Đảng viên phải luôn gương mẫu, tự giác đi đầu trên mọi phương diện: tiên phong, gương mẫu về phẩm chất chính trị tư tưởng, về ý thức tổ chức kỷ luật, về đạo đức, lối sống, tiên phong về trí tuệ, tiên phong trong hành động…. Thực tế cho thấy, nơi nào và ở đâu cán bộ, đảng viên gương mẫu và đi đầu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi đầu trong các phong trào, các hoạt động xã hội thì ở đó phong trào phát triển mạnh mẽ, đạt hiệu quả cao. Ở đâu cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, ở đó phong trào yếu kém, hiệu quả thi đua thấp.
Việc xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác tổ chức. Đây là nhiệm vụ then chốt hàng đầu đặt nền móng vững chắc cho mọi thành công. Bởi “đoàn kết là sức mạnh vô địch”, có đoàn kết ắt sẽ thành công. Để phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên trong việc xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh chúng ta cần làm những việc như sau:
a. Đối với mỗi cán bộ giáo viên, đảng viên:
– Mỗi Đảng viên phải có lập trường tư tưởng vững vàng, không để xảy ra sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, có ý thức tự giác thực hiện các nội quy, quy chế nhà trường. Luôn xác định mục tiêu phấn đấu là vì một mục đích chân chính. Đó là sự phấn đấu không phải để đạt được danh vọng cá nhân mà phấn đấu vì hiệu quả của lao động có như vậy thì thi đua trong lao động sẽ không trở thành ganh đua. Khi đã có chung một lí tưởng, mục tiêu chính đáng thì mọi người sẽ cùng chung sức, chung lòng để xây dựng Nhà trường đoàn kết, vững mạnh.
– Đoàn kết là sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, cùng hành động vì một mục đích chung, dìu dắt nhau cùng tiến bộ.
– Mỗi Đảng viên biết đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, biết xem công việc của đồng nghiệp cũng như công việc của chính mình, biết nhìn nhận cái đúng cái sai và biết lắng nghe để tự sửa chữa mình, biết góp ý chân tình cho đồng nghiệp. Đó là cơ sở để xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh.
- Trong công tác chuyên môn, mỗi Đảng viên nêu gương bằng cách phấn đấu hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy. Thường xuyên nghiên cứu, học tập các văn kiện, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để bản thân thực hiện cho đúng, đồng thời quán triệt, vận dụng vào bài giảng góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với học sinh và quần chúng nhân dân; gắn lý luận với thực tiễn để có thể vận dụng vào trong thực tế công việc nhằm đem lại hiệu quả cao hơn.
- Trong công tác xây dựng Đảng, cần tích cực “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; nêu gương về tư tưởng chính trị, gương mẫu về đạo đức, lối sống, tác phong. Nghiêm chỉnh chấp hành Điều lệ, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nêu gương về tự phê bình và phê bình; nêu gương về ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần đoàn kết; gương mẫu thực hiện nền nếp, chế độ sinh hoạt Đảng, quy chế hoạt động của Nhà trường; làm việc có “nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình”. Chân thành học hỏi, chia sẻ, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp; dũng cảm nhận trách nhiệm và sửa chữa khuyết điểm; thực sự chăm lo, xây dựng đoàn kết trong chi bộ, các đoàn thể nhà trường. Dám đấu tranh, không né tránh, chống các biểu hiện “chia rẽ, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ”, chống “tư tưởng cục bộ và các biểu hiện cơ hội, thực dụng, vì lợi ích cá nhân”
b. Đối với Cấp ủy chi bộ nhà trường.
– Cấp ủy chi bộ, đặc biệt là các đồng chí trong Ban giám hiệu nhà trường có vai trò rất lớn trong việc xây dựng mối đoàn kết nội bộ. Đó là sự gần gũi, cảm thông, là sự góp ý chân thành, cởi mở, không mang tính áp đặt trên dưới.
- Nắm bắt tâm tư nguyện vọng của CBGV trong trường. Khi phân công công việc hay giải quyết những thắc mắc không để gây ức chế đối với giáo viên. Sự thoải mái trong tư tưởng sẽ khiến con người ta nhiệt tình và yêu mến công việc hơn.
Một tập thể đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau thì chắc chắn tập thể đó sẽ vững mạnh.