1. Thế nào là “Trường học hạnh phúc”?
Bản thân tôi hiểu muốn xây dựng được Trường học hạnh phúc thì trước hết mỗi học sinh đến trường phải cảm thấy hạnh phúc, một lớp học hạnh phúc, mỗi cán bộ giáo viên cũng vậy, tất cả hợp lại thì mới có Trường học hạnh phúc. Vấn đề này thầy Hiệu trưởng nhà trường cũng đặc biệt lưu tâm và luôn thực hiện sát sao. Để các Thầy, cô và Học sinh đều cảm thấy “ Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Mỗi giáo viên đã cùng với ban giám hiệu nhà trường xây dựng bộ tiêu chí đó và duy trì suốt nhiều năm qua. Đồng thời chúng tôi cũng xây dựng tiêu chí thầy cô hạnh phúc và hàng tháng đều có đánh giá mức độ tín nhiệm của từng giáo viên, nó thể hiện được sự hạnh phúc, tín nhiệm của học sinh cũng như ban giám hiệu nhà trường.
Bên cạnh vấn đề chuyên môn, các thầy cô thường xuyên hỗ trợ nhau về mảng hoạt động giúp cho học sinh ngoài việc học kiến thức chính khóa còn có thêm nhiều giờ ngoại khóa, nhờ đó mà chỉ số hạnh phúc của các em cũng được tăng lên.
Từng giáo viên trong nhà trường luôn thực hiện nghiêm túc bộ tiêu chí đó, ngoài ra cũng cần phải có chuyên môn tốt, ứng dụng Công nghệ thông tin vào dạy học, quản lý học sinh ra sao, giờ học có hứng thú hay không…
Đối với giáo viên chủ nhiệm có một bộ tiêu chí khác phù hợp với từng đối tượng cũng như quản lý học sinh, đối với giáo viên bộ môn lại có tiêu chí khác. Nhưng có thể hiểu một cách đơn giản các tiêu chí hạnh phúc này cũng giống những nội quy, quy tắc ứng xử trong trường học và chúng tôi cũng đã thực hiện những việc này từ rất lâu rồi”.
2. Cần làm gì để xây dựng “Trường học hạnh phúc”?
2.1. Ngay từ đầu năm học mới, nhà trường cần tổ chức đối thoại với học sinh, tạo diễn đàn để các em giao tiếp, mạnh dạn trao đổi những tâm tư, nguyện vọng, nói lên những đề xuất, kiến nghị của mình. Tất nhiên, không phải chỉ dừng lại ở việc lắng nghe học sinh nói, kiến nghị hay đề xuất, mà quan trọng là lãnh đạo nhà trường, thầy cô giáo cùng các ban, các tổ chức đoàn thể trong nhà trường như: ban giám thị, ban tư vấn, Đoàn thanh niên, các tổ chuyên môn, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm... phải hành động để đáp ứng những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của học sinh.
Từ cán bộ quản lý đến mỗi giáo viên cần tận tụy, nói đi đôi với làm, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của học sinh, đồng thời giải trình để các em hiểu những ý kiến, đề xuất nào không đáp ứng được, lý do tại sao, bởi các em có quyền "được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội", các em chính là đối tượng trung tâm và là chủ nhân của "trường học hạnh phúc".
2.2. Nhà trường phải thường xuyên tổ chức các buổi tiếp học sinh, phụ huynh học sinh để kịp thời nắm bắt về hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của các em nhằm phối hợp với gia đình trong giáo dục học sinh. Đặc biệt là hoạt động của phòng tư vấn tâm lý học sinh phải đi vào chiều sâu, giáo viên làm công tác tư vấn không chỉ nhiệt tình, tâm huyết, yêu thương học trò mà còn phải hiểu biết nhiều lĩnh vực kiến thức, được tập huấn kỹ năng tư vấn... để có thể giúp học sinh tháo gỡ những vướng mắc, định hướng thái độ, hành vi cho các em trong việc xử lý những tình huống trong thực tiễn. Trên thực tế, không phải học sinh nào khi gặp khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống cũng mạnh dạn, dám đối diện với giáo viên tư vấn để trao đổi, chia sẻ.
2.3. Đoàn thanh niên cần thành lập các CLB, đội, nhóm như: CLB văn nghệ, CLB cán bộ Đoàn, CLB âm nhạc, phát thanh, báo bảng, nhiếp ảnh, đội tự quản..., đồng thời đa dạng hóa các hình thức hoạt động để tạo những sân chơi bổ ích, lý thú giúp các em thể hiện được khả năng của bản thân, hình thành những kỹ năng mềm quan trọng, hữu ích.
2.4. Giáo viên chủ nhiệm phải yêu thương và có trách nhiệm cao với học sinh, biết gắn kết và xây dựng tập thể lớp chủ nhiệm đoàn kết, biết quan tâm, yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ nhau..., để mỗi ngày các em đến lớp học với niềm vui, yêu bạn bè, thầy cô, mái trường.
2.5. Nhà trường cần khuyến khích học sinh trồng và chăm sóc cây xanh, tạo thêm những không gian xanh trong lớp học, trường học, vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn; xây dựng ngôi trường không có khói thuốc lá; căngtin nhà trường phải luôn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... Nhà trường phải thắt chặt an ninh, phối hợp chặt chẽ với công an địa phương trong việc bảo đảm trật tự an toàn trường học, không để cho ma túy và tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường học.
2.6. Thư viện nhà trường luôn cập nhật những cuốn sách, tài liệu, "cẩm nang" liên quan đến tuổi trẻ học đường, luôn mở rộng cửa chào đón các em, giúp các em có thêm sự hiểu biết để phát triển một cách tự nhiên và ươm mầm cho ước mơ, khát vọng của tuổi trẻ.
2.7. Ngoài ra, nhà trường cần thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên đề về đạo đức nhà giáo, tiếp tục triển khai có hiệu quả các cuộc vận động: "Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", "Xây dựng nhà trường văn hóa - nhà giáo kiểu mẫu - học sinh thanh lịch"...
Tác giả: Đào Minh Khoa
Nhiệm vụ: Giáo viên Thể dục