Qua hệ thống giám sát y tế thấy rằng từ ý thức phòng bệnh của người dân trong phòng chống dịch Covid- 19 như thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn đã góp phần đáng kể giảm tỷ lệ mắc một số bệnh như: Tay – chân – miệng, thủy đậu so với những năm trước do đó trong giai đoạn hiện nay điều quan trọng nhất là từng cá nhân, gia đình và cộng đồng cần nêu cao ý thức vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường về phòng dịch bệnh đối với các bệnh thuộc về đường hô hấp người dân thường xuyên vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đảm bảo khoảng cách tối thiểu khi giao tiếp với những người xung quanh tránh giọt bắn nước bọt.
Về các bệnh đường tiêu hóa khuyến cáo người dân phải ăn chín uống sôi, vệ sinh nhà cửa hàng ngày thường xuyên vệ sinh, có điều kiện có thể lau nhà bằng nước sát khuẩn hoặc dung dịch CloraminB sẽ góp phần đáng kể trong việc phòng bệnh, đối với các bệnh do vật chủ trung gian truyền bệnh phải bỏ màn khi đi ngủ tránh muỗi hoặc côn trùng đốt, xung quanh nhà không nên để những hố, vũng nước đọng hoặc đồ dùng chứa nước đọng tạo điều kiện cho bọ gậy sinh sôi phát triển.
Vào mùa nắng nóng các bạn có thể gặp một số vấn đề sức khỏe như say nóng, say nắng, đột quỵ do nóng, nguyên nhân chủ yếu là do tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao quá lâu hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột, đối tượng có nguy cơ bao gồm người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, những người làm việc, luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức, những người mắc các bệnh mãn tính biểu hiện thường gặp là mệt mỏi khát nước, hoa mắt chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút, mức độ nặng là đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật ngất xỉu hôn mê, trụy tim mạch và có thể tử vong. Khi gặp vấn đề sức khỏe do nắng nóng cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân vào chỗ mát thoáng gió, nới lỏng quần áo hoặc cởi bớt quần áo bên ngoài sau đó làm mát cơ thể bệnh nhân, nếu bệnh nhân uống được nước cho uống từng ngụm nhỏ nước mát, tốt nhất là cho uống nước có bổ sung muối hoặc khoáng chất như Oresol pha đúng liều lượng theo hướng dẫn sử dụng. Nếu bệnh nhân có biểu hiện ở mức độ nặng cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế nơi gần nhất.
Vậy để hạn chế các bệnh dich mùa hè, chúng ta cần thực hiện những biện pháp phòng bệnh như sau:
1. Nâng cao sức đề kháng của cơ thể như:
- Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là thường xuyên rửa tay với xà phòng để loại trừ mầm bệnh
- Hạn chế đi ra ngoài trời và khi cần ra ngoài thì phải mặc áo quần che kín da và đội nón rộng vành che phủ kín vùng cổ gáy phòng say nắng
- Ăn đủ chất chú ý thêm các loại rau, củ, quả nhưng cần rửa sạch trước khi ăn
- Không ăn những thức ăn chưa nấu chín như tiết canh, nem chua, thịt các loại nấu tái, trứng sống, gỏi cá; không ăn uống ở những hàng quán không có đủ nước sạch và không hợp vệ sinh;
- Uống đủ nước, người lớn uống ít nhất 2 lít/ ngày, trẻ em thường cho uống nước, thêm nước cam vắt hoặc nước chanh. Hạn chế sử dụng các loại nước đóng chai, nhất là loại nước có ga.
2. Vệ sinh môi trường:
- Nhà ở gọn gàng, sạch sẽ thông thoáng để làm giảm độ nóng và thanh thải mầm bệnh trong không khí;
- Không để thức ăn, rác, nước thải vương vãi làm thu hút ruồi, côn trùng vào nhà;
- Không thải bỏ bất cứ vật gì xuống nguồn nước vì sẽ làm ô nhiễm nguồn nước và vi khuẩn, vi rút có điều kiện phát triển mạnh gây nguy cơ dịch bệnh cho cộng đồng;
- Cá nhân, gia đình và cộng đồng tích cực khuyến cáo mọi người không vức rác bừa bãi ra môi trường, rác cần được thu gom và xử lý đúng theo quy định.
Mọi người dân cần tăng cao sức khỏe và khả năng phòng bệnh bằng cách ăn uống đủ chất, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, thức ăn có nhiều vitamin; có chế độ làm việc, sinh hoạt, luyện tập thể thao và nghỉ ngơi hợp lý. Khi có người bị bệnh hoặc nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để khám, điều trị và xử lý kịp thời, không để bệnh lây lan sang người thân và cộng đồng.