“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây vào đất
Mà mang cho đời trái ngọt, hoa tươi”
Mỗi khi giai điệu ngọt ngào, trong trẻo của bài hát ấy ngân lên, lòng tôi lại bồi hồi, xao xuyến nhớ về hình ảnh một người chị, người đồng nghiệp, người giáo viên luôn tâm huyết với “Nghề gieo hạt ”, đó là cô giáo Lý Thị Bích Liên- Tổ phó chuyên môn- GVCN lớp 1A2 trường Tiểu học Đoàn khuê. Cô là một giáo viên dạy giỏi - một người thầy- người mẹ - người bạn gần gũi và dành tình thương yêu vô bờ bến cho các con học sinh thân yêu. Đối với tôi, cô luôn nhẹ nhàng, biết quan tâm và chia sẻ với những đồng nghiệp xung quanh mình, ai cũng yêu quý và trân trọng tình cảm của cô.
Trong hơn 20 năm phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo, cô Lý Thị Bích Liên đã có hơn 10 năm gắn bó với các con học sinh lớp Một. Đặc thù khi chủ nhiệm lớp Một là đồng nghĩa với việc sẽ luôn phải đi sớm, về muộn hơn, cần sự kiên trì và tỉ mỉ hơn, bên canh đó còn đòi hỏi lòng kiên trì, nhẫn nại với những học trò vừa bước qua ngưỡng cửa trường mầm non; các con còn chưa quen nếp sinh hoạt tự lập; cần được chỉ dẫn, bảo ban thật nhiều… Các con như những bầy chim non, ngỡ ngàng với kho kiến thức khổng lồ trước mặt. Điều đó đòi hỏi bản thân cô giáo phải thật kiên trì, nhiệt tình, tâm huyết thì mới mong đạt kết quả như ý muốn. Tất cả những điều này cô giáo Liên đã trải qua, đã thực hiện và biết bao nhiêu thế hệ học trò dưới sự dìu dắt của cô đã trưởng thành cả về tri thức lẫn kĩ năng sống.
Với một học sinh bình thường, mỗi ngày đến trường luôn là một ngày vui với bao điều mới lạ và mong muốn được khám phá, trải nghiệm với những kiến thức mới…Tuy nhiên, với những học sinh thuộc diện hòa nhập, mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày khó khăn với tâm lý bất ổn của các con, với sự vất vả gian nan trên con đường “đi tìm con chữ”. Luôn đồng hành với những học sinh có số phận kém may mắn ấy, cô Liên đã dành những sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ đặc biệt với tình yêu thương rộng lớn của người thầy, người mẹ, sự sẻ chia chân thành của người chị, người bạn với các con. Cô luôn ân cần chỉ bảo, dạy dỗ, động viên tinh thần giúp các con có nghị lực vươn lên trong học tập, cũng như trong cuộc sống.
Tôi được biết, trong số các học trò đặc biệt ấy, điển hình có Nguyễn Tùng Lâm sinh năm 2011, mãi đến năm 3 tuổi con mới bập bẹ tập nói, kĩ năng giao tiếp rất hạn chế, khả năng tiếp thu kiến thức hầu như không có. Kết quả khám sức khỏe cho thấy con bị rối loạn tự kỉ, chậm phát triển trí tuệ, khó khăn trong giao tiếp và nói được rất ít từ, phát âm còn ngọng, không tròn tiếng…Vì vậy, đến năm 2017, dù đã đến tuổi đi học, bản thân con cũng chưa sẵn sàng đến lớp, gia đình bất lực, không có biện pháp và đành để con ở nhà.
Khi nắm được thông tin trên, vào năm 2018, cô Liên đã đến tận nhà vận động, thuyết phục gia đình cho con đến lớp để hòa nhập với các bạn. Cảm động trước lòng nhiệt tình, tâm huyết của cô, gia đình Lâm đồng ý cho con đến trường và xin vào lớp 1A6 do chính cô Liên làm giáo viên chủ nhiệm. Cô không hề ngại khó, ngại vất vả..chỉ mong sao con được hòa nhập cùng các bạn, được bù đắp một chút sự thiệt thòi của bản thân em. Gia đình Lâm lúc đầu chỉ xác định: Đưa cậu đến trường cho vui vì Lâm không biết giao tiếp, nói quá ngọng, không biết cách trả lời. Thậm chí, một số kĩ năng cơ bản như lấy sách vở, mở nắp bút, gắp thức ăn…con cũng chưa tự làm được một mình.
