Bác Hồ thăm các gia đình công nhân Trường cán bộ Công đoàn, năm 1961
Công hội Đỏ là tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Sự ra đời và trưởng thành lớn mạnh của Công hội Đỏ Bắc kỳ gắn liền với hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc những năm đầu thế kỷ XX.
Năm 1917, Bác tham gia Công đoàn nước Anh; cuối năm 1918, Bác tham gia Đảng Xã hội Pháp rồi trở thành đoàn viên của tổ chức Công đoàn Kim khí Pháp. Năm 1919, Người giúp cho ông Nguyễn Tạo - một Việt kiều ở Pháp thành lập công đoàn thủy thủ của những người Việt Nam tại Mac-xây Lô-ha-vơ-tơ. Những năm ở nước ngoài Bác Hồ đã tìm hiểu, nghiên cứu về tôn chỉ mục đích, hình thức nội dung và hình thức hoạt động của các tổ chức công đoàn các nước châu Âu; sau này Bác tìm hiểu công đoàn các nước thuộc địa châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhi Kỳ… để rút ra những bài học kinh nghiệm cho việc thành lập công đoàn Việt Nam sau này. Bác đã viết báo nói về công đoàn, Người nhấn mạnh: “tổ chức công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; 2 là để nghiên cứu với nhau; 3 là để sửa sang cách sinh hoạt của công đoàn cho khá hơn bây giờ; 4 là gìn giữ quyền lợi cho công nhân; 5 là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.
Nhiều cán bộ hoạt động trong phong trào công nhân đã được Bác Hồ trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng, đưa về nước. Để đáp ứng yêu cầu cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời “Đông Dương Cộng sản Đảng” tiến hành Đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ vào ngày 28-7-1929. Ban Chấp hành lâm thời Công hội Đỏ có 7 đồng chí, do Nguyễn Đức Cảnh, Ủy viên Ban Chấp hành lâm thời “Đông Dương Cộng sản Đảng” đứng đầu. Từ đây, tổ chức Công hội Đỏ đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã tạo sự chuyển biến tình hình cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ; đánh dấu một bước ngoặc về sự chuyển từ tính tự phát thành tự giác trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam ở những năm đầu của thế kỷ 20, thật sự là một tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Sinh thời, Bác thường xuyên vun đắp cho sự lớn mạnh, trưởng thành của tổ chức công đoàn. Ngày 27-2-1961, tại Đại hội Công đoàn toàn quốc, Bác đến dự và nêu một số ý kiến quan trọng: Suốt bao năm trường, Đảng ta cùng quân, dân đã anh dũng chiến đấu hy sinh đánh đổ thực dân, phong kiến, đế quốc giành lại cho người dân có quyền làm chủ nước nhà. Vậy ngày nay người lao động – lao động chân tay và lao động trí óc – đều phải nhận thật rõ: “Mình là người chủ nước nhà”. Bác nhấn mạnh: Muốn làm tròn nghĩa vụ là người chủ nước nhà, nghĩa vụ đó là: cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhằm mục đích không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa cho nhân dân, trước hết là nhân dân lao động. Bác hỏi: chúng ta đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đó chưa? Chưa! Bác nhẹ nhàng phê phán: Còn một số đông cán bộ, công nhân chưa thật thấm nhuần tinh thần cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, chưa làm tròn nhiệm vụ của người làm chủ xã hội, người chủ nước nhà. Rồi Bác quan tâm đến vấn đề: xóa bỏ trong tư tưởng công nhân cho mình là “người làm thuê” phải hiểu sự thật mình trở thành quyền làm chủ…
Nhân tháng Công nhân, nêu lên mấy vấn đề trên để thể hiện lòng kính yêu Bác Hồ; chính Bác là người có công to lớn trong quá trình lãnh đạo dìu dắt Công đoàn Việt Nam phát triển như hôm nay. Nhắc đến những sự kiện ấy giúp chúng ta không quên ơn sâu trời biển của Bác Hồ trong sự nghiệp cách mạng của đất nước ta – mãi mãi học và làm theo tấm gương trong sáng của Bác.