Các giải pháp rèn kĩ năng sống cho học sinh lớp Một
* Giải pháp 1: Rèn kĩ năng sống hiệu quả qua việc tích hợp vào môn học.
Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh được thực hiện liên tục, xuyên suốt quá trình học tập và rèn luyện, trong tất cả các môn học và ở hầu hết các tiết học. Để giáo dục kĩ năng sống cho học sinh có hiệu quả, ngay từ những buổi sinh hoạt chuyên môn đầu tiên, chúng tôi đã thống nhất vận dụng vào các môn học, tiết học, nhất là các môn như: Tiếng Việt; Đạo đức; Tự nhiên & xã hội, để những giờ học tạo cho các em được học mà chơi, chơi mà học, được trải nghiệm như trong cuộc sống thực.
Là những cô giáo dạy những cô cậu bé bước vào ngưỡng cửa đầu tiên của cánh cổng Tiểu học, chúng tôi luôn cố gắng tận dụng tối đa những gì mình có được, những gì có thể áp dụng từ môn học để từng bước rèn kĩ năng sống cho các em. Trong chương trình lớp Một, ở môn Hoạt động trải nghiệm tất cả các bài đều nhằm thực hiện các mục tiêu cơ bản như: giúp học sinh phát triển phẩm chất, năng lực xung quanh các mối quan hệ cơ bản, gần gũi với bản thân, với cộng đồng, với tự nhiên… Các chủ đề của Hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các hoạt động cụ thể, phù hợp với khả năng của học sinh. Thông qua các hoạt động, học sinh hình thành các kĩ năng, thói quen tích cực trong cuộc sống hằng ngày, chăm chỉ lao động; biết tự đánh giá và tự điều chỉnh bản thân; hình thành những hành vi giao tiếp, ứng xử có văn hoá; có ý thức hợp tác nhóm và hình thành được năng lực giải quyết vấn đề.
Môn hoạt động trải nghiệm còn được tổ chức với loại hình kết hợp hài hoà giữa các hoạt động cá nhân - nhóm lớn - nhóm nhỏ, đảm bảo mọi học sinh đều được tự chủ trong hoạt động, tự do trong sáng tạo và cơ hội phát triển bản thân.
Các em được trải nghiệm, sáng tạo thông qua các hoạt động tìm tòi, vận dụng kiến thức và kinh nghiệm đã có vào đời sống; hình thành, phát triển kĩ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định dựa trên những tri thức và ý tưởng mới thu được từ trải nghiệm. Sau từng chủ đề, học sinh được rèn luyện khả năng tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng. Ngoài ra các em có khả năng tương tác với những người xung quanh như người thân, gia đình, bạn bè, thầy cô và những người trong cộng đồng thông qua các hoạt động cụ thể. Trong chương trình lớp một, ở môn Tiếng Việt có nhiều bài học có thể giáo dục kĩ năng sống cho các em, đó là các kĩ năng giao tiếp xã hội được lồng ghép cụ thể qua các tình huống giao tiếp. Bản thân tôi chỉ gợi mở sau đó cho các em tự nói một cách tự nhiên hoàn toàn không gò bó áp đặt. Bên cạnh đó, nhiều bài có nội dung rèn luyện các nghi thức lời nói, nhiều bài Tập đọc giới thiệu những kĩ năng giao tiếp cộng đồng hoặc cung cấp những câu chuyện mà qua đó học sinh có thể rút ra những nội dung rèn kĩ năng sống. Để hình thành những kiến thức và rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh qua môn Tiếng Việt, người giáo viên cần phải vận dụng nhiều phương pháp dạy phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh như: thực hành giao tiếp, trò chơi học tập, phương pháp nêu và giải quyết vấn đề, phương pháp tổ chức hoạt động nhóm, phương pháp hỏi đáp,…Thông qua các hoạt động học tập, được phát huy trải nghiệm, rèn kĩ năng hợp tác, bày tỏ ý kiến cá nhân, đóng vai,…học sinh có được cơ hội rèn luyện, thực hành nhiều kĩ năng sống cần thiết.
Với phân môn tập đọc ngoài việc củng cố và nâng cao kĩ năng đọc cho học sinh phân môn tập đọc còn mở rộng vốn hiểu biết, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, nhân cách cho học sinh. Nội dung những bài tập đọc trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 phản ánh một số vấn đề lớn đang đặt ra trước nhân dân ta và toàn nhân loại thông qua ngôn ngữ văn học và những hình tượng giàu chất thẩm mĩ và nhân văn, do đó có tác dụng mở rộng tầm hiểu biết, tầm nhìn về tự nhiên, xã hội và đời sống, bồi dưỡng tư tưởng tình cảm và nhân cách cho học sinh.Việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh lớp 1 của môn tập đọc chiếm một ưu thế quan trọng, mỗi bài văn, bài thơ,...đều chứa đựng những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bằng cách tổ chức và dẫn dắt khéo léo đầy tính sư phạm của giáo viên các kĩ năng sống của các em sẽ được bồi dưỡng, hình thành và phát triển.
