Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận định:
“Chữ viết cũng là một sự biểu hiện của nết người, dạy cho học sinh viết đúng, viết cẩn thận, viết đẹp là góp phần rèn luyện tính cẩn thận, tính kỉ luật, lòng tự trọng đối với thầy cô và bạn đọc bài vở của mình”. Bởi vậy trong nhà trường, ngoài việc giáo dục cho học sinh học kiến thức thì việc rèn chữ viết cho học sinh cũng có một tầm quan trọng rất lớn. Các em viết đúng, viết đẹp sẽ gây được thiện cảm đối với mọi người, được nhiều người quý trọng hơn. Chữ viết có quan hệ mật thiết với chất lượng học tập ở các môn học khác. Nếu viết chữ đúng mẫu, rõ ràng, tốc độ nhanh thì học sinh có điều kiện ghi chép bài học tốt, nhờ vậy mà kết quả học tập sẽ cao hơn.
Trải qua gần một năm học, chúng tôi nhận thấy các em thường mắc một số lỗi cơ bản như sau:
- Sai độ cao độ rộng của các con chữ
- Điểm đặt bút, dừng bút chưa đúng
- Viết dấu thanh không đúng vị trí
- Khoảng cách giữa các chữ, các con chữ chưa đúng
- Chữ viết chưa liền nét, thiếu nét
- Kĩ năng viết của học sinh chậm.
*Nguyên nhân của những tồn tại trên là do:
- HS viết chữ chưa đúng mẫu
- Một số học sinh đọc chưa tốt dẫn đến việc viết chữ gặp khó khăn.
- Học sinh sau một thời gian dài nghỉ hè, các em không luyện viết thường xuyên nên nhiều em quên chữ, quên cách viết, độ cao các con chữ…
- Nhiều học sinh bố mẹ đi làm ăn xa ở với ông bà, hoặc bố mẹ bận làm ăn buôn bán chưa dành thời gian hợp lí quan tâm tới vấn đề học của trẻ.
- Một số giáo viên lớp 2 chưa nắm chắc phương pháp dạy và học tập viết, chưa sát sao nhận xét, hướng dẫn học sinh qua mỗi giờ học.
Mỗi lần họp tổ chuyên môn, chúng tôi luôn băn khoăn cần phải làm thế nào để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, cần phải có biện pháp rèn chữ cho học sinh như thế nào để đạt được hiệu quả như mong muốn.
Chúng tôi đã cùng đưa ra các biện pháp phù hợp để nâng cao chất lượng chữ viết cho học sinh lớp 2 như sau:
- Giáo viên làm mẫu, làm gương cho học sinh học tập.
Chữ viết của giáo viên là rất quan trọng vì nó là mẫu để học sinh học tập và viết theo. Ở tiểu học, mỗi thầy cô giáo luôn là một tấm gương đối với học sinh về mọi mặt. Vì vậy cần có ý thức rèn luyện chữ viết của mình cho đúng mẫu. GV cần học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp để tìm hiểu phương pháp rèn chữ cho học sinh cũng như rèn chữ viết của mình ngày càng đúng và đẹp hơn.
Khi viết mẫu trên bảng lớp, viết chậm và đứng nghiêng để học sinh cả lớp nhìn thấy tay cô viết từng nét chữ.
Thường xuyên chấm bài, kiểm tra và nhận xét bài viết của các em từng ngày. Nếu học sinh có tiến bộ giáo viên cần tuyên dương, khen ngợi kịp thời. Bên cạnh phải nhắc nhở, động viên những học sinh chưa có tiến bộ và tìm ra nguyên nhân để có biện pháp giúp đỡ các em.
2. Rèn cho học sinh viết đúng mẫu chữ
2.1 Rèn cho học sinh viết đúng nét cơ bản
Ở lớp một học sinh được học kĩ các nét cơ bản trước khi học chữ viết nhưng khi lên lớp 2 do các em phải hạ độ cao xuống cỡ chữ nhỏ nên các em viết hay bị sai những nét cơ bản nhất là nét khuyết, nét tròn và nét móc dưới. Để khắc phục lỗi này, ngay từ những tuần đầu nhận lớp tôi giúp các em xác định đúng đường kẻ dọc, đường kẻ ngang và thống nhất cách gọi với học sinh. Sau đó tôi đã hướng dẫn tỉ mỉ cho các em các nét cơ về độ cao, độ rộng của nét, cách đưa nét, điểm đặt bút, dừng bút.
