- Giới thiệu chung về giáo dục kĩ năng công dân số cho học sinh tiểu học
Xu hướng giáo dục kĩ năng công dân số (digital citizenship education) cho học sinh tiểu học đang trở nên ngày càng phổ biến trên toàn thế giới. Đây là xu hướng giáo dục tập trung vào việc giáo dục cho học sinh tư duy khoa học máy tính, tư duy giải quyết vấn đề và sinh sống, hoạt động một cách an toàn, chính trực và hiệu quả trong thế giới số.
Việc giáo dục kĩ năng công dân số cho học sinh tiểu học có tầm quan trọng đặc biệt, bởi vì đây là độ tuổi mà các em đang bắt đầu khám phá và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Việc giúp các em có được các kĩ năng cơ bản về sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông một cách an toàn và đúng cách sẽ giúp các em tránh được các rủi ro và nguy hiểm trực tuyến, đồng thời giúp các em phát triển một tư duy đa chiều và phát triển các kĩ năng sáng tạo cần thiết trong kỷ nguyên số.
- Một số văn bản pháp luật
Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ, ngày 17/4/2020, Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị, về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23/06/2020, Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”
Quyết định 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/01/2022, phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.
- Hình thức tổ chức giáo dục kĩ năng công dân số cấp tiểu học
Dạy học môn Tin học thực hiện Chương trình GDPT 2018: Việc dạy học môn Tin học đáp ứng đúng nội dung và yêu cầu cần đạt tương ứng theo quy định của Chương trình bảo đảm hình thành và phát triển năng lực Tin học quy định trong Chương trình GDTP 2018 đồng thời góp phần hình thành và phát triển năng lực số cũng như KNCDS cho học sinh.
Giáo dục kĩ năng công dân số (GDKNCDS) tích hợp trong dạy học các môn học ở tiểu học: Trong hầu hết các môn học khác thuộc Chương trình GDPT 2018 đều hàm chứa những nội dung, cơ hội hình thành và phát triển năng lực Tin học nói riêng và thực hiện GDKNCDS nói chung cho học sinh. Do đó việc tích hợp nội dung GDKNCDS vào quá trình dạy học các môn học, hoạt động giáo dục là một giải pháp khả thi và hiệu quả thực hiện GDKNCDS cho học sinh cấp tiểu học.
Dạy học tăng cường nội dung giáo dục kĩ năng công dân số: là thực hiện tăng cường, bổ sung thời lượng, nội dung GDKNCDS trong kế hoạch giáo dục nhà trường, thường được tổ chức theo bài học/tiết học trên quy mô, phạm vi lớp học của CSGD. Có thể dạy trải đều theo sốtiết/tuần (1 – 2 tiết/tuần) hoặc thành các chủ đề theo từng giai đoạn trong năm học.
Tổ chức câu lạc bộ giáo dục kĩ năng công dân số: Câu lạc bộ GDKNCDS thường được tổ chức theo nhu cầu, nguyện vọng của học sinh nên các câu lạc bộ thường có học sinh đến từ nhiều lớp, nhiều độ tuổi có chung năng khiếu, sở trường, sở thích. Nội dung GDKNCDS cho các câu lạc bộ thường là các chủ đề, nội dung, mô đun kiến thức…bảo đảm phù hợp với đối tượng đa dạng về trình độ của câu lạc bộ.
Hi vọng qua phần giới thiệu trên, bạn đọc có thể hiểu hơn về việc giáo dục kĩ năng công dân số cấp Tiểu học để thực hiện thật tốt với chương trình này tại trường.