(Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh Tư liệu của TTXVN.)
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở nước ta nổ ra trong hoàn cảnh vô cùng thuận lợi:
+ Ngày 9/5/1945 phát xít Đức đầu hàng Liên Xô và quân đội đồng minh. Chiến tranh ở châu Âu đã chấm dứt.
+ Ngày 13/8, chính phủ Nhật tuyên bố đầu hàng Liên Xô và quân đội đồng minh không điều kiện.
Do tận dụng tốt yếu tố tình thế, thời cơ cách mạng trên cơ sở chuẩn bị rất chu đáo về lực lượng, cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra rất mau lẹ, hầu như không có đổ máu nhưng thắng lợi rất lớn. Cụ thể:
+ Ngày 16/8/1945 giành thắng lợi ở Thái Nguyên – thắng lợi mở đầu cho cuộc Tổng khởi nghĩa.
+ Ngày 19/8/1945 khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội.
+ Ngày 23/8/1945 khởi nghĩa thắng lợi ở Huế.
+ Ngày 25/8/1945 khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn.
+ Từ ngày 26 đến 28/8/1945 các địa phương khác lần lượt giành chính quyền.
Nhìn lại chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc từ khi có Đảng lãnh đạo (1930), trực tiếp là cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, có thể khẳng định: Khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội (19/8/1945) thực sự là một sự kiện rất đặc biệt. Bởi đây là thắng lợi “mẫu mực, tiêu biểu” của nghệ thuật lãnh đạo phát hiện, chớp đúng thời cơ, với phương pháp cách mạng rất sáng tạo. Quan trọng hơn, cuộc khởi nghĩa thắng lợi ấy đã có sức cổ vũ to lớn thúc đẩy phong trào cách mạng của cả nước phát triển; đồng thời cũng dựng lên một thành trì vững chắc để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh bảo vệ những thành quả cách mạng vừa giành được trong giai đoạn về sau.