Xây dựng văn hóa học đường là giáo dục học sinh hướng tới hệ giá trị cốt lõi về văn hóa, đạo đức, lối sống của quê hương, đất nước thông qua các tiết học, các tiết sinh hoạt dưới cờ.
Văn hóa dân tộc: Giáo dục học sinh truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, tương thân tương ái, tôn sư trọng đạo, ý thức cộng đồng, tinh thần đoàn kết ,...
Giáo dục văn hóa học đường thông qua các tiết sinh hoạt dưới cờ
Văn hóa địa phương: Giáo dục học sinh các giá trị văn hóa làng nghề truyền thống;...
Văn hóa nhà trường: Tạo dựng và nuôi dưỡng “bầu không khí” cởi mở, dân chủ, đoàn kết, hợp tác, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau; xây dựng quy chế văn hóa chuẩn mực: văn hóa chào hỏi, văn hóa cảm ơn, văn hóa đọc, văn hóa ăn mặc, văn hóa giúp đỡ nhau trong học tập và cuộc sống, văn hóa tiết kiệm, văn hóa xếp hàng....
Giáo dục Đạo đức: Giáo dục tình thương, lòng nhân ái, trọng nghĩa, trọng tình, trung thực, đoàn kết, cần cù,...; giáo dục xây dựng ý thức sống và làm việc theo pháp luật (từ việc thực hiện đúng nội quy của nhà trường; quy định an toàn giao thông,...); giáo dục đạo đức nghề nghiệp và tác phong công nghiệp, hiện đại.
Giáo dục Lối sống: Giáo dục nhận thức, hành vi, thói quen của lối sống văn minh, tiến bộ, phù hợp với bản sắc dân tộc; giáo dục lối sống năng động, chủ động, sáng tạo; sống có bản lĩnh; lối sống đẹp (có lý tưởng, hoài bão, ước mơ), sống vui khỏe, sống có ích,... đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội.
Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục văn hóa, lịch sử của địa phương trong nhà trường.
Tích cực tổ chức, tham gia các cuộc thi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp, vai trò của các danh nhân văn hóa, lịch sử địa phương; các hoạt động giao lưu, tọa đàm, nói chuyện truyền thống với các cựu chiến binh, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - những “nhân chứng sống" của lịch sử nhân dịp các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước.
Tổ chức các chương trình giáo dục truyền thống văn hóa cho học sinh nhân dịp Tết Trung thu, Tết cổ truyền dân tộc bằng các hoạt động trải nghiệm mang đến cho các em không gian “học mà chơi, chơi mà học” đầy thú vị và bổ ích.
Tổ chức các hoạt động xã hội, tình nguyện, hoạt động lao động tập thể, chăm sóc các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn.
Thường xuyên phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ngành Văn hóa các cấp trong công tác giáo dục văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng của địa phương thông qua chương trình, chủ điểm, hoạt động Đoàn, Đội trong nhà trường.
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, lấy nền tảng nhân cách, cảm xúc, thẩm mỹ, phát triển con người là mục tiêu quan trọng
Chú trọng giáo dục toàn diện cả đức, trí, thể, mỹ, phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các Câu lạc bộ sở thích, tài năng; đẩy mạnh quản lý nề nếp dạy học, chất lượng dạy và học thực chất; tạo sân chơi trí tuệ để học sinh phát huy tài năng, sự sáng tạo.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm - lương tâm nghề nghiệp của giáo viên, phát huy vai trò nêu gương của thầy cô giáo về đạo đức, trí tuệ, hành vi ứng xử. Xây dựng văn hóa trong môi trường giáo dục tạo chuyển biến mạnh mẽ nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, hình thành thói quen đọc sách cho giáo viên và học sinh.
Thực hiện hiệu quả quy định Bộ quy tắc ứng xử trong trường học; Chú trọng công tác tư vấn học đường, giáo dục kỷ luật tích cực, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp ứng xử; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập, rèn luyện, phát triển bản thân.
Tóm lại, xây dựng văn hóa học đường chính là tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh, hạnh phúc cho học sinh phát triển và hoàn thiện nhân cách.