Bác Hồ vô vàn kính yêu của chúng ta không chỉ là một vị lãnh tụ thiên tài mà còn là một người thầy giáo mẫu mực, sáng tạo và đầy tâm huyết. Suốt cuộc đời, Người đã dành biết bao tâm trí cho sự nghiệp “trồng người”. Tư tưởng, triết lý của Người về giáo dục - đào tạo nói chung và về nghề dạy học nói riêng luôn là ánh sáng soi đường” cho các thế hệ nhà giáo Việt Nam.
• HỒ CHÍ MINH - NGƯỜI THẦY GIÁO MẪU MỰC, SÁNG TẠO VÀ ĐẦY TÂM HUYẾT
Trong cuộc đời của mình, Bác Hồ đã đi rất nhiều nơi, làm rất nhiều nghề để sống và hoạt động cách mạng, trong đó nghề đầu tiên mà Người chọn là dạy học. Tháng 9/1910, Nguyễn Tất Thành được vào dạy học tại trường Dục Thanh - Phan Thiết qua sự giúp đỡ và giới thiệu của cụ Nghè Trương Gia Mô - người bạn đồng chí hướng với cha mình (cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc), khi ấy vừa tròn 20 tuổi, là giáo viên trẻ tuổi nhất. Theo sự phân công của nhà trường, thầy Thành dạy lớp nhì, dạy thể dục và trợ giảng các môn Hán văn, Quốc ngữ, tiếng Pháp. Thầy không chỉ giảng dạy trên lớp mà còn tranh thủ giảng dạy ở mọi lúc, mọi nơi. Những ngày nghỉ cuối tuần, thầy Thành thường dẫn học trò đi thăm các di tích lịch sử và cảnh đẹp của quê hương: Đình làng Đức Nghĩa, bến đò Văn Thánh, bãi biển Thương Chánh (nay là bãi biển Đồi Dương)… Các chuyến dã ngoại ấy thực sự là những buổi học thú vị giúp học trò hiểu biết thêm về lịch sử dân tộc, khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước bằng những hình ảnh cụ thể, thiết thực và gần gũi nhất. Chính buổi ban đầu ở ngôi trường nhỏ Dục Thanh đã đưa Bác Hồ đến với nghề giáo - nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.
Trong thời gian ngắn dạy học tại trường Dục Thanh, thầy Thành đã khai sáng cho học sinh về sự học “Chữ là mắt. Người không có chữ coi như bị mù. Không có chữ con người ta bé nhỏ trước tất cả và mãi mãi sẽ là vật sai khiến, vật hi sinh của bọn thống trị. Cho nên các trò phải học, học chữ để nên người, để giúp dân cứu nước”. Thầy cũng thổi vào tâm hồn học trò những tình cảm tốt đẹp về tình yêu quê hương đất nước, về con người của dân tộc mình. Chính lòng yêu quí học trò cũng như phương pháp dạy học dễ hiểu và khoa học nên thầy Thành đã được học trò hết sức yêu quý. Bên cạnh đó, thầy Thành còn là một tấm gương sáng về tinh thần tự học; học trong sách vở, học ở đồng nghiệp và trong nhân dân lao động. Những đêm khuya, thầy thường đến căn gác Ngọa Du sào để đọc sách và học thêm tiếng Pháp. Qua phong cách sống và cách dạy học ở trường Dục Thanh, thẩy Thành đã để lại những tình cảm, kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ trong lòng của học trò, đồng nghiệp và Nhân dân; đồng thời đánh dấu sự hình thành trong tư tưởng của Người về giáo dục, mà sau này được ngành giáo dục vận dụng: Học phải đi đôi với hành, lý luận phải gắn liền với thực tiễn.
Khi rời mái trường Dục Thanh vào Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước, thầy Thành đã để lại bức thư, trong đó có đoạn viết: “Các trò thân yêu, thầy biết các trò rất yêu quí thầy. Nhưng thầy không thể ở lại Trường Dục Thanh lâu hơn được nữa. Thầy phải đi, đi rất xa. Ước mơ về một ngày mai nước nhà độc lập đang kêu gọi thầy dấn bước ra đi... Thầy đi xa nhưng lòng vẫn nhớ, vẫn gần các em. Thầy mong các em học giỏi, chăm ngoan, biết kính người già, nhường em nhỏ, yêu quí mọi người”.
Sau bao nhiêu năm bôn ba khắp năm châu bốn biển, bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin tìm ra con đường cứu nước, những năm 1925-1927, thầy giáo Nguyễn Tất Thành - lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc), trực tiếp mở các lớp huấn luyện chính trị cho thanh niên, thiếu niên Việt Nam yêu nước; trực tiếp lãnh đạo và là giảng viên chính của các khóa học. Thông qua các bài giảng và thảo luận ở tổ, nhà giáo Nguyễn Ái Quốc phân tích, so sánh làm cho học viên nhận thức sâu sắc về việc cách mạng Việt Nam lựa chọn đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga: Ðộc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Năm 1941, sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Từ đây và sau này khi ở cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, Người luôn chăm lo việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho cách mạng; tổ chức và chỉ đạo từng bước xây dựng nền giáo dục cách mạng, nhằm thực hiện công cuộc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước...
