Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2024 trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch trang trí tuyên truyền, cổ động trực quan phục vụ tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2024 trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, việc tuyên truyền tập trung vào các nội dung biên soạn các tài liệu tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên Cổng Thông tin điện tử Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; Phát hành và chuyển 30 quận, huyện, thị xã bài phát thanh tuyên truyền Cuộc vận động. Đồng thời tổ chức tuyên truyền cổ động trực quan trên một số trục đường, tuyến phố chính, khu vực trung tâm Thành phố…
Thông qua việc tuyên truyền nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động trong tình hình mới, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động theo Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng để các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là doanh nghiệp và người dân hiểu về nội dung Cuộc vận động, về sản phẩm hàng hoá của Việt Nam có chất lượng cao và tích cực tham gia thực hiện Cuộc vận động. Qua đó cũng nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà sản xuất theo quy định; đồng thời cổ vũ, động viên và tôn vinh các doanh nghiệp, nhà sản xuất có sản phẩm hàng hoá, dịch vụ chất lượng cao được người tiêu dùng yêu thích. Tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân Thủ đô trong thực hiện Cuộc vận động, đặc biệt trong tình hình mới hiện nay khi phải vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Các hoạt động tuyên truyền được thực hiện đan xen, lồng ghép với các kỳ cuộc, sự kiện khác trong năm, tập trung cao điểm vào tháng 6 và tháng 11 năm 2024.
Sở Văn hoá và Thể thao cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan căn cứ vào nội dung kế hoạch, tình hình thực tế tại địa phương xâyd ựng phương án triển khai cụ thể tại cơ sở đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là một trong những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm của chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ khi triển khai đến nay, Cuộc vận động đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong cả nước. Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, doanh nhân đã nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện Cuộc vận động; đồng thời xác định Cuộc vận động là cơ hội để phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, từng bước vươn lên chiếm lĩnh thị trường nội địa, đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng. Cuộc vận động bước đầu hình thành nét văn hóa trong sản xuất và tiêu dùng của người Việt Nam, dần xoá bỏ tâm lý sính hàng ngoại trong một bộ phận nhân dân. Kết quả thực hiện Cuộc vận động đã đóng góp tích cực vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường nội địa, từng bước vươn ra thị trường khu vực và thế giới.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; là trách nhiệm, quyền lợi và thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người dân Việt Nam; góp phần xây dựng và làm sâu sắc nét đẹp văn hoá của người tiêu dùng Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới, cùng nhau đoàn kết phấn đấu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thúc đẩy, nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Năm 2023, trong những “điểm nhấn” quan trọng được Bộ Công thương tiếp tục triển khai phải kể đến Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” năm 2023 - một trong chuỗi các hoạt động thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025.
Từ năm 2009 đến nay, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ hàng năm đều có mức tăng trưởng trên dưới 10% so với năm trước.
Sau hơn 14 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hàng Việt Nam, nhất là hàng hóa thiết yếu, hàng tiêu dùng - những mặt hàng có thế mạnh - đã, đang và tiếp tục bao phủ rộng khắp các mạng lưới phân phối từ các kênh phân phối truyền thống tới các hệ thống phân phối hiện đại. Theo báo cáo của các địa phương, trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90% như Co.opmart (90%), Winmart (90%), BRG Retail (80-90%),...
Các hệ thống phân phối có vốn đầu tư nước ngoài như Aeon, Central Retail, MMMegaMarket, LotteMart… cũng có nhiều nỗ lực trong việc đóng góp cho cộng đồng nơi mở cơ sở kinh doanh bằng việc thu mua, hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm địa phương, đặc sản vùng miền (OCOP, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hàng chủ lực của địa phương,…) và giữ tỷ lệ hàng Việt cao trong kênh phân phối của mình.
Sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Công Thương trong các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng hàng Việt Nam đã đóng góp vào việc duy trì mức tăng trưởng của thương mại trong nước và hỗ trợ đầu ra cho sản xuất trong nước. Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.667 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường trong nước đã đóng góp vào việc tăng trưởng các ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng như ngành sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, góp phần tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
Có thể nói, sau đại dịch COVID-19, đến nay nền kinh tế Việt Nam đã đứng vững, cơ bản vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được đà tăng trưởng và vẫn là một “điểm sáng” trong “bức tranh màu xám” của nền kinh tế toàn cầu và được quốc tế ghi nhận, tạo hiệu ứng tích cực và niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, khai thác hiệu quả thị trường trong nước với 100 triệu dân luôn được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo.
Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 đã đặt ra mục tiêu: “Phát triển thương mại trong nước hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh và bền vững, là bệ đỡ, điểm tựa vững chắc cho sản xuất trong nước ngày càng đổi mới, phát triển; xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước và của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề vững chắc để tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới”.
Tại Quyết định số 386/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 “Giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, thương mại điện tử...).
Lễ hội "Tự hào hàng Việt Nam, tinh hoa hàng Việt Nam" do Bộ Công thương tổ chức.
Hưởng ứng phong trào vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” của UBND thành phố Hà Nội, trường Tiểu học Đoàn Khuê tuyên truyền tới toàn thể CBGVNV nhà trường cùng toàn thể các bậc phụ huynh, các em học sinh của trường cùng tham gia phong trào. Kính mong tất cả mọi người cùng chung tay tham gia vận động, hưởng ứng phong trào nhàm góp phần xây dựng và phát triển đất nước.