Qua tìm hiểu, cô Liên đã lập kế hoạch riêng để giúp đỡ cậu học trò nhỏ đáng thương này. Hành trình của cô cùng với Lâm bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như hướng dẫn cầm bút, rót nước hay vệ sinh cá nhân…. Cô Liên luôn trìu mến, ân cần trong mỗi ngày con đến lớp học tạo sự thích thú cho con khi đến trường, luôn nắm tay con vào lớp là việc làm hàng ngày của cô, ngồi chung ghế với con… Trong những giờ ra chơi, cô luôn dành thời gian tâm sự với Lâm, chỉ để Lâm cảm thấy an tâm và không sợ hãi. Cô hướng dẫn em cách nhận biết các loại sách vở, lấy đồ dùng cho từng môn học. Cô còn kiên trì rèn cho Lâm kĩ năng giao tiếp, bước đầu là để trả lời đúng nội dung câu hỏi “có, không”. Để giúp Lâm ghi nhớ âm và số, cô dùng khẩu hình, dùng tay để làm động tác, dùng kí hiệu.…Để luyện phát âm, cô Liên cũng kiên trì làm mẫu: cô dùng kí hiệu, vẽ, viết vào bảng để Lâm nhớ và làm theo. Việc luyện viết: cô trò hết viết bảng rồi viết giấy, viết vở. Mỗi khi cậu nhớ và phát âm được một âm, một từ, cô trò ôm nhau vui sướng. Nhìn hình ảnh xúc động đấy, mỗi chúng tôi ai nấy đều xúc động nghẹn ngào.
![Nhấn vào ảnh để phóng to](https://8486d3381d.vws.vegacdn.vn/UploadFolderNew/SGDLongBien/Image/thdoankhue/2022_4_image/11_10042022(1).jpg?w=1130)
Là giáo viên lớp Một, bản thân đã rất vất vả vì các con còn quá bé để có thể tự phục vụ cho bản thân, bên cạnh đó lại thêm việc quản lí cậu học trò đặc biệt này thì thật sự là quá vất vả khó khăn đối với cô… Với tình yêu thương rộng lớn, sự dày công chỉ bảo dạy dỗ của cô và nỗ lực của bản thân, cuối năm học của lớp Một, cậu học trò cưng Tùng Lâm đã biết đọc, biết viết. Với sự tiến bộ vượt bậc ngoài mong đợi của con, bố mẹ rất mong mỏi năm học 2019-2020, lại được gửi gắm con theo cô. Sau năm học đó, Lâm đã biết viết, biết làm tính đơn giản, đã giao tiếp với cô và các bạn ở mức độ đơn giản.
“Vì lỡ yêu thích nghiệp lái đò
Chỉ mong truyền dạy, học trò thành công”
Duyên với nghề, trong năm học tiếp theo, cô lại “bén duyên” với cô học trò mới Nguyễn Vũ Phương Ngân. Ngân là cô bé cũng khá đặc biệt: con vừa tự kỉ, vừa hạn chế về khả năng tiếp thu lại không kiểm soát được hành vi, làm việc tùy hứng và rất nghịch ngợm… Khi vừa bước chân vào lớp, con đã có biểu hiện không thích học, hay khóc đòi mẹ…thậm chí quậy phá không cho các bạn học. Trong mỗi giờ học, con không chú ý nghe cô giảng, hết nghịch đồ dùng của bạn lại nằm ngủ tùy tiện trên bàn. Giờ ra chơi, con thường xuyên gom đồ của cô để trên bàn mang ra nhà vệ sinh để rửa rồi tự ý chạy ra nghịch nước. Những hôm không nghịch trong nhà vệ sinh, Ngân lại trốn ra sau trường để đào bới, nghịch đất cát, bốc bỏ túi hoặc tung lên bụi mù rồi cười thích thú…
Xác định đây là trường hợp đặc biệt, một “ca khó” nhất trong số các học sinh đặc biệt mà mình chủ nhiệm, đặc biệt lại là học sinh nữ, cô Liên đã lập kế hoạch riêng với Ngân. Cô dành thời gian nhiều hơn để gần gũi trò chuyện, để con được giao tiếp, bớt nhớ mẹ. Cô luôn ân cần hướng dẫn con những việc làm nhỏ nhất từ cách lấy và cất đồ dùng, rửa tay, cách đi và sử dụng thiết bị trong nhà vệ sinh. Nhiều khi cô phải giám sát việc Ngân đi vệ sinh để con không nghịch và không bị ướt quần áo…Cứ thế, công việc cuốn hút cô đi theo quỹ đạo: “một cô - một trò” lúc nào cũng như đôi bạn thân thiết, đi đâu cũng luôn có nhau. Tuy rất vất vả, nhưng cô chẳng hề kêu ca, than