Tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ học sinh tại Hà Nội đã được đi học trực tiếp. Bên cạnh sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy thì bữa ăn học đường cũng là mối quan tâm của không chỉ nhà trường mà cả các bậc phụ huynh. Đáng nói, sau khoảng 1 tuần chuẩn bị, từ tuần này, phần lớn các trường tiểu học cũng đã tổ chức bữa ăn bán trú. Vấn đề kiểm soát chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được các nhà trường đặt lên hàng đầu.
Tại Trường tiểu học Đoàn Khuê, quận Long Biên, bữa ăn ngon miệng với tâm trạng vui vẻ của học sinh là kết quả của sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ ban giám hiệu nhà trường trong nỗ lực tổ chức bữa ăn bán trú.
Ngoài vấn đề hỗ trợ phụ huynh trong công tác đưa đón, chất lượng dinh dưỡng đối với học sinh vô cùng quan trọng. Vì là bữa ăn học đường nên phải chọn đơn vị liên kết uy tín. Đồng thời, chúng tôi phê duyệt thực đơn, giám sát, kiểm tra hồ sơ năng lực", Bà Trần Thị Phương Dung, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Khuê cho biết.
Với trẻ mầm non, đi học trở lại đồng nghĩa với việc các con sẽ ăn nhiều bữa tại trường. Tính toán lượng thực phẩm, tìm kiếm đơn vị cung ứng thực phẩm đảm bảo, ổn định là phần công việc được đội ngũ quản lý, bếp ăn của trường mầm non nhanh chóng thực hiện.
Đối với nhà cung cấp thực phẩm, trường dựa trên danh sách Sở Giáo dục đã duyệt, khảo sát, lựa chọn đơn vị theo tiêu chí sạch, an toàn để cung cấp cho trường. Khử khuẩn toàn bộ dụng cụ, bát đĩa trước và sau khi sử dụng, vệ sinh sạch sẽ khu vực bếp cũng là những tiêu chí các trường phải tuân thủ để trẻ có bữa ăn học đường đủ chất, ngon miệng, an toàn. Tuỳ từng khối lớp, bữa ăn học đường, thiện cung cấp một nửa, thậm chí là 2/3 lượng dinh dưỡng trẻ cần để đảm bảo hiệu quả học tập, sinh hoạt trong một ngày.