Ví dụ: video hướng dẫn viết nét khuyết trên
2.2 Rèn cho học sinh đúng trọng tâm theo từng nhóm chữ
Căn cứ vào các điểm tương đồng của các con chữ để phân chia chữ cái Tiếng việt thành các nhóm và luyện viết theo từng nhóm đó. Có thể chia thành các nhóm sau:
- Chữ viết thường:
Ở mỗi nhóm tôi thường phân tích tỉ mỉ một chữ cái, từ đó để học sinh tự nhận ra những đặc điểm tương đồng của các chữ cái trong nhóm từ đó tìm ra cách viết.
Cứ đầu mỗi tuần GV ghi lên lề của bảng lớp một nhóm chữ có nét tương đồng. Trong tuần sẽ yêu cầu các em chú trọng hơn về luyện viết nhóm chữ đó trong các bài học. Tùy vào độ khó của từng nhóm chữ mà có thời gian luyện thích hợp.
Ví dụ: video hướng dẫn viết chữ b cỡ vừa
2.3 Rèn cho học sinh viết đúng độ cao, độ rộng của các con chữ và khoảng cách giữa các con chữ
- Phân loại hệ thống chữ cái Tiếng việt thành các nhóm, mỗi nhóm là các chữ cái có cùng độ cao để HS luyện viết.
VD:
Các chữ cái b, l, h, k, g, có chiều cao là 2,5 đơn vị ( hai li rưỡi)
Các chữ r, s cao 1,25 li
Chữ t cao 1,5 li
Các chữ d, đ, q, p cao 2 li
Các chữ còn lại cao 1 li
Yêu cầu các em phải thuộc độ cao, độ rộng các con chữ. Trong các giờ tôi quan tâm nhắc nhở các em viết đúng độ cao, độ rộng, cách nối các con chữ, khoảng cách giữa các con chữ, giữa các chữ.
2.4 Rèn cho học sinh viết đúng dấu thanh.
Học sinh thường viết dấu thanh không đúng vị trí, quá to hay quá xa. Để HS viết đúng dấu thanh tôi thường đưa ra cách viết sai để học sinh biết và sửa. Trong giờ tập viết và giờ chính tả khi các con luyện viết trên bảng con tôi cho HS nhận xét bài của bạn viết dấu thành chưa đúng. Từ đó giúp HS cả lớp nhận ra cách viết đúng và sửa vào bài của mình.
3. Quan tâm rèn chữ cho học sinh trong các giờ học.
* Giờ tập viết.
Nội dung tập viết của học sinh lớp 2 chủ yếu là rèn viết chữ hoa. Đối với việc rèn luyện kĩ năng viết chữ hoa, để viết đúng và đẹp đòi hỏi học sinh phải nắm được hình dáng, đặc điểm từng con chữ, các nét viết, thao tác viết từng chữ và nhóm chữ. Khi hướng dẫn viết chữ hoa, GV đưa ra chữ mẫu trực quan, yêu cầu học sinh quan sát kĩ chữ mẫu, thảo luận và cho biết chữ được cấu tạo bởi mấy nét, đó là những nét nào? Độ cao, độ rộng của chữa hoa đó giúp học sinh nắm chắc cấu tạo các chữ hoa.
Ví dụ: Video hướng dẫn viết chữ hoa B.
Khi học sinh thực hành viết bảng con, cần quan sát, hỗ trợ học sinh điều chỉnh nét chữ, cách viết cho đúng, bắt tay học sinh viết nếu cần.
Khi hướng dẫn viết từ, câu ứng dụng cần hướng dẫn cụ thể từng nét chữ, cách nối, lia bút của các con chữ. Gv viết mẫu thật chậm kết hợp hướng dẫn bằng lời để học sinh vừa quan sát vừa lắng nghe hiểu cách viết, khoảng cách các con chữ…
GV động viên, khuyến khích khen ngợi học sinh kịp thời, tổ chức thi đua trong nhóm giúp học sinh có tinh thần học tập, không bị nhàm chán.
* Giờ chính tả:
Để thực hiện tốt việc luyện chữ trong giờ chính tả trước hết GV phải nắm rõ các lỗi chính tả cụ thể của từng học sinh. Hướng dẫn học sinh phát âm đúng các từ đó. Rút ra các tiếng, các từ khó mà học sinh dễ viết sai trong bài chính tả để phân tích cụ thể về cấu tạo chính tả và hướng dẫn học sinh viết đúng.
HD học sinh học thuộc luật ghi chính tả khi viết với k, c, gh, ngh, g…
GV phải thường xuyên chấm chữa bài, nhận xét sửa chữa ngay các lỗi chính tả cụ thể, tỉ mỉ của từng học sinh, đồng thời lưu ý cho các học sinh khác .