phiền mà cứ lầm lũi làm công việc chăm lo, dạy dỗ con ngày này qua ngày khác. Cô tận dụng thời gian nghỉ giải lao và ở lại cuối buổi để kèm cặp riêng Ngân học. Với một học trò không thích học, khả năng tiếp thu bị hạn chế thì quả là điều không dễ chút nào. Để Ngân hiểu, đọc viết được con chữ là chặng đường đầy gian nan, thử thách, đòi hỏi ở cô nghị lực và lòng kiên nhẫn phi thường. Cô đã không ngần ngại cầm tay, dạy Ngân bằng những thao tác đơn giản và riêng biệt. Hết học kì 1, bao công sức và tâm huyết của cô vẫn không lay chuyển được cô bé Ngân đặc biệt này. Kết quả là Ngân không thuộc âm, không nhớ số mà cũng chẳng buồn học hay giao tiếp với ai. Thậm chí, khi có cơ hội, Ngân lẻn đi trốn nhiều nơi làm cô không ít lần phải đi tìm…Đôi lúc, cô cũng thật sự thấy nản. Bao công sức của mình đổ sông đổ bể ư … Chẳng lẽ ta lại bất lực …Nhưng rồi bằng tình thương vô bờ bến của người mẹ, cô lại lao vào “trận chiến”, quyết tâm kéo cô bé ra khỏi “vùng tối” của hiện tại.
“Cô nâng cây bút, cầm tay
Bảo em nắn nót cho ngay thẳng hàng
Lòng cô như mẹ chứa chan
Giúp em chải tóc, sửa sang dáng ngồi”
Có lẽ “nước chảy, đá mòn”, sau một thời gian dài, khi việc được cô kèm cặp đã thành nếp, Ngân đã đỡ nghịch, không ngủ tự do nữa thì cũng là lúc cô bé “dính như sam” với cô giáo chủ nhiệm của mình. Cô đi đâu Ngân cũng lẽo đẽo theo sau, không rời nửa bước…mẹ Liên đã luôn có trong tâm trí của Ngân từ lúc nào, không biết có phải do thói quen gần gũi với cô hàng ngày hay sự cảm mến cô giáo đã hết lòng yêu thương, chăm sóc mình của bé Ngân mà em đã thay đổi hoàn toàn như thế. Cứ vậy cô Liên lại tiếp tục rèn luyện để Ngân tách khỏi sự khác biệt, tự lập hơn trong mỗi giờ học. Không những luôn chăm lo, dạy dỗ các thế hệ học trò nên người, cô còn luôn tích cực, đi đầu trong các họat động đỡ đầu các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của lớp, của trường.
“Người chèo dẫu có nắng mưa
Vượt qua sóng dữ vẫn đưa học trò”
Không chỉ say sưa, miệt mài với những học sinh đặc biệt, cô Liên luôn tâm huyết với nghề, tận tụy, hết mình trong mọi việc. Trong công tác giảng dạy cô luôn vững vàng và sẵn sàng chia sẻ mọi kinh nghiệm với đồng nghiệp, đặc biệt là đội ngũ giáo viên trẻ mới vào nghề. Cô không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, luôn tìm tòi, sáng tạo trong việc ứng dụng Công nghệ thông tin vào bài dạy. Đặc biệt, với bài giảng Elearning do cô thiết kế đã được Thành phố đánh giá rất cao và được gửi dự thi cấp Quốc gia.
Năm học 2020 - 2021 là năm học với bao thăng trầm, việc thay sách giáo khoa mới làm cô trò vất vả là thế mà cô vẫn miệt mài xây dựng kho thư viện giáo án điện tử của Khối lớp 1 để tham gia “Ngày hội Công nghệ Thông tin” cấp Quận. Cuối năm học, cô được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ngoài ra cô còn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ở trường, cô là một giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề. Ở nhà, cô là người mẹ hiền, vợ đảm: cô vừa đi dạy vừa chăm sóc hai con chu đáo để chồng yên tâm công tác. Con gái lớn của cô thi đậu 2 trường Đại học năm 2020 với số điểm rất cao 26,5 điểm. Con thứ hai học lớp 4, luôn là cô bé chăm ngoan, hiếu thảo, năm nào cũng là học sinh Xuất sắc của trường Tiểu học Việt Hưng. Năm học 2021- 2022 con chuyển sang trường mới cùng mẹ- Tiểu học Đoàn Khuê, ngôi trường mang tên một vị Đại tướng.
