Quang Trung – Nguyễn Huệ là vị anh hùng dân tộc vĩ đại của Việt Nam. Ông không chỉ có công lao phá bỏ sự chia cắt Đàng trong – Đàng ngoài, thống nhất đất nước mà còn có công đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược, bảo vệ Tổ quốc.
Vua Quang Trung có thế danh là Hồ Thơm, sau này đổi thành Nguyễn Huệ. Ông sinh năm 1753, được biết đến với vai trò là một nhà quân sự, nhà chính trị lỗi lạc của dân tộc Việt Nam. Ông đóng góp công lao vô cùng to lớn, giúp lật đổ chúa Trịnh, xóa bỏ ranh giới Đàng trong – Đàng ngoài, tạo điều kiện thống nhất đất nước. Bên cạnh đó, ông còn lãnh đạo nhân dân chống lại cuộc xâm lược của quân Thanh ở phía Bắc, quân Xiêm ở phía Nam. Trong suốt 20 năm cầm quân, vua Quang Trung chưa từng thất bại một lần nào, là nỗi khiếp sợ của bất kỳ ai khi nghe đến tiếng tăm của ông.
Theo như một số tài liệu lịch sử, tổ tiên của nhà Tây Sơn vốn mang họ Hồ, sinh sống ở làng Hương Cái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, cùng dòng dõi với Hồ Quý Ly. Chính vì lẽ đó mà thuở thiếu thời Nguyễn Huệ có tên gọi là Hồ Thơm. Cụ cố nội của Nguyễn Huệ thế danh là Hồ Phi Long, vốn là giúp việc cho gia tộc họ Đinh ở thôn Bằng Châu, huyện Tuy Viễn. Sau này cụ đã lấy một người vợ họ Đinh trong thôn, sinh được một trai tên là Hồ Phi Tiễn.
Hồ Phi Tiễn khi lớn lên bỏ thôn quê để đi buôn trầu ở ấp Tây Sơn, sau này ông cưới vợ và định cư tại đó. Vợ của Hồ Phi Tiễn tên là Nguyễn Thị Đồng, là con gái duy nhất của một phú thương đất Phú Lạc. Do đó mà hai vợ chồng thống nhất đổi họ của con cái mình sau này từ họ Hồ của bố sang họ Nguyễn của mẹ. Hồ Phi Tiễn có một người con trai tên là Nguyễn Phi Phúc, chuyên nghề buôn trầu cau làm ăn rất phát đạt. Ông có tất cả 8 người con, 3 trong số đó chính là anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ.
Nguyễn Huệ thuở niên thiếu là người nhanh nhẹn, khỏe mạnh, can đảm, tiếng nói to, hào sảng, mắt sáng như ánh chớp, tóc quăn, da sần. Khi lớn lên, ông được cha cho đi học văn và võ nghệ với cùng một thầy là Trương Văn Hiến. Chính vì lẽ đó mà 3 anh em nhà Tây Sơn đều rất giỏi võ nghệ, tương truyền võ phái Bình Định cũng chính là do 3 anh em họ sáng lập ra và tồn tại cho đến nay.
Nguyễn Huệ lật đổ chúa Trịnh, xóa bỏ ranh giới Đàng trong – Đàng ngoài
Năm 1782, bên trong gia tộc chúa Trịnh có biến sự rối ren, các người con trai làm loạn và đánh lẫn nhau để giành quyền kiểm soát Đàng ngoài. Vì thế khiến cho đời sống người dân khu vực Bắc Hà, Thanh Hóa, Nghệ An ngày càng nghèo đói, người dân căm ghét quân của chúa Trịnh. Một số tướng lĩnh của chúa Trịnh có ý muốn quy hàng quân Tây Sơn, hàng ngày đều gửi mưu cho Nguyễn Nhạc để đánh chiếm Phú Xuân. Khi thời cơ đến, Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ đem quân tiến đánh và chiếm được Phú Xuân, trong khi Nguyễn Lữ đem thủy quân dồn từ sông Gianh lên phía Bắc.
Chiếm được Phú Xuân, thừa thắng quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy tiến ra Quảng Bình, các tướng lĩnh của chúa Trịnh tại đây sợ hãi mà bỏ chạy hết. Nhờ đó mà quân Tây Sơn chiếm được toàn bộ vùng Thuận Hóa mà không phải đánh nhau. Nguyễn Huệ tiếp tục cho đại quân tiến ra Bắc để đánh chiếm nốt Bắc Hà, quyết tiêu diệt chúa Trịnh.
Chúa Trịnh thấy vùng Nghệ An nguy cấp, sai quân ra chống đỡ. Nguyễn Huệ dùng mưu kế khiến địch tiêu hao hết khí tài mà không giết được ai, gặp đại quân Tây Sơn bất ngờ tràn lên liền bỏ chạy thục mạng. Nhờ vậy mà vùng Nghệ An đã thuộc quyền kiểm soát của quân Tây Sơn dễ dàng. Nguyễn Huệ dâng quân lên thành Thăng Long để yết kiến vua Lê Hiến Tông, trên đường đi gặp phục kích của chúa Trịnh nhưng đều dễ dàng đánh bại tất cả.