Có thể nói, từ nhà giáo yêu nước Nguyễn Tất Thành, đến nhà giáo Nguyễn Ái Quốc và lãnh tụ Hồ Chí Minh, là một quá trình phấn đấu không mệt mỏi, tự học, khổ luyện để không ngừng hoàn thiện nhân cách của một nhà giáo, một vị lãnh tụ tài - đức ven toàn, đã cùng Đảng ta lãnh đạo Nhân dân giành lại độc lập tự do và xây dựng đất nước Việt nam ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc. Nhà giáo Nguyễn Tất Thành - lãnh tụ Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về đạo đức, tinh thần tự học và sự sáng tạo để mọi người học tập và noi theo. Riêng đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Bác Hồ còn để lại một di sản tư tưởng, triết lý giáo dục vô giá và chính Người đã khởi xướng phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” từ năm 1961, trở thành truyền thống của nhà giáo, học sinh và sinh viên Việt Nam.
• TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NGHỀ DẠY HỌC VÀ NGƯỜI THẦY GIÁO
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà giáo mẫu mực và sáng tạo, mà còn là một lãnh tụ rất coi trọng sự nghiệp giáo dục - đào tạo và đề cao vị trí, vai trò của thầy giáo đối với xã hội. Người từng nhấn mạnh: “nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”. Và khẳng định: “Còn gì vẻ vang hơn nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt, người thầy giáo xứng đáng là người thầy vẻ vang nhất, dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương. Song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh… Vì vậy nghề thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang. Ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo thì phải sửa chữa”.
Sở dĩ Bác Hồ đánh giá cao vai trò, vị trí và chức năng của thầy giáo là bởi: (i) Việc trồng cây đã khó, trồng người còn khó hơn, “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Sản phẩm của “trồng người” là tạo ra con người của thế hệ tương lai, do đó không được phép làm ra “phế phẩm”. Một người cán bộ, một công nhân tồi có thể làm hỏng một vài sản phẩm, vài công trình, nhưng một người giáo viên tồi có thể làm hỏng cả một thế hệ, đó là hậu quả khôn lường mà cả xã hội phải gánh chịu.
(ii) Giáo dục và đào tạo là sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước, của toàn xã hội, nhưng trực tiếp và quyết định chính là đội ngũ nhà giáo. Nhà giáo có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hoá của dân tộc và nhân loại; bồi dưỡng những phẩm chất cao quý và năng lực sáng tạo phù hợp với sự phát triển và tiến bộ xã hội. Trong thư gửi Hội nghị Giáo dục toàn quốc tháng 3/1955, Bác Hồ đã viết: “Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy là chăm lo cho con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”.
(iii) Nhiệm vụ của người thầy giáo không chỉ là sự truyền bá tri thức, phương pháp, tay nghề cho người học, mà còn cùng với học trò tham gia vào các công việc xã hội một cách tích cực. Hình ảnh người thầy giáo tài đức luôn được xã hội xem là biểu tượng của văn hóa, là đại diện cho văn minh thời đại…
Để làm tròn trách nhiệm nặng nề và sứ mệnh vẻ vang, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy giáo trước hết phải có cả “Đức” và “Tài”. Đức là hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; thương yêu học trò và yêu nghề, yêu trường; yêu lao động và quý trọng người lao động chân tay; có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Bên cạnh đó, còn phải yêu CNXH bởi đó là mục tiêu mà dân tộc ta đang hướng tới. Còn “Tài” là sự am hiểu, vốn tri thức, vốn kinh nghiệm thực tiễn thuộc lĩnh vực chuyên môn nghề nghiệp của mình; linh hoạt, mềm dẻo, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy; có khả năng biên soạn giáo án, tài liệu, cập nhật tài liệu học tập, hiểu biết sâu sắc người học; nội dung tri thức, bài học được chuyển tải phù hợp với đặc điểm tâm lý, trình độ, kinh nghiệm của người học và tri thức được mang tính mới mẻ, hiện đại…
Có được cả “Đức” lẫn “Tài” đòi hỏi người thầy giáo không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện và trở thành tấm gương sáng về đạo đức cho học sinh và mọi người noi theo; luôn là tấm gương không ngừng học tập, trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tri thức khoa học, xem “Sự học không bao giờ cùng” để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới trên mọi phương diện. Trong bối cảnh khoa học - kỹ thuật phát triển như vũ bão, tấm gương tự học của người thầy giáo càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với người học.
Ngoài ra, người thầy giáo còn phải có đức hy sinh cao cả, sự cống hiến thầm lặng như những người lái đò, đưa từng thế hệ học trò đến bến bờ vinh quang, giúp họ trở thành những người chủ tương lai của nước nhà. Niềm vui và hạnh phúc của nhà giáo không gì hơn ngoài sự tiến bộ, thành đạt của học trò. Động cơ của người làm nghề giáo không phải là mục đích kinh tế thuần túy mà là động cơ giáo dục. Nghĩa là việc dạy học phải theo nhu cầu của xã hội, phải đáp ứng được lợi ích của Nhân dân, vì sự mưu cầu hạnh phúc cho con người…
Đặc biệt, người thầy giáo phải rất quan tâm đến phương pháp nêu gương, bởi theo Bác: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”, “Giáo dục được người thầy giáo, được cả một thế hệ”; do đó, tấm gương của nhà giáo có tác dụng giáo dục học sinh rất lớn. Thầy giáo tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy giáo xấu thì ảnh hưởng xấu. Một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi theo; ngược lại một hành vi xấu của người thầy có thể làm tổn thương, làm mất niềm tin cả một lớp người.
Có thể nói, những tư tưởng sâu sắc về sự nghiệp “trồng người” nói chung và về nghề dạy học nói riêng, cùng với nhân cách vô cùng cao đẹp và mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa Người lên vị trí một nhà giáo dục vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Những cống hiến rất to lớn của Người đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở nước ta không chỉ mang giá trị thời đại và ý nghĩa lịch sử của dân tộc Việt Nam, mà còn của cả nhân loại.