Phân môn kể chuyện: Phân môn kể chuyện với nhiệm vụ giúp củng cố cho các em kĩ năng kể chuyện đã được hình thành ở các lớp dưới còn có một vai trò quan trọng nữa là giúp học sinh mở rộng vốn hiểu biết và cũng góp phần hình thành nhân cách của con người mới. Cùng với nôi dung học tập của các môn học học khác, những câu chuyện học sinh được nghe, được đọc và được kể ở lớp 1 có tác dụng rất lớn trong việc mở rộng vốn kiến thức về con người, về tình cảm, nhân cách. Để phát huy hết khả năng rèn kĩ năng sống cho học sinh qua môn kể chuyện giáo viên cần chú ý tổ chức cho học sinh trao đổi, đối thoại để nắm chắc ý nghĩa của câu chuyện, nói được nhận xét riêng của các em về mỗi nhân vật, chi tiết trong câu chuyện, những bài học mình rút ra được cho bản thân và cho mọi người.
Ví dụ: Trong bài “Rùa và thỏ” học sinh nhận biết được hành vi của mỗi nhân vật trong câu chuyện. Biết nguyên nhân thành công của rùa, nguyên nhân thất bại của thỏ. Và thấy được Thỏ thua rùa không phải vì Thỏ chậm hơn Rùa mà do sự chủ quan coi thường người khác của thỏ. Từ đó các em rút ra được bài học cho bản thân. Không những thế trong tiết kể chuyện các em còn được thể hiện giọng kể của mình, thái độ khi kể chuyện, cách đánh giá, nhận xét các nhân vật trong câu chuyện. Cách thể hiện vai diễn trong câu chuyện.
Ở môn Đạo đức để các chuẩn mực đạo đức, pháp luật xã hội trở thành tình cảm, niềm tin, hành vi và thói quen của học sinh. Giáo viên phải sử dụng phương pháp dạy học đổi mới theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động học tập phong phú, đa dạng như: kể chuyện theo tranh; quan sát tranh ảnh, băng hình, tiểu phẩm; phân tích, xử lí tình huống; chơi trò chơi, đóng tiểu phẩm, múa hát, đọc thơ, vẽ tranh,…Sử dụng nhiều phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực như: học theo nhóm, theo dự án, đóng vai, trò chơi,…Và chính thông qua việc sử dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực đó, học sinh đã được tạo cơ hội để thực hành, trải nghiệm nhiều kĩ năng sống cần thiết, phù hợp với lứa tuổi. Đó là lối sống lành mạnh, các hành vi ứng xử phù hợp với nền văn minh xã hội. Lối sống, hành vi như gọn gàng, ngăn nắp, nói lời đẹp, chăm sóc bố mẹ, ông bà, hợp tác, giúp đỡ, chia sẻ với bạn…
Ví dụ: Bài “Cảm ơn và xin lỗi” thông qua bài học, học sinh phân biệt được hành vi đúng, sai. Các em biết xin lỗi khi làm việc chưa đúng, biết cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ. Qua đó các em còn biết cách thể hiện thái độ phù hợp trong mỗi tình huống. Các em còn biết sử dụng các từ ngữ thích hợp khi xin lỗi hoặc cảm ơn với từng đối tượng khác nhau. Chẳng những thế các em còn biết nhắc nhở bạn bè cùng thực hiện những hành vi đó.
Rèn kĩ năng sống có hiệu quả còn được bản thân tôi vận dụng khá nhiều trong trong các môn học thông qua xử lí tình huống hay các trò chơi học tập có nội dung gần gũi với cuộc sống hằng ngày của các em.
Trong môn Tự nhiên & xã hội bản thân cho học sinh thảo luận nhóm, chơi trò chơi dưới sự trợ giúp của giáo viên. Sau khi học sinh nhận xét , học sinh sẽ khắc sâu kiến thức về môn học ...
Các em làm việc tích cực, vui vẻ, tự mỗi em nói được tiếng nói, suy nghĩ của mình với bạn bè, với thầy cô một cách tự tin mạnh dạn. Việc rèn luyện các kĩ năng này đã tạo ra được thói quen tốt cho bản thân mỗi em, các em tham gia một cách chủ động tích cực vào quá trình học tập, tạo điều kiện cho các em chia sẻ những kinh nghiệm, ý kiến hay để giải quyết một vấn đề nào đó.
