Ngày 19/8/1945 đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi – Cách mạng Tháng Tám thành công,đánh dấu việc kết thúc chế độ thực dân và phong kiếnmở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội,với việc thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Đây là sự kiện quan trọng không chỉ trong lịch sử Việt Nam mà còn trong lịch sử chống thực dân và phong kiến toàn cầu.
Cách đây 79 năm, với lực lượng cách mạng đã được tổ chức, chuẩn bị chu đáo, chớp thời cơ “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã vùng dậy, tiến hành Tổng khởi nghĩa thành công, lập ra chính quyền cách mạng trên toàn quốc. Sau khi cách mạng giành được thắng lợi, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với đồng bào trong nước và nhân dân thế giới khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đưa nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do, dân chủ.
Ngay từ những năm đất nước chưa thống nhất, lễ kỷ niệm cách mạng tháng Tám đã được quan tâm và chú trọng, phản ánh tầm quan trọng của sự kiện này trong lịch sử dân tộc. Các chỉ thị và chính sách từ lãnh đạo Trung ương về việc kỷ niệm cách mạng tháng Tám đã được ban hành để hướng dẫn các cấp chính quyền và các tổ chức tiến hành các hoạt động phù hợp, đảm bảo sự nhất quán và hiệu quả.
Dưới đây là một số văn bản nổi bật về việc tổ chức kỷ niệm cách mạng tháng Tám trong thời kỳ đất nước chưa thống nhất của Ban Chấp Hành Trung Ương và Ban Chấp Hành Nam Hà đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ tỉnh Nam Định, trân trọng giới thiệu đến quý độc giả:
Thông tri số 240 TT/TW ngày 14-9-1969 của Ban Chấp Hành Trung Ương về việc kỉ niệm lần thứ 24 Cách mạng tháng Tám và Quốc Khánh 2-9
Chỉ thị số 02-CT/TƯ ngày 12/8/1975 của Ban Chấp Hành Nam Hà về việc Tổ chức kỉ niệm lần thứ 30 ngày Cách mạng tháng Tám thành công và ngày thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Dù trong hoàn cảnh khó khăn và đất nước chưa thống nhất, việc kỷ niệm cách mạng tháng Tám vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy tinh thần cách mạng, đồng thời tạo động lực cho cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước. Các hoạt động kỷ niệm không chỉ là sự tri ân mà còn là một phần quan trọng trong việc tuyên truyền giáo dục lý tưởng cách mạng, củng cố lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết trong nhân dân.
Kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng tháng Tám là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống hào hùng và vô cùng vẻ vang của dân tộc, qua đó góp phần phấn đấu xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với niềm tin yêu và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.