Nụ cười của học sinh là hạnh phúc của tôi
Giáo dục đạo đức cho học sinh, cũng chính là giáo dục nhân cách con người. Với việc giáo dục học sinh cá biệt, tôi luôn được Ban giám hiệu nhà trường tạo điều kiện quan tâm giúp đỡ. Bên cạnh đó, sự phối hợp với phụ huynh học sinh cùng các ban ngành đoàn thể trong nhà trường đã tạo nên sự đồng bộ trong việc giáo dục các em phát triển toàn diện.
Dưới đây là một số kinh nghiệm của cá nhân tôi nhằm mục đích giáo dục cho những học sinh cá biệt tiến bộ. Tôi hi vọng rằng những điều tôi nêu sẽ giúp ích được cho các bạn đồng nghiệp trong quá trình dạy học.
Chúng ta đều nhìn thấy rất rõ đó là sự “thần tượng” thầy cô trong ánh mắt của trẻ. Thầy cô là điểm sáng, thầy cô luôn đúng. Các em dễ tin, dễ nghe theo lời dạy bảo của thầy cô. Do đặc thù của cấp Tiểu học, phần lớn thời gian trong ngày, thầy cô được gần gũi, quan tâm tới học sinh. Ở trường bán trú, tôi không chỉ dạy học mà còn trực tiếp chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ cho học sinh. Do đó, tôi rất gần gũi với học sinh, có điều kiện để hiểu tâm sinh lý của các em.
Ở lứa tuổi lớp 4, các em dễ bị tự ái, nổi nóng và cũng dễ bị tiêm nhiễm cái xấu. Tâm lý học gọi lứa tuổi này là “tuổi học làm người lớn”. Các em dễ tiếp thu cái mới nhưng cũng chóng quên. Khả năng làm chủ bản thân chưa cao nên dễ bị những tác động bên ngoài lôi cuốn. Trong một lớp học cùng lứa tuổi nhưng tâm sinh lí các em cũng không giống nhau và có nhiều diễn biến về tâm lý phức tạp.
Năm học 2020 - 2021, lớp 4A6 của tôi có 49 học sinh. Trong đó có 1 học sinh mới chuyển từ trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng về. Đầu năm học giáo viên chủ nhiệm đã vất vả để xây dựng nề nếp lớp. Nhiều học sinh trong lớp có ý thức học tập và kỉ luật tốt, nhận thức khá nhanh nhưng cũng có đến gần một nửa lớp tiếp thu bài còn chậm, kĩ năng làm bài chưa thật tốt. Có 5 học sinh không được hưởng cuộc sống trọn vẹn trong một gia đình bình thường với đầy đủ sự chăm sóc yêu thương của cả bố và mẹ. Một số học sinh quá hiếu động, mải chơi, nhiều khi không hợp tác với thầy cô và bạn bè, có biểu hiện của tình trạng tăng động giảm chú ý. Có học sinh rất hay cáu gắt với mọi người xung quanh, đôi lúc có biểu hiện tiêu cực. Nhiều cha mẹ học sinh chưa coi trọng việc nhắc nhở con thường xuyên phải chăm chỉ để hoàn thành các nhiệm vụ học tập. Sách vở cũng như bài tập các môn học luôn ở trong tình trạng thiếu khá nhiều. Sau khi thu bài xong bao giờ tôi cũng phải làm công việc đó là đọc tên xem bạn nào đã nộp bài, nộp vở để tìm ra học sinh chưa hoàn thành bài, chưa nộp bài. Có một vài học sinh luôn thiếu bài. Giáo viên chủ nhiệm cũng như các cô giáo bộ môn liên tục phải thông báo về tới gia đình học sinh đó nhưng sau hàng tháng trời vẫn chưa thấy sự biến chuyển tốt. Tôi lại phải dành thời gian kèm các em hoàn thành bài vào các giờ ra chơi, cuối giờ học.
Qua một số năm công tác, tôi nhận thấy không khi nào giáo viên chúng ta được tiếp nhận một lớp với tập thể toàn những học sinh ngoan, phát triển toàn diện. Cho nên, với tấm lòng yêu nghề mến trẻ và nhiệt tình công tác, tôi mong muốn sẽ cảm hoá dần dần những học sinh cá biệt, giúp các em có một nếp nghĩ đúng đắn và kiến thức đầy đủ, làm hành trang tốt khi các em bước vào ngưỡng cửa Trung học cơ sở. Dưới đây là những biện pháp mà tôi dã thực hiện.