Ngoài ra để các em có kĩ năng phòng chống tai nạn giao thông và các thương tích khác, bản thân đã giáo dục các em thông qua các tiết: An toàn giao thông, hướng dẫn các em phòng chống tai nạn giao thông và các thương tích khác bằng cách đưa ra những tình huống cho các em xử lí. Chẳng hạn: “Khi đi bộ em đi ở phía tay nào? Nếu đường có vỉa hè thì thế nào?”; “Em có nên chơi đùa trên đưòng không? Vì sao?”; “Khi ngồi trên xe máy em phải như thế nào? Em hãy nêu cách đội mũ bảo hiểm? Nêu sự cần thiết phải đội mũ bảo hiểm?”; “Các em đã nhìn thấy tai nạn trên đường chưa? Theo các em vì sao tai nạn xảy ra?”;... Giáo dục cho các em tránh các tai nạn trên đường: không được chạy lao ra đường, không được bám bên ngoài ô tô, không được thò tay, chân, đầu ra ngoài khi đi trên tàu, xe, ghe, đò,...Như vậy, các em có thể tự lập, xử lí được những vấn đề đơn giản khi gặp phải.
Học môn Tự nhiên và xã hội các em được đóng vai xử lí tình huống khi có tai nạn ở nhà như: bài “An toàn khi ở nhà” sử dụng các vật sắc, nhọn chẳng may gây thương tích...Các nhóm sẽ thảo luận nhóm để đưa ra cách xử lí tình huống trên. Các em còn lại quan sát và có nhận xét đối với những tình huống mà các bạn mình vừa xử lí để rút ra kĩ năng cấp cứu khi có những trường hợp xấu xảy ra. Hay như các bài thuộc chủ đề: “Con người và sức khỏe” học sinh sẽ biết giữ vệ sinh thân thể, biết cách ăn uống, nghỉ ngơi hợp lí. Không còn hiện tượng đến lớp không rửa mặt hiện tượng mặc bẩn, luộm thuộm đã giảm đáng kể.
* Giải pháp 2: Rèn kĩ năng sống vào giờ sinh hoạt dưới cờ
Qua thực tế các hoạt động của nhà trường, chúng tôi đã tiến hành nhiều biện pháp giáo dục kĩ năng sống cho học sinh. Tuy nhiên, trong những biện pháp đó, biện pháp mang lại hiệu quả khá cao là thông qua tiết chào cờ đầu tuần. Với mỗi buổi cháo cờ đầu tuần tôi cùng với giáo viên tổng phụ trách cho các em chuẩn bị một trong số những nội dung như: hoạt cảnh, câu chuyện ngắn, chương trình văn nghệ, trò chơi… đó chính là những món quà nhỏ thật sự sinh động, và bổ ích, giúp các em có thêm những kiến thức phong phú, sự tự tin khi đứng trước mọi người đã giúp ích cho các em có được kĩ năng sống để áp dụng vào cuộc sống hàng ngày.
* Giải pháp 3: Rèn kĩ năng sống vào giờ hoạt động ngoại khóa
Tôi luôn chú ý rèn luyện sức khoẻ và ý thức bảo vệ sức khoẻ, kĩ năng phòng chống tai nạn giao thông và các thương tích khác qua các giờ sinh hoạt ngoại khóa: ai cũng biết rằng sức khỏe là tài sản vô cùng quý báu của mỗi con người. Học tập tốt, đạo đức tốt là những điều học sinh phải đạt được thì rèn luyện sức khỏe tốt cho học sinh là điều phải được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên có được một sức khỏe tốt và bảo vệ được nó thì thật không dễ. Dù vậy không có nghĩa là không làm được, nhiều khi sức khỏe của các em phụ thuộc vào những điều rất giản dị. Đó chính là giáo dục một lối sống khoa học. Như để các em có kĩ năng phòng chống tai nạn giao thông, đuối nước và các thương tích khác tôi đã giáo dục các em bằng cách đưa ra những tình huống cho các em xử lí.
Chẳng hạn :
- Khi đi qua ngã tư có đèn tín hiệu gặp đèn đỏ người và xe phải như thế nào?
- Khi nào thì người và xe mới được phép đi?
- Trẻ em dưới 7 tuổi phải đi cùng với ai khi đi trên đường phố và khi qua đường? Đi bộ qua đường em phải đi ở đâu?
- Khi đi bộ em đi ở đâu? Nếu đường không có vỉa hè thì thế nào?
- Em có nên chơi đùa trên đưòng phố không? Có leo trèo qua dãi phân cách và chơi gần dãi phân cách không? Vì sao?