Hướng dẫn cho các em tự đánh giá lẫn nhau để tìm ra lỗi sai của bạn và cùng nhau sửa lỗi.
* Rèn chữ viết trong các giờ học khác:
Việc rèn chữ viết không chỉ ở phân môn tập viết hay chính tả mà với các phân môn khác cũng cần chú ý, cần rèn chữ mọi lúc, mọi nơi khi đã cầm cây bút viết.
Nhắc nhở hs cần viết chữ nắn nót dù ở bất kì môn học nào, nhận xét miệng đối với những bài học sinh viết ẩu, yêu cầu học sinh viết, trình bày lại.Qua đó hình thành cho học sinh thói quen tự giác, cẩn thận khi viết bài .
4. Tạo hứng thú học tập cho HS
Tâm lý học sinh tiểu học thường thiếu tính kiên trì luyện tập, trong khi đó việc rèn luyện các thao tác tập viết chữ lại đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và khéo léo cao. Lựa chọn hình thức tổ chức dạy học phù hợp giúp học sinh hứng thú học tập, tạo lòng yêu thích và say mê luyện chữ cho các em như: tăng cường học tập cộng tác, chia sẻ và hoạt động giao tiếp; làm cho học sinh ý thức được lợi ích của việc rèn chữ thông qua các câu chuyện kể về gương viết chữ đẹp; xây dựng môi trường thân thiện gần gũi giữa cô và trò, trò với trò để học sinh có thể thoải mái rèn luyện chữ viết; tổ chức một số trò chơi để tạo hứng thú cho học sinh như: Thi viết nhanh – viết đẹp.
5. Rèn kĩ năng đọc cho học sinh.
Một số học sinh viết chưa tốt, còn sai lỗi chính tả do các em gặp khó khăn khi đọc nên viết chữ bị sai chính tả, chữ chưa đẹp. Để khắc phục tình trạng này, song song với việc rèn chữ cho học sinh cần kết hợp rèn đọc. Học sinh đọc tốt các em viết cũng có tiến bộ hơn. GV cần lên kế hoạch rèn đọc cụ thể cho học sinh, rèn đọc mọi lúc, mọi nơi trong các giờ học. Trong giờ học, giờ ra chơi, lúc ở nhà.
6. Kết hợp với phụ huynh rèn kĩ năng viết chữ cho học sinh
Để nâng cao chất lượng chữ viết cho học sinh thì việc rèn viết chữ trên lớp là chưa đủ. Do vậy, trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, trao đổi về tình hình học tập của các em, GV cho phụ huynh xem toàn bộ sách vở của con mình và xem một số vở của một số học sinh viết đẹp, chuẩn trong lớp, trong trường. Đồng thời nêu thêm vai trò của chữ viết trong các môn học khác, một số biện pháp rèn luyện viết chữ đẹp và các điều kiện cần và đủ để đảm bảo cho việc xây dựng phong trào “giữ vở sạch, viết chữ đẹp”. Tất cả phụ huynh của lớp hưởng ứng và đồng tình cao. Trước tiên, tôi định hướng cho phụ huynh mua cho con mình loại vở, loại bút máy, màu mực phù hợp và thống nhất trong lớp, thông báo với phụ huynh các tiêu chí “Giữ vở sạch – viết chữ đẹp” để phụ huynh nắm được từ đó định hướng cho con cái khi ở nhà, đồng thời hướng dẫn phụ huynh một số biện pháp rèn chữ viết khi ở nhà cho các cháu, trao đổi thông tin với phụ huynh trên zalo.
8. Sử dụng đồ dùng dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học
Đồ dùng, thiết bị dạy học là những phương tiện không thể thiếu trong giảng dạy của người giáo viên. Tôi hướng dẫn các em cách cầm bút, tư thế ngồi viết chuẩn. Bên cạnh chữ mẫu, bảng viết, bảng phụ tôi còn ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Ví dụ Mỗi tiết Tập viết, chính tả, tôi sử dụng máy chiếu đa vật thể hoặc máy camera chiếu bài học sinh lên màn hình để cả lớp cùng quan sát, nhận xét, rút kinh nghiệm. Những bài viết tốt của HS cũng được GV chiếu lên làm mẫu cho các bạn.
Trên đây là một số biện pháp GV tổ 2 đã thảo luận và đưa ra để quý Phụ huynh có thể tham khảo, hướng dẫn con luyện chữ tại chữ tại nhà. Mong rằng với sự phối hợp chặt chẽ của gia đình và nhà trường, chữ viết của các con sẽ có sự tiến bộ rõ rệt sau kì nghỉ hè.