* Nắm băt tình hình lớp:
Với suy nghĩ ấy, vào đầu mỗi năm học, tôi thường điều tra thông tin qua phiếu điều tra, gặp gỡ những giáo viên đã trực tiếp giảng dạy các em ở các lớp dưới để nắm được đặc điểm của từng em, cũng như tìm hiểu về sức học và hoàn cảnh của từng em để có biện pháp phù hợp, nhằm giúp các em phát huy các năng lực sở trường đã có sẵn và ngăn chặn những hành vi không tốt xảy ra trong năm học mới. Cũng qua điều tra nắm thông tin như vậy, nên chỉ trong một tháng đầu sau khi nhận lớp, tôi đã nắm được đặc điểm khác biệt của từng em, cũng như mức độ khác biệt mà một số em mắc phải ở lớp dưới như: học sinh có dấu hiệu tăng động giảm chú ý, học sinh tiếp thu bài rất chậm, học sinh chưa có ý thức tự giác học tập, …Thông qua điều tra, nắm thông tin, tôi tìm ra những biện pháp phù hợp để giúp đỡ từng em cụ thể.
Ngay khi nhận lớp chủ nhiệm, tôi suy nghĩ làm thế nào để nhớ tên học sinh nhanh nhất, hiểu các em nhanh nhất. Việc đầu tiên tôi làm là tìm hiểu học sinh thông qua sơ yếu lí lịch với các nội dung như: ngày tháng năm sinh, nơi ở, sở thích, năng khiếu, nghề nghiệp của bố mẹ, là con thứ mấy trong gia đình có mấy con,... Nét tính cách của nhiều học sinh chịu tác động của hoàn cảnh gia đình. Tôi cố gắng nhanh chóng nắm được tâm lý từng em để có biện pháp giáo dục tích cực, giúp học sinh khắc phục điểm yếu, phát huy mặt mạnh.
* Xây dựng đội ngủ cán bộ lớp
Một trong những nguyên tắc giáo dục là giáo dục bằng tập thể, trong tập thể, vì tập thể. Giáo dục được tiến hành trong khi học tập, trong lúc vui chơi nên nhất thiết người giáo viên phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ lớp làm nòng cốt, là “cánh tay phải” của mình. Tôi chú ý bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lớp gồm: Lớp trưởng, hai lớp phó phụ trách lao động và học tập, lớp được chia làm 4 tổ, mỗi tổ bầu một em làm tổ trưởng, một em làm tổ phó. Sau khi bầu xong, giáo viên họp đội ngũ cán bộ lớp để phân công quán triệt rõ nhiệm vụ cho từng em, đồng thời cho các em tự đăng kí các danh hiệu thi đua của tổ và biện pháp thực hiện từ đó cả giáo viên và đội ngũ cán bộ lớp xây dựng được phương hướng giúp các bạn thực hiện tốt.
Lúc đầu, tôi phải hướng dẫn các em từng li, từng tí một. Việc xây dựng được một đội ngũ cán bộ lớp năng động, sáng tạo sẽ giúp cho giáo viên chủ nhiệm rất nhiều trong việc điều hành, quản lý lớp. Các em sẽ là những nhân tố tích cực trong các hoạt động của lớp, của trường.
* Giáo viên là tấm gương sáng về đạo đức, luôn thân thiện với học trò
Mỗi thầy cô giáo phải dạy các em biết kính trọng người lớn; biết cách thể hiện sự lễ phép bằng lời nói, cử chỉ, dạy các em ý thức giao tiếp; kết hợp với gia đình, làm sao để gia đình luôn là tấm gương để các em học tập; phát triển khả năng giao tiếp của học sinh trong tất cả các môn học, nhất là môn Tiếng Việt, môn Đạo đức; trong giờ hoạt động tập thể, sinh hoạt lớp…Muốn các em thực hiện tốt, nghiêm túc thì người giáo viên chủ nhiệm lớp phải thực sự gương mẫu về mọi mặt, phải là “Tấm gương sáng cho học sinh noi theo”, nói phải làm, đề ra phải thực hiện và khen chê đúng mực. Vì học sinh tiểu học các em đang ở lứa tuổi nhỏ nên giáo dục phải nhẹ nhàng, nghiêm túc, nghiêm khắc nhưng cởi mở gần gũi độ lượng, luôn vị tha đối với học sinh biết nhận lỗi và sửa lỗi, tuyệt đối không quát mắng hay chê bai học sinh.
