Bác Hồ về thăm Nhà máy Dệt Nam Định
Trong sự nghiệp hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến giai cấp công nhân như là động lực mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc theo khuynh hướng tiến bộ. Do vậy, từ khi ra đi tìm đường cứu nước, Người đã nhận ra vai trò lịch sử to lớn của giai cấp công nhân, đó chính là lực lượng đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến nhất, là giai cấp tiên phong trong công cuộc cách mạng làm thay đổi chế độ, giành độc lập và xây dựng đất nước.
Sau khi trở thành người cộng sản, trong nhiều việc lớn chuẩn bị cho dân tộc trên lộ trình cách mạng lâu dài, thì việc tìm kiếm những hình thức nhằm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân Việt Nam hay đặt nền móng xây dựng những cơ sở đầu tiên cho tổ chức Công đoàn nước ta chiếm một phần không nhỏ trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.
Những ngày đầu chuẩn bị thành lập Đảng, Bác Hồ đã khẳng định vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua Đảng của mình. Trong hoàn cảnh lịch sử nước ta thuở ấy là một nước thuộc địa nửa phong kiến, kinh tế lạc hậu, chậm phát triển, lực lượng giai cấp công nhân còn nhỏ bé, song Bác vẫn khẳng định bản chất giai cấp của Đảng là bản chất của giai cấp công nhân thể hiện rõ tầm nhìn xa của một nhà tư tưởng lớn. Đây cũng là một trong những nguồn gốc sâu xa đưa đến những thắng lợi vẻ vang của Đảng ta trong công cuộc đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lấy độc lập tự do cho dân tộc. Và trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của mình, giai cấp công nhân Việt Nam được Bác và Đảng rèn luyện, giáo dục đã dần dần ý thức được trách nhiệm to lớn và nặng nề của mình đối với dân tộc và tự giác trở thành lực lượng lãnh đạo, nòng cốt trong khối liên minh công, nông và đội ngũ trí thức.
Từ những năm 1920, Bác Hồ đã rất chú ý đến chức năng bảo vệ quyền lợi cho người lao động, một chức năng quan trọng nhất của tổ chức Công đoàn. Từ những cơ sở Công hội đầu tiên trên đất Pháp, những hội tương tế mang nặng tính chất phường hội thị dân, từ những “đốm lửa” Công hội Đỏ đầu tiên của Tôn Đức Thắng ở Sài Gòn - Chợ Lớn đầu những năm 1920, cùng với sự xâm nhập của tư tưởng xã hội chủ nghĩa vào nước ta qua Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; từ những năm 1926 phong trào công nhân phát triển như gió lốc, đặc biệt theo sáng kiến của Nguyễn Ái Quốc nêu ra ở Quảng Châu, những học trò ưu tú của Người như Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự đã phát động phong trào vô sản nổi tiếng, làm cho tổ chức Công hội ở Bắc và Trung Kỳ thực sự lan rộng, phát triển mạnh mẽ như nấm mọc sau cơn mưa rào. Đó cũng chính là bối cảnh để Đông Dương Cộng sản Đảng giao trọng trách cho đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Hội nghị thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ vào ngày 28/7/1929, tại số 15 Hàng Nón, Hà Nội - là tiền thân của tổ chức Công đoàn ngày nay. Đại hội còn quyết định ra Báo Lao động và Tạp chí Công hội Đỏ làm cơ quan ngôn luận của tổ chức mình.
Trong chuyến thăm và nói chuyện với cán bộ, giáo viên và học viên Trường Cán bộ Công đoàn vào ngày 19/01/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Công đoàn phải tuyên truyền đường lối, chính sách chung của Đảng, vì Đảng mình là Đảng của giai cấp vô sản. Đường lối chung là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Giai cấp mà không có Đảng lãnh đạo thì không làm cách mạng được, Đảng mà không có giai cấp công nhân cũng không làm được gì. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của dân tộc”.