Vua Lê Hiến Tông phong cho Nguyễn Huệ làm Nguyên Soái Uy Quốc Công, và lại gả cho Ngọc Hân Công Chúa. Tháng 7 năm 1786, vua Lê Hiển Tông qua đời, thọ 70 tuổi. Hoàng Tôn là Duy Kỳ lên nối ngôi, đặt niên hiệu là Chiêu Thống. Nguyễn Nhạc vốn không có ý lấy đất Bắc, nay nghe tin Nguyễn Huệ chiếm được Thăng Long, sợ lâu ngày sinh biến, bèn mang quân ngày đêm đi ra Thăng Long, khuyên Nguyễn Huệ rút về phía Nam. Thế là toàn bộ quân Tây Sơn bỏ lại vua Lê ở kinh thành, còn lại rút hết về.
Về sau này con cháu của chúa Trịnh thay nhau lên để nắm quyền, nhưng bị Nguyễn Hữu Chỉnh về đánh tan, chính thức kết thúc sự cai trị của chúa Trịnh từ đây. Nguyễn Hữu Chỉnh được vua Lê tin dùng, nắm trong tay quyền lực to lớn, quyết định chống lại nhà Tây Sơn. Trong khi đó, Nguyễn Huệ đang đánh nhau với Nguyễn Nhạc do mâu thuẫn khi ông đánh chiếm Thăng Long mà không hỏi ý kiến vua Tây Sơn.
Mặt trận phía Nam, Nguyễn Lữ bất tài nên đã để Nguyễn Ánh có cơ hội đêm quân Xiêm vào chiếm lại toàn bộ Gia Định. Sau cùng ông rút về Quy Nhơn rồi mất tại đây do bạo bệnh. Vậy là cả hai mặt trận Bắc – Nam đều có binh biến, khiến Nguyễn Huệ phải tập trung giải quyết trước, thay vì cứ tiếp tục đánh nhau với anh trai.
Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm tiến đánh Nguyễn Hữu Chỉnh, Hữu Chỉnh bị giết chết, vua Lê Chiêu Thống sợ hãi mà phải bỏ thành chạy lên phía Bắc, nương náu đất Lạng Giang. Hoàng thái hậu thấy vậy bèn sang Trung Quốc cầu cứu vua Càn Long, vua nghe theo và sai Tôn Sĩ Nghị đem 29 vạn quân Thanh để dẹp loạn quân Tây Sơn, lấy lại ngôi vua cho nhà Lê.
Nguyễn Huệ thống nhất nhà Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế
Đứng trước tình hình quân Thanh sắp kéo sang, phía Nam lại phải lo chống đỡ quân Xiêm của Nguyễn Ánh. Nguyễn Huệ đã quyết định tiến hành chiến dịch thần tốc, tiêu diệt địch ở phía Bắc trước rồi sau đó về xử lý Nguyễn Ánh. Đến cuối năm 1788, Nguyễn Nhạc tuổi cao lắm bệnh, bất lực không thể ứng cứu cho Nam Bộ, nên ông đã chủ động xin nhường ngôi hoàng đế, tự giáng xuống làm Tây Sơn vương, nhường hết đất đai và binh quyền cho Nguyễn Huệ. Nhờ đó mà toàn bộ nhà Tây Sơn giờ đây được thống nhất dưới trướng của Nguyễn Huệ.
Nguyễn Huệ tổng động viên binh lính ở Thuận Hóa, ngày đêm tập luyện, chờ đợi để đánh giặc. Quân Tây Sơn do Đại tư mã Ngô Văn Sở, theo mưu kế của Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích và các mưu thần khác, chủ động rút quân về đóng ở Tam Điệp – Biện Sơn cố thủ chờ lệnh. Ngày 22 tháng 12 năm 1788, Nguyễn Huệ xuất quân tiến ra Bắc Hà. Để lấy danh nghĩa chính thống, ông quyết định lên ngôi Hoàng đế. Nguyễn Huệ tức tốc cho lập đàn Nam Giao ở núi Bân (cạnh núi Ngự Bình) làm lễ tế cáo trời đất, tuyên bố lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung, nhằm vào ngày 22 tháng 12 năm 1788.
Vua Quang Trung lãnh đạo đánh tan 29 vạn quân Thanh
Ngày 26 tháng 12 năm 1788, đại quân của hoàng đế Quang Trung tới Nghệ An, dừng quân tại đó hơn 10 ngày để tuyển quân và củng cố lực lượng. Để có thêm quân đánh Thanh, vua Quang Trung thi hành chính sách cưỡng bách tòng quân, tất cả nam giới từ 12, 13 đến 60 tuổi đều phải đăng ký vào sổ đinh nam. Nhờ vậy mà tổng số quân của vua Quang Trung đạt được lên tới 10 vạn, được chia thành 5 đạo. Vua Quang Trung còn tổ chức lễ duyệt binh ngay tại Nghệ An để khích lệ tinh thần và ý chí quyết chiến, quyết thắng của tướng sĩ đối với quân xâm lược Mãn Thanh. Ngay sau lễ duyệt binh, ông cho tiến quân ra Bắc Hà.