Đối xử công bằng là điều quan trọng mà tôi luôn ý thức thực hiện. Nếu các em không thấy có sự công bằng thì mọi việc làm và lời nói của giáo viên sẽ trở nên không có giá trị. Tôi luôn ghi nhớ điều đó trong các ứng xử với học sinh từ việc lớn đến việc nhỏ.
Bên cạnh đó, tôi biết thông cảm và chia sẻ những khó khăn của các em, trả lời những câu hỏi của các em một cách thấu đáo, nếu chưa có câu trả lời, tôi hứa sẽ tìm câu trả lời chính xác. Trong lớp học hay ngoài lớp học, tôi luôn cố gắng trở thành người mà các em có thể tin tưởng, nhờ cậy được. Qua đó, các em sẽ biết sống nhẫn nại, kiên trì và giàu lòng nhân ái.
Luôn gần gũi, bên cạnh, quan tâm tới hoàn cảnh sống của học sinh (nhất là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt) để động viên, nhắc nhở kịp thời là tiêu chí đầu tiên tôi đặt ra trong công tác chủ nhiệm của mình.
Để giúp học sinh hoàn thiện nhân cách của mình, tôi thu hút học sinh vào các hoạt động tập thể do trường, lớp tổ chức như tham gia văn nghệ kỉ niệm các ngày lễ lớn, tham gia các cuộc thi sáng tạo vẽ tranh theo chủ điểm, tham quan, làm từ thiện,… tôi rất tôn trọng học sinh để các em thể hiện tình cảm chân thành, không khí vui tươi, biết lắng nghe.
* Tạo cho học sinh tự tin ở bản thân mình
Ngay từ khi nhận lớp 4A6, tôi đã nhận thấy ở học sinh Vương những biểu hiện khác biệt. Em rất hay cáu gắt với bạn bè, thích đi lại tự do trong lớp, hay hơn thua, tranh giành, đánh bạn,… Nam nhận thức nhanh môn Toán. Ngay cả những môn khác, mặc dù tiếp thu tốt thì việc trình bày bài của em cũng rất ẩu nên thường không đạt điểm giỏi ở các bài kiểm tra định kì. Những lúc nhận bài mà không đạt được điểm như mong muốn em hằn học, hét ầm lên đổ lỗi cho bạn này bạn khác nhậm chí còn cho rằng cô giáo ghét mình nên không cho mình điểm tốt. Hay thi đua giữa các tổ mà tổ của em không đứng đầu em cũng đổ lỗi do bạn, thậm chí là mắng bạn, đánh bạn. Tôi thường xuyên trao đổi với mẹ em về việc học tập và rèn luyện đạo đức của em thì được biết bố mẹ em đã li hôn, em đang ở với mẹ. Nhưng do đặc thù công việc, mẹ hay phải đi làm xa nhà, thường tối muộn mới về nhà, em thường ở nhà một mình. Suốt 3 năm học lớp 1, 2, 3, em tỏ ra rất bướng bỉnh, hay quậy phá. Trong lớp, em không chịu ghi bài, làm bài, nêu ý kiến gì hết. Việc em làm nhiều nhất có lẽ là nói tự do, lấy đồ của bạn, trêu bạn,…. Tôi đã chủ động trò chuyện cùng em, tìm những lí do cho những hành vi không giống các bạn của em. Tôi phân tích cho em hiểu làm thế nào là phù hợp trong mỗi tình huống. Tôi hướng em vào những hoạt động chung có ý nghĩa như làm nhóm trưởng, tổ trưởng để có trọng trách hơn, giao thêm một số nhiệm vụ vào các giờ nghỉ giải lao như cùng cô giáo cắt tỉa cây, tưới nước cho cây xanh của lớp... Tôi nhẫn nại theo dõi từng chuyển biến dù rất nhỏ của em. Khi em có một hành động tiến bộ dù là nhỏ nhất là tôi khen ngợi kịp thời, tuyên dương trước lớp để em tiếp tục phấn đấu.
