
- Khi sắp xếp chỗ ngồi cho học sinh, giáo viên cần lưu ý quan tâm đến thị lực, chiều cao, năng lực học tập, mặt mạnh, hạn chế của từng học sinh, số lượng nam, nữ để phân công chỗ ngồi phù hợp trong bàn, trong tổ, tạo sự thoải mái, thân thiện để các em kết thành đôi bạn cùng tiến.
Giáo viên chú ý nhiều hơn đến học sinh cá biệt (thường rơi vào học sinh xếp loại hoàn thành và chưa hoàn thành, học sinh hòa nhập…). Giáo viên nên thường xuyên kể những câu chuyện trong tài liệu kỹ năng sống hoặc thực tế cuộc sống mang tính giáo dục cao để cảm hóa và giúp các em có ý thức học tập tốt hơn. Tổ chức, thay đổi nhiều hình thức vui chơi để tạo sự hứng thú vào việc học tập như đố vui, trò chơi học tập.
- Xây dựng nề nếp kỉ luật trong giờ học
- Hướng dẫn học sinh học tập nội quy của nhà trường vào những ngày trong tuần đầu ổn định nề nếp lớp.
- Phổ biến một số nội quy riêng của lớp đến học sinh như cách giơ tay phát biểu, tư thế ngồi học, cách trình bày ý kiến, cách nhận xét bạn trả lời và bổ sung ý kiến cho bạn.
- Liên hệ với giáo viên bộ môn
- Giáo viên cần trao đổi, liên hệ trực tiếp với thầy cô giáo bộ môn để phát hiện kịp thời những đối tượng nói chuyện, làm ồn trong giờ học, chưa tích cực và không hoàn thành bài học để có biện pháp nhắc nhở kịp thời, thích hợp.
- Kết hợp chặt chẽ với ban đại diện cha mẹ học sinh, gia đình học sinh
- Tổ chức tốt các kì họp cha mẹ học sinh do nhà trường đề ra.
- Đi thăm, trao đổi trực tiếp hoặc qua điện thoại với gia đình học sinh khi cần thiết.
- Mời phụ huynh học sinh đến trường trao đổi về việc giáo dục học sinh khi có hiện tượng bất thường và khẩn cấp.
- Liên hệ thường xuyên với ban đại diện cha mẹ học sinh để tích cực hóa các hoạt động của hội phụ huynh học sinh trong công tác giáo dục.
- Thiết lập mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình qua việc gặp gỡ trao đổi và qua sổ liên lạc điện tử
- Cung cấp cho phụ huynh số điện thoại của giáo viên chủ nhiệm để phụ huynh tiện liên lạc.
- Học sinh rèn ý thức tự quản, tự giáo dục bằng sổ tự cập nhật
- Cô giáo nên có một quyển sổ với tên “Nhật ký học tập” treo vào vị trí trang trọng trong lớp. Sau mỗi buổi học, học sinh có thành tích tốt và bị phê bình, nhắc nhở tự ghi nhật ký, có xác nhận chữ kí của tổ trưởng.
- Mỗi tuần, giáo viên chủ nhiệm có nhận xét, đánh giá, khen thưởng, phê bình và nhắc nhở kịp thời.
- Xây dựng tiêu chí thi đua cụ thể
- Căn cứ vào đặc điểm tình hình lớp, mỗi năm học, giáo viên cần lập tiêu chí thi đua, mục tiêu cụ thể, các giải pháp thực hiện rồi công bố trước lớp, thông qua và xin ý kiến phụ huynh tại cuộc họp đầu năm. Sau đó thống nhất đưa ra tập thể lớp thực hiện. Có sự điều chỉnh và thay đổi, bổ sung kịp thời tùy theo tình hình lớp, ý thức rèn luyện của học sinh.
- Đề ra mức khen thưởng và kỉ luật kịp thời thông qua cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm, cuối học kì I.
- Lập bảng thi đua những em chưa tự tin chỉ cần có tiến bộ là giáo viên khuyến khích kịp thời.
- Động viên và nhắc nhở những em thường xuyên nói chuyện trong giờ, giáo viên cho em đó giữ chức vụ trưởng ban nhóm. Khi có nhiệm vụ các em sẽ có trách nhiệm và hạn chế khuyết điểm. Giáo viên luôn tìm cái hay nhất để học sinh phát huy năng lực của mình, giúp học sinh trở thành học sinh ngoan.
- Xây dựng, rèn nề nếp sinh hoạt lớp
- Các tổ báo cáo tình hình thực hiện nội quy của học sinh trong tổ.
- Nhận xét và đưa kế hoạch hoạt động cho tuần sau.
- Xử lí kịp thời các học sinh vi phạm trong tuần.
- Có kế hoạch khen thưởng, nêu gương học sinh chăm ngoan, học giỏi tích cực.
10. Hình tượng của giáo viên
- Giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò chủ đạo trong việc giáo dục học sinh. Vì thế giáo viên luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, dạy dỗ học sinh bằng tình yêu thương đúng với câu “Cô giáo như mẹ hiền” gần gũi, sẵn sàng giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong học tập. Bồi dưỡng cho các em những gương điển hình, người tốt việc tốt, những chuẩn mực đạo đức tốt và quan trọng hơn là tạo niềm tin cho mỗi học sinh. Đặc biệt động viên học sinh phải công bằng và không nên hứa với các em mà không giữ lời hứa.
Thường xuyên theo dõi ghi nhận để nắm được tình hình học tập, đặc điểm, sự chuyển biến của học sinh để có biện pháp xử lí kịp thời và tuyên dương đúng lúc, luôn luôn gần gũi, sẵn sàng giúp đỡ, tạo niềm tin cho học sinh, không tỏ thái độ bực dọc khi lên lớp.