- Khi ngồi trên xe máy em phải như thế nào? Em hãy nêu cách đội mũ bảo hiểm? Nêu sự cần thiết phải đội mũ bảo hiểm?
- Các em đã nhìn thấy tai nạn trên đường chưa? Theo các em vì sao tai nạn xảy ra?
- Giáo dục cho các em tránh các tai nạn trên đường: không được chạy lao ra đường, không được bám bên ngoài ô tô, không được thò tay, chân, đầu ra ngoài khi đi trên tàu, xe, ghe, đò ... Như vậy, các em có thể tự lập, xử lí được những vấn đề đơn giản khi gặp phải. Ngay những tiết học đầu tiên, tôi đã phát động các phong trào: "Nói lời hay làm việc tốt" qua cách ứng xử lễ phép như biết đi thưa về trình, chào hỏi những người lớn tuổi, biết xin lỗi khi có khuyết điểm, cám ơn khi được tặng quà, vui vẻ hoà nhã với bạn bè ... và tổng kết vào cuối buổi sinh hoạt. Tôi học cách lắng nghe, tìm hiểu nguyên nhân, và dùng lời lẽ mềm mỏng bằng những tình cảm, cử chỉ yêu thương của mình khi yêu cầu điều gì đó với học sinh. Tránh hành hung, nói nặng lời để các em bớt đi tínhbhung hăng đối với những học sinh nghịch ngợm, mắc lỗi.
Bên cạnh đó, trong chương trình năm học 2023 - 2024 của nhà trường, học sinh được tham gia hoạt động ngoại khóa, được tìm hiểu về Đền Đô và tham gia trải nghiệm các hoạt động trải nghiệm ở trang trại Giáo dục Erahouse. Tại nơi đây, các em được trải nghiệm một ngày trở thành người nông dân, chăn nuôi, những người thợ thủ công “chuyên nghiệp”,……. hoặc tìm hiểu thêm nhưng phong tục, văn hóa của các dân tộc trên khắp đất nước.
Học sinh lớp 1 được tham gia trải nghiệm làm người nông dân
tại trang trại giáo dục Erahouse
*Giải pháp 4 : Gần gũi và tạo mối quan thân thiện với học sinh.
Đầu tiên, sau khi nhận lớp, các cô giáo khối 1 để tạo sự gần gũi và gắn kết giữa học sinh, chúng tôi tự giới thiệu về bản thân mình và sắp xếp thời gian cho học sinh được giới thiệu về bản thân, động viên khuyến khích các em chia sẻ với nhau về những sở thích, ước mơ tương lai cũng như mong muốn của tôi với các em. Đây là hoạt động giúp cô trò chúng tôi hiểu nhau, đồng thời cũng tạo được một môi trường học tập thân thiện
- Nơi " Trường học thật sự trở thành ngôi nhà thứ hai của các em, các thầy cô giáo là những người thân trong gia đình". Đây cũng là một điều kiện theo tôi là rất quan trọng để phát triển khả năng giao tiếp của học sinh. Bởi học sinh không thể mạnh dạn, tự tin trong một môi trường mà giáo viên luôn gò bó và áp đặt. Qua đó phần nào tôi nắm được đặc điểm tính cách của các em: mạnh dạn hay nhút nhát, thụ động, thích thể hiện hay lãng mạn...Và tiếp tục qua những tuần học sau, tôi chú ý quan sát những biểu hiện về thái độ học tập, những cử chỉ, hành vi mà các em chọn để bắt đầu có điều chỉnh phù hợp. Việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh có thể thực hiện trong bất cứ lúc nào, giờ học nào.
* Giải pháp 5: Động viên khen thưởng
Để động viên, khuyến khích học sinh thực hiện tốt việc rèn luyện các kĩ năng, tổ chuyên môn khối 1 thống nhất sẽ theo dõi nắm bắtcác em có biểu hiện tốt tôi ghi vào sổ, trong tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt sao, chúng tôi cho các em bình chọn những bạn thực hiện tốt sẽ được tặng sticker. Mỗi một tuần, mỗi tháng, chúng tôi tổng kết một lần để khen thưởng những em đã đạt nhiều tiến bộ tích cực trong học tập bằng những lá thư khen ngợi tới các em. Các em rất vui và hãnh diện khi được tặng những lá thư khen ngợi của cô giáo tặng. Vì thế các em không ngừng thi đua cố gắng thực hiện tốt để được nhận những lá thư khen ngợi mà cô giáo thưởng. Đây là một hình thức động viên về tinh thần rất giá trị và hiệu quả. Các em sẽ nhanh nhẹn hơn, có đạo đức tốt hơn, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, tự tin hơn trong cuộc sống.