Cứ thế, cô đã vươn lên từ tình yêu nghề, mến trẻ và luôn dành hết tâm huyết cho sự nghiệp trồng người của mình.
“Miệt mài hướng tới tương lai
Say sưa gieo hạt, nối dài ước mơ”
Với bản tính hiền hậu, kiên nhẫn, cần cù, luôn hòa nhã với mọi người, hết lòng vì học sinh thân yêu, cô Liên luôn được đồng nghiệp quý mến, cha mẹ học sinh tin yêu. Rất nhiều học sinh diện hòa nhập được cô Liên yêu thương, giúp đỡ như: Vũ Bích Phương (tổ 5- Đức Giang), Nguyễn Hải Nam (tổ 12 - Việt Hưng), Hoàng Minh Quân (tổ 9 - Việt Hưng), Lưu Trung Thành (tổ 3 - Việt Hưng), Trần Minh Hậu (tổ 8 - Việt Hưng), Nguyễn Ngọc Gia Như (tổ 5 - Việt Hưng), Nguyễn Ngọc Tuệ Như (tổ 5 - Việt Hưng), Nguyễn Tùng Lâm ( tổ 5 - Việt Hưng, Nguyễn Vũ Phương Ngân (tổ 6 - Việt Hưng)…và còn biết bao thế hệ học sinh đặc biệt qua sự dìu dắt, chỉ bảo của cô đã trưởng thành lên rất nhiều..
Có lẽ mỗi khi nói đến người đồng nghiệp cô giáo Lý Thị Bích Liên- là chúng tôi nghĩ ngay đến hình ảnh một người giáo viên đầy sự tâm huyết và tận tâm với nghề, là người có lòng nhiệt huyết và tình thương yêu học trò vô bờ bến.
Năm học này thật đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch Covid các con học sinh phải tạm ngừng đến trường, đây là một khó khăn thách thức cho những người thầy đặc biệt là giáo viên lớp Một. Các con học sinh không được gặp gỡ thầy cô, bạn bè trực tiếp, chưa có thói quen học tập. Lúc này đây để thực hiện mục tiêu kép đó là vừa chống dịch và vừa học tập thì điều người giáo viên cần quan tâm không chỉ là việc học tập của các con được duy trì như thế nào, mà đằng sau đó là những yếu tố sức khỏe thể chất, tâm lý và tinh thần của các con. Năm học này cô Liên về công tác tại trường Tiểu học Đoàn Khuê một ngôi trường mới thành lập cùng với sự phát triển của nhà trường cũng đã và đang và luôn phấn đấu xây dựng Trường học hạnh phúc. Với bao khó khăn thử thách là thế nhưng vẫn không làm cô giáo Bích Liên cùng với tập thể giáo viên nhà trường không nản lòng mà luôn phấn đấu, trau dồi chuyên môn để có những giờ học hay, tạo hứng thú cho học trò khi học Online. Không dừng lại ở đó cô Liên còn xây dựng cho mình một lớp học hạnh phúc theo cách của riêng của mình. Cô nói: “Lớp học hạnh phúc là lớp học được xây dựng lên từ trái tim biết cho đi yêu thương”. Chính vì vậy mà lớp học của cô luôn tràn ngập tiếng cười. Đã bước sang tháng tư, một năm học lại sắp đi qua, cô giáo Bích Liên cùng đồng nghiệp chúng tôi lại sắp hoàn thành một chuyến đò - một chuyến đò với bao khó khăn và thử thách. Nhưng chúng tôi tin, bằng lòng nhiệt huyết, tình yêu nghề và hành trang tri thức sẽ giúp chúng tôi đào tạo ra những lứa học trò có tâm- có tầm- có tri thức. Tôi luôn thầm chúc cô Bích Liên thật nhiều sức khỏe, luôn tâm huyết và đồng hành cùng học sinh thân yêu và cùng tập thể nhà trường Tiểu học Đoàn Khuê hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.