Trong bài nói chuyện tại Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ II vào tháng 02 năm 1961, Bác Hồ khẳng định: “Phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng là vấn đề quan trọng. Phải nhận rằng đại đa số công nhân ta đều cần cù, thông minh và có nhiều sáng kiến hay... Nếu Công đoàn biết khuyến khích, áp dụng, cải tiến và phổ biến rộng rãi những sáng kiến ấy thì năng suất lao động sẽ nâng cao không ngừng”. Người còn chỉ ra rằng: “Công đoàn phải có biện pháp thiết thực để nâng cao trình độ văn hóa và kỹ thuật của công nhân, phải tùy khả năng cộng với cố gắng mà nâng cao dần đời sống vật chất của họ; phải chú ý bảo vệ sức khỏe, bảo vệ an toàn lao động và tăng cường công tác vệ sinh...”.
Từ những lời dạy ấy, chúng ta nhận thấy rõ ràng, trách nhiệm của giai cấp công nhân ngày nay càng nặng nề hơn, những thành tựu về khoa học kỹ thuật đã giúp con người dần dần giải phóng sức lao động chân tay, phát huy hiệu quả của lao động trí óc, giai cấp công nhân, do vậy phải không ngừng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Tổ chức Công đoàn các cấp không ngừng đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, dấy lên nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao góp phần làm giàu cho đất nước. Những thành quả về các ngành công nghiệp điện, khai thác dầu, chế biến nông lâm thủy hải sản, hàng tiêu dùng và công nghệ vi sinh, công nghệ thông tin... đã góp phần đóng góp không nhỏ của giai cấp công nhân. Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú trọng đến việc phát huy vai trò trách nhiệm của giai cấp công nhân.
Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương chính sách quan tâm thiết thực đến người lao động, nhất là đối với giai cấp công nhân như đã ban hành Luật và các văn bản dưới luật quy định về chế độ lao động, an toàn lao động, bảo hiểm xã hội... Đời sống của lực lượng công nhân không ngừng được cải thiện. Lực lượng công nhân của nước ta đã phát huy được tính cần cù, sáng tạo và thông minh, nhanh chóng tiếp thu được những tiến bộ của nhân loại khi tham gia các công trình lớn có sự chuyển giao khoa học công nghệ của các nước tiên tiến mang lại nhiều hy vọng và tự hào cho giai cấp mình, xứng đáng với sự quan tâm của Đảng và Bác Hồ.
Với bản chất cách mạng, sự kiên định, vững vàng về chính trị, giai cấp công nhân nước ta là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, là cơ sở chính trị - xã hội căn bản của Đảng, chỗ dựa vững chắc của Nhà nước, giữ vai trò nòng cốt trong khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp trực tiếp và to lớn vào sự phát triển chung của đất nước, góp phần tạo nên tầm vóc mới, thế và lực mới của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đã nhận định: Trong những năm đổi mới, tổ chức và hoạt động của Công đoàn đã vận động, tập hợp ngày càng đông đảo công nhân, viên chức, lao động vào tổ chức Công đoàn, đi tiên phong trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động; tích cực đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, các biểu hiện vi phạm pháp luật lao động. Các phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Sáng kiến, tiết kiệm", "Phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn"... do Công đoàn phát động đạt nhiều hiệu quả cụ thể, thiết thực. Đặc biệt, tổ chức Công đoàn đã và đang triển khai thực hiện tốt các cuộc vận động do Mặt trận tổ quốc Việt Nam phát động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Ngày vì người nghèo"...
Có thể nói, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn kiên định: Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chủ tịch và quan điểm của Đảng, giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến và đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới. Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh phải gắn kết hữu cơ với xây dựng, phát huy sức mạnh của liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, của tất cả các giai cấp, các tầng lớp xã hội trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời tăng cường quan hệ đoàn kết, hợp tác quốc tế với giai cấp công nhân trên toàn thế giới; chống lại mọi âm mưu chia rẽ tổ chức Công đoàn, chia rẽ giai cấp công nhân, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.