Những mốc son lịch sử
Ngày 9/10/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố Hà Nội đã quyết định thành lập bộ máy của Ủy ban Quân chính, trong đó có quyết định thành lập Sở GDĐT. Đây là dấu mốc đầu tiên trong quá trình xây dựng và phát triển của ngành GDĐT Thủ đô trong kỷ nguyên cách mạng. Dù bộn bề khó khăn, nhưng chỉ 10 ngày sau khi tiếp quản Thủ đô, các trường học của Hà Nội đã khai giảng năm học đầu tiên sau hòa bình. Ngày 18/12/1954, khi đến thăm một số trường phổ thông của Hà Nội, Bác Hồ đã căn dặn: "Ngày nay đất nước ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thực sự là người chủ tương lai của đất nước, muốn xứng đáng với vai trò của người chủ thì phải học tập".
Trải qua những năm chiến tranh chống Mỹ, trong tiếng gầm rú của máy bay, tiếng bom dội, các trường học của Hà Nội phải sơ tán về các vùng ngoại thành nhưng vẫn đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, không ngừng đào tạo và chăm sóc các thế hệ tương lai. Rất nhiều nhà giáo đã phải tạm xếp bút nghiên lên đường chiến đấu hoặc tham gia công tác giáo dục ở miền Nam khốc liệt. Trong số đó không ít người đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Giai đoạn đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay, ngành GDĐT Hà Nội luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, làm tốt sứ mệnh “trồng người” cao cả với quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện; góp sức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và đất nước. Ngành GDĐT Thủ đô luôn là đơn vị tiên phong tham gia các hoạt động đổi mới giáo dục. Đặc biệt, từ năm 2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, tuy sau hợp nhất gặp nhiều khó khăn song chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng cao một cách thực chất, kỷ cương nền nếp được tăng cường. Với vị trí là Thủ đô của cả nước, ngành GDĐT Hà Nội đã không ngừng nỗ lực, phát huy tiềm năng lao động sáng tạo của toàn thể đội ngũ CBQL, giáo viên, nhân viên và học sinh để đáp ứng được những yêu cầu phát triển mới của Thủ đô.
Khi mới thành lập, ngành GDĐT Thủ đô được tiếp quản một mạng lưới trường lớp của thực dân nghèo nàn, chẳng những không đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân mà còn kìm hãm sự phát triển của xã hội, đi ngược lại lợi ích của dân tộc. Cả Hà Nội lúc đó chỉ có 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông trung học. Số trường lớp này chỉ đáp ứng được 20% số trẻ đến trường, vì vậy 80% trẻ em - chủ yếu là con em của nhân dân lao động bị thất học, khoảng 90% dân Hà Nội mù chữ. Giáo dục Mầm non cũng còn “non nớt ” chỉ có 3 trường mầm non với 254 trẻ. Giáo dục chuyên nghiệp vỏn vẹn có 1 trường kỹ nghệ thực hành và một số lớp trung học chuyên nghiệp dân lập đào tạo một số nghề, chủ yếu là các nghề thủ công.
Trải qua 68 năm phát triển, đến nay, ngành GDĐT Thủ đô có quy mô lớn nhất cả nước. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, cơ bản từng bước được kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới.
Những thành tựu rực rỡ
Trong 68 năm qua, với trách nhiệm lớn lao là “nâng cao dân trí – chấn hưng dân khí – bồi dưỡng nhân tài”, ngành GDĐT Thủ đô đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của Thành phố nghìn năm văn hiến. Xuyên suốt chiều dài 68 năm, biết bao thế hệ học trò đã trưởng thành, tỏa đi muôn phương, mang tài năng và trí tuệ của mình để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Chính sự phát triển của giáo dục đã là minh chứng cho sự lớn mạnh của Thủ đô. 68 năm qua, giáo dục Thủ đô có sự nhảy vọt về quy mô giáo dục và các loại hình trường lớp để đáp ứng chỗ học cho nhân dân. Cùng với đó, cơ sở vật chất các nhà trường đều được đầu tư theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa và hiện đại để việc dạy và học đạt chất lượng.