Trong lớp 4A6 của tôi còn có học sinh Bình - là học sinh mới chuyển trường về. Em rất tích cực tham gia các hoạt động trường, lớp nhưng cũng chưa thật ngoan. Em rất hay nói tự do trong giờ, khó hòa đồng cùng các bạn. Có lẽ một phần do nét tính cách của em: em luôn có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân, nghĩ mình kém hơn các bạn, các bạn không thích mình… nên em hay nổi cáu, quát mắng các bạn. Bài tập hoặc bài viết em chỉ làm qua loa, chữ viết nguyệch ngoạc. Em khá ích kỉ và rất hay nóng giận, thậm chí có thể “ăn vạ” bằng cách khóc bù lu bù loa nếu bị góp ý, nhắc nhở. Để giúp em xây dựng tinh thần làm chủ bản thân, đồng thời phát huy những năng lực sẵn có, tôi luôn động viên và khuyến khích những việc làm tốt của Bình và cũng nhắc em thật nghiêm khắc sửa chữa những sai lầm mà em mắc phải. Tôi tạo dựng niềm tin cho em trong các hoạt động chung: cử em làm nhóm trưởng trong nhóm học tập nhỏ, giao nhiệm vụ cho em tìm hiểu một nội dung kiến thức để làm chuyên gia chia sẻ thông tin cho các bạn… Dần dần, em có những chuyển biến tích cực, ham tìm tòi, đọc sách, chia sẻ cùng bạn bè. Đặc biệt, em khẳng định được bản thân, không nghĩ mình kém cỏi hơn các bạn.
* Phối hợp với phụ huynh học sinh
Một trong các biện pháp nhằm giáo dục và giúp đỡ học sinh tiến bộ, đó là giáo viên phải phối kết hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh. Tôi thường xuyên liên hệ thông qua gặp trực tiếp hoặc qua điện thoại, tin nhắn, qua các cuộc họp mặt cha mẹ học sinh. Việc trao đổi với phụ huynh học sinh sẽ giúp giáo viên hiểu rõ hoàn cảnh gia đình các em, hiểu rõ tính nết của các em những lúc ở nhà cũng như khi bộc lộ trên lớp.
Việc quản lí học sinh của giáo viên chủ nhiệm sẽ có hiệu quả hơn nếu có sự phối hợp kịp thời giữa phụ huynh học sinh và giáo viên chủ nhiệm. Tôi luôn kịp thời thông báo cho phụ huynh biết những thành tích nổi bật trong học tập, những việc làm tốt của học sinh để bố mẹ các em kịp thời khen ngợi con mình. Việc tổng hợp kết quả học tập và tu dưỡng của học sinh sẽ giúp phụ huynh học sinh kịp thời nắm được tình hình rèn luyện đạo đức và kết quả học tập của con em mình từ đó có kế hoạch đôn đốc học sinh học tập và uốn nắn các em về giao tiếp. Việc cập nhật thông tin của con em luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ. Ngay từ buổi họp mặt với cha mẹ học sinh đầu năm, chúng tôi đã cùng nhau thảo luận và đi đến thống nhất những tiêu chí để xếp loại năng lực, phẩm chất, những biện pháp phối hợp giữa nhà trường và gia đình để giáo dục và rèn giũa học sinh.
* Giáo dục đạo đức HS thông qua tiết sinh hoạt lớp cuối tuần
Giờ sinh hoạt bắt đầu bằng những tóm tắt kết quả học tập và rèn luyện của cả lớp trong tuần với sự điều khiển của ban cán sự lớp. Tôi đã hướng dẫn, tập cho các em cách tổ chức một giờ sinh hoạt hiệu quả ngay từ đầu năm học khiến các em vô cùng mong chờ giờ sinh hoạt lớp cuối tuần. Từ bỡ ngỡ, háo hức rồi các em đã dần trở nên “chuyên nghiệp”. Thông qua sổ theo dõi thi đua, qua các giáo viên bộ môn, tôi tổng kết tình hình học tập, vệ sinh, chuyên cần... của lớp, nhận xét, đánh giá chung. Tôi luôn luôn nhắc nhở và động viên tinh thần các em, tạo động lực giúp cả lớp cố gắng hơn. Học sinh có thành tích cao được khen thưởng, học sinh chưa ngoan mà có tiến bộ dù rất nhỏ về đạo đức hay học tập cũng phấn khởi, tự tin nhận lời khen ngợi cùng những món quà nhỏ.
Tôi luôn dạy các em cách học làm người, cách sống, cách ứng xử với mọi người. Có những hôm tôi không nhận xét gì cả mà chỉ kể cho các em nghe một mẩu chuyện trong sách, báo, internet mà tôi sưu tầm được để các em tự rút ra bài học cho mình. Đặc biệt, tôi hay kể chuyện về tuổi thơ tôi, gia đình tôi, con tôi, những câu chuyện gần gũi và bổ ích để định hướng cho hành vi của các em. Theo thời gian, những bài học về đạo đức, nhân cách trong tiết sinh hoạt lớp giúp học sinh luôn nhớ, vững bước hơn trước những khó khăn trong cