Tháng 9/1910, Nguyễn Tất Thành trở thành thầy giáo trẻ nhất dạy học tại đây, năm đó ông chỉ mới 20 tuổi. Tại trường, thầy giáo Thành dạy chữ Quốc ngữ, chữ Hán và cả thể dục thể thao...
Trường Dục Thanh, nơi Bác Hồ từng sống và dạy học. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
Hàng năm, cứ mỗi dịp tháng 5 về, ngôi trường Dục Thanh nằm kề bên bờ sông Cà Ty, thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) lại tấp nập người đến viếng thăm.
Nơi đây không chỉ được mọi người biết đến là nơi Bác Hồ từng dừng chân trong quá trình ra đi tìm đường cứu nước mà còn là nơi con cháu Bác học hỏi biết bao nhiêu kiến thức và đức tính cao cả của Người.
Trường Dục Thanh được xây dựng năm 1908, trong phong trào Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh nhằm mở mang dân trí.
Đây là ngôi trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ nhất Bình Thuận thời bấy giờ, do cụ Nguyễn Quý Anh và cụ Nguyễn Trọng Lội (con trai nhà yêu nước Nguyễn Thông) thành lập.
Trường dạy chữ Quốc ngữ, bên cạnh đó còn dạy thêm chữ Hán, chữ Pháp; cả trường có khoảng 50-60 học sinh.
Tháng 9/1910, Nguyễn Tất Thành trở thành thầy giáo trẻ nhất dạy học tại đây, năm đó ông chỉ mới 20 tuổi. Tại trường, thầy giáo Thành dạy chữ Quốc ngữ, chữ Hán và cả thể dục thể thao...
Thầy còn nhận dạy tiếng Pháp khi giáo viên Pháp văn vắng mặt. Tháng 2/1911, người thanh niên ấy rời Trường Dục Thanh ra đi, tiếp tục theo đuổi lý tưởng của mình.
Nhà 'Ngư,' nơi nội trú của thầy và trò trường Dục Thanh. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
Khi Bác Hồ mất, để tưởng nhớ những nơi lưu dấu của Người, năm 1978, Trường Dục Thanh được con cháu cụ Nguyễn Thông giao lại cho Nhà nước quản lý, phục chế, trùng tu và hoàn thành năm 1980.
Những học trò ngày xưa của Bác đã từng kể với mọi người nơi đây rằng mặc dù ở lại dạy học trong thời gian ngắn nhưng Bác đã để lại tấm gương sáng của một người thầy giáo cho tất cả con cháu, giáo dục các thế hệ sau này noi theo.
Đó là ba phong cách, đức tính: thương yêu, gần gũi với học sinh; chịu khó tìm tòi, học hỏi, đọc sách báo; luôn hòa đồng với cuộc sống của nhân dân lao động nghèo Phan Thiết.
Không những thế, Trường Dục Thanh còn để lại ấn tượng tốt đẹp cho nhiều người, với chương trình giảng dạy tiến bộ so với các trường tư thục cùng thời. Đó là giáo dục lòng yêu nước, dạy chữ quốc ngữ, đưa môn thể dục thể thao vào dạy chính khóa và là trường nội trú đầu tiên của tỉnh Bình Thuận.
Ghi nhớ công ơn của Bác, năm 1983, Bảo tàng Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng bên cạnh Khu di tích Trường Dục Thanh và khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Người, ngày 19/5/1986.
Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận được xây dựng liền kề trường Dục Thanh vào năm 1983. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
Nhà trưng bày có một gian trang trọng dành để tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi đây thường được mọi người đến viếng, báo công và làm lễ kết nạp Đoàn, Đảng...
Phần còn lại là không gian trưng bày, giới thiệu đầy đủ về tiểu sử, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình cảm của Bác với nhân dân Bình Thuận cũng như lòng biết ơn và tôn kính của nhân dân Bình Thuận đối với Người.
Hàng năm, ngoài sưu tầm các hiện vật, tài liệu, hình ảnh liên quan đến Bác, Bảo tàng Hồ Chí Minh còn sưu tầm những hình ảnh, hiện vật của các ngành, địa phương Bình Thuận thực hiện theo Di chúc của Người.
Hiện nay, Bảo tàng đang trưng bày khoảng 700 hình ảnh, hiện vật, tài liệu, sa bàn, bản đồ... về tiểu sử, sự nghiệp của Bác Hồ và địa phương.
Trường Dục Thanh đã trở thành nơi giáo dục tư tưởng, ý thức của thế hệ trẻ noi theo tấm gương của Bác. Nơi đây không chỉ trở thành điểm du lịch nổi tiếng với vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn là nơi du khách đến để được tận mắt nhìn thấy một quãng thời gian Bác đã dạy học tại đây, được chiêm ngưỡng những kỷ vật về Bác, để báo công dâng lên Người, để được thắp một nén nhang tưởng nhớ đến người Cha già dân tộc...