Quân đội của vua Quang Trung hành quân vô cùng thần tốc, đi từ Thanh Hóa ra Ninh Bình chỉ mất có 1 ngày. Sau khi xem xét tình hình, vua Quang Trung hẹn ba quân nhằm ngày mồng 7 Tết sẽ quét sạch quân Thanh, vào ăn Tết ở Thăng Long.
Đêm 30 tháng Chạp âm lịch, quân Tây Sơn đánh diệt đồn Gián Khẩu của các tướng Lê Chiêu Thống. Sau đó Quang Trung đánh diệt các đồn Nguyệt Quyết, Nhật Tảo, dụ hàng được đồn Hà Hồi. Đêm mồng 4 Tết, vua Quang Trung tiến đến trước đồn lớn nhất của quân Thanh là Ngọc Hồi nhưng dừng lại chưa đánh khiến quân Thanh lo sợ, phần bị động không dám đánh trước nhưng cũng không biết bị đánh lúc nào. Trong khi đó cánh quân của đô đốc Long bất ngờ tập kích đồn Khương Thượng khiến quân Thanh không kịp trở tay, hàng vạn lính bỏ mạng. Chủ tướng Sầm Nghi Đống tự vẫn. Xác quân Thanh chết sau xếp thành 13 gò đống lớn, có đa mọc um tùm nên ngày nay được gọi là gò Đống Đa.
Sáng mồng 5 Tết, vua Quang Trung mới cùng đô đốc Bảo tổng tấn công vào đồn Ngọc Hồi. Trước sức tấn công mãnh liệt của Tây Sơn, quân Thanh bị động liền thua chết hàng vạn quân, phần lớn các tướng bị giết. Trong khi vua Quang Trung chưa đánh Ngọc Hồi thì Tôn Sĩ Nghị nghe tin đô đốc Long đánh vào Thăng Long, cuống cuồng sợ hãi đã bỏ chạy từ trước đó. Đến sông Nhị Hà, sợ quân Tây sơn đuổi theo, Tôn Sĩ Nghị hạ lệnh cắt cầu khiến quân Thanh rơi xuống sông chết rất nhiều làm dòng sông bị tắc nghẽn dòng chảy. Trên đường tháo chạy, Tôn Sĩ Nghị bị hai cánh quân Tây Sơn của đô đốc Tuyết và đô đốc Lộc chặn đánh, tơi tả chạy về. Vua Lê Chiêu Thống hớt hải chạy theo Tôn sĩ Nghị thoát sang bên kia biên giới. Quân Tây Sơn đuổi theo và rao lên rằng sẽ đuổi qua biên giới đến khi bắt được Tôn Sĩ Nghị và Chiêu Thống mới thôi.
Như vậy quân Tây Sơn đã đánh tan 29 vạn quân Thanh chỉ trong vòng 6 ngày. Trưa mùng 5 Tết, Quang Trung tiến quân vào thành Thăng Long trong sự chào đón của nhân dân.
Kế hoạch thống nhất đất nước còn dang dở của vua Quang Trung
Sau khi chiến thắng quân Thanh, vua Quang Trung trở thành lãnh đạo chung của nhà Tây Sơn và là vị Hoàng đế duy nhất tại Việt Nam khi đó. Ông có được uy tín rất lớn sau chiến công chống quân Thanh, được nhà Mãn Thanh công nhận là vị vua chính thống của Việt Nam thay thế cho địa vị của nhà Hậu Lê. Trên cơ sở đó, vua Quang Trung đã lên kế hoạch cho một chiến dịch Nam tiến rất lớn nhằm triệt để đánh bại thế lực của Nguyễn Ánh, từ đó thu hồi toàn bộ miền Nam, thống nhất đất nước.
Tuy nhiên chưa kịp thực hiện được kế hoạch thống nhất đất nước thì vua Quang Trung không may lâm trọng bệnh rồi qua đời. Tương truyền, vào một buổi chiều đầu thu năm 1792, vua Quang Trung đang ngồi làm việc, bỗng hoa mắt, tối sầm mặt mũi, mê man bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, nhà vua cho triệu trấn thủ Nghệ An là Trần Quang Diệu về triều bàn việc dời đô ra Phượng Hoàng Trung Đô (nay thuộc Nghệ An) và dặn dò thêm một số điều cần thiết.
Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (tức ngày 16 tháng 9 năm 1792), vào khoảng 11-12 giờ đêm, vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã qua đời, ở ngôi được 4 năm, hưởng dương 40 tuổi, thuỵ hiệu là Vũ hoàng đế. Thi hài của vua Quang Trung được táng ngay tại Phú Xuân, tại một cung điện của ông tên là Đan Dương. Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi, tức là vua Cảnh Thịnh sau này.