Việc đổi mới hoạt động dạy học, thi cử, kiểm tra, đánh giá và tuyển sinh có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, mô hình dạy học được đổi mới theo hướng mở, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Đa dạng hóa hình thức, phương pháp dạy học, tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Hà Nội tiếp tục giữ vững và có nhiều khởi sắc trong việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện... Việc triển khai giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”, “giáo dục an toàn giao thông” ở tất cả các trường phổ thông cơ bản đạt được kết quả tốt và đáp ứng được nhu cầu học tập của các em học sinh. Học sinh Thủ đô liên tục đạt thành tích cao qua các kỳ thi HSG văn hóa, kỹ thuật, giải toán qua Internet cấp Thành phố và Quốc gia... Không chỉ giỏi về văn hóa, học sinh Thủ đô còn tích cực và nổi bật trong các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ và các hoạt động khác với nhiều thành tích xuất sắc.
Góp chung vào diện mạo của Thành phố hơn 1000 năm tuổi, Hà Nội cũng quan tâm chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại cơ sở vật chất trường học trên địa bàn. Nhiều công trình xây dựng cơ bản và một số công trình trọng điểm được tập trung đầu tư. Ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý được tăng cường áp dụng cho cả các trường ở nội thành và các huyện ngoại thành xa trung tâm. Hà Nội đã triển khai đăng ký tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6 ở tất cả các quận huyện…
Với những đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước, ngành GDĐT Hà Nội đã vinh dự được nhận nhiều danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, ngành GDĐT Hà Nội đã hai lần vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Các cơ sở giáo dục, đội ngũ CBGV, HS cũng được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý…
Hướng đến nền giáo dục thực chất, đổi mới và hội nhập quốc tế
Thời điểm này, thầy trò ngành GDĐT Thủ đô cùng hướng về dấu mốc 68 năm thành lập ngành trong niềm hân hoan của nhân dân Thủ đô chào mừng 68 năm giải phóng Thủ đô. Chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT theo tinh thần NQ29 của BCH TW Đảng tiếp tục định hướng cho các hoạt động của ngành.
Mục tiêu mà ngành GDĐT Thủ đô đặt ra là giáo dục Hà Nội trong thời kỳ hội nhập phải đảm bảo phát triển bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng, phát huy tối đa nội lực, từng bước tiếp cận nền giáo dục tiên tiến thế giới…
Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh; mở rộng quy mô giáo dục hợp lý (cả giáo dục đại trà và mũi nhọn), xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người có thể học tập suốt đời. Tiếp tục thực hiện đổi mới quản lý nhà nước đối với GDĐT; sắp xếp lại hệ thống các trường học về đội ngũ CBGV và cơ sở vật chất. Quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Chú trọng đổi mới chương trình, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp giáo dục. Tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục; tập trung đầu tư cho các địa phương còn khó khăn, từng bước giảm chênh lệch về phát triển giáo dục của Thủ đô. Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế về GDĐT.
Ngành GDĐT Hà Nội hướng tới làm tốt cả việc dạy chữ, dạy nghề, dạy người, đặc biệt là dạy người; không ngừng cải tiến cách dạy, cách học theo hướng khơi dậy tư duy sáng tạo của học sinh, năng lực tự học, tự tu dưỡng rèn luyện; gắn học lý thuyết với thực hành, học kiến thức với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, trau dồi đạo đức, lối sống, nhằm tạo ra những con người thật sự có đức, có tài, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc… Điều quan trọng là bên cạnh tranh thủ ngoại lực để tăng cường cơ sở vật chất; phát triển nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô thì mỗi CBGV-NV và HS trong ngành cần chủ động phát huy nội lực, phát huy hết trách nhiệm, tiềm năng, khả năng lao động sáng tạo để nâng cao chất lượng dạy và học một cách thực chất, đúng với định hướng giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện; để GD Thủ đô xứng tầm vị thế trung tâm giáo dục hàng đầu cả nước…
68 năm sau ngày Thủ đô giải phóng, trải qua bao thăng trầm lịch sử, thầy trò ngành GDĐT Thủ đô vẫn luôn vững vàng hào khí Thăng Long- Đông Đô- Hà Nội, tiếp lửa truyền thống mạch nguồn tri thức cho đất nước. Hào khí Thăng Long sẽ mãi tỏa sáng, soi rọi cho sự nỗ lực không ngừng cho định hướng phát triển bền vững và hội nhập của hơn 2 triệu thầy, trò ngành GDĐT Thủ đô.