Văn hóa ứng xử là một biểu hiện của giao tiếp, là sự phản ứng của con người trước sự tác động của người khác với mình trong một tình huống nhất định được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, cách nói năng của con người nhằm đạt kết quả tốt trong mối quan hệ giữa con người với nhau.
Văn hóa ứng xử chính là những đặc điểm tính cách của cá nhân được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, lời nói của từng cá nhân trong giao tiếp xã hội. Vậy cần làm gì để xây dựng văn hóa ứng xử và hành vi ứng xử có văn hóa trong môi trường học đường cho các bạn học sinh?
Đó là điều mà cán bộ, giáo viên trường Tiểu học Đoàn Khuê rất chú trọng.
Trong nội quy đầu năm học và trong các buổi sinh hoạt tập thể hay chuyên đề ngoại khóa, nhà trường luôn tuyên truyền tới các bạn học sinh những quy tắc ứng xử văn hóa giúp HS được trang bị nét phong cách nổi bật của HS TH Đoàn Khuê: Lễ phép, thân thiện, trung thực và trách nhiệm. Ví dụ như:
a. Giao tiếp ứng xử giữa học sinh với cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường:
Khi giao tiếp với cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường, học sinh phải:
- Lễ phép, kính trọng, chào hỏi và xưng hô đúng phép tắc. Không được nói trống không, không được vô lễ, xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường.
- Đảm bảo lời nói chính xác, trung thực. Không được nói dối.
- Thể hiện sự thân thiện nhưng không ngang hàng. Không được nhạo lời nói, dáng dấp cử chỉ của thầy, cô giáo, của cán bộ công nhân viên hoặc của người khác.
- Khi phạm lỗi đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên phải nghiêm túc nhận lỗi và sửa chữa sai phạm.
b. Giao tiếp ứng xử giữa học sinh với học sinh
- Phải dùng ngôn ngữ giản dị, rõ ràng, trong sáng, thái độ vui vẻ hòa đồng, lịch sự. Không dùng ngôn ngữ thô tục, ẩn ý, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bạn bè và của người khác; không nói tục, chửi thề.
- Không dùng lời lẽ đùa nghịch quá trớn, không nhạo lời nói hoặc dáng dấp của bạn để gây bực tức, bất bình cho bạn và có thể dẫn đến mất đoàn kết, xích mích, gây gỗ, đánh nhau.
- Giao tiếp phải thể hiện sự khiêm tốn, tế nhị, có văn hóa, không khí hòa bình – thân thiện – ám áp, thể hiện đạo đức, phong cách người học sinh. Không khiêu khích, hách dịch, lên giọng “đàn anh, chị” hoặc bất kỳ biểu hiện nào thiếu văn hóa
- Trong giao tiếp phải thể hiện tính trung thực, khoan dung, độ lượng, lòng nhân ái. Không phân biệt địa giới, chia rẽ học sinh xã này xã khác.
- Mỗi học sinh đều tâm niệm “Tập thể lớp là một gia đình” và “Nhà trường là một đại gia đình”, luôn luôn mong muốn và góp phần xây dựng để “gia đình” là điểm tựa, nguồn vui, niềm tin, niềm tự hào cho từng học sinh mỗi ngày đến trường.
Mỗi học sinh phải:
- Luôn luôn có ý thức phấn đấu, vươn lên về mọi mặt.
- Biết vâng lời thầy, cô giáo, cán bộ công nhân viên và nghiêm chỉnh thực hiện nội quy, quy chế trường học.
- Tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức, có lối sống lành mạnh, trung thực, giản dị, hòa đồng với tất cả bạn bè cùng lớp, cùng trường
- Chấp hành nghiêm túc pháp luật, các quy định về trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông. Hiểu biết và tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
- Không che dấu khuyết điểm của bản thân, không bao che khuyết điểm cho bạn. Hưởng ứng và tích cực tham gia chống mọi hành vi tiêu cực trong học tập, kiểm tra, thi cử.
Việc xây dựng văn hóa học đường góp phần đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.
Đồng thời bảo đảm định hướng giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, phát triển phẩm chất năng lực của người học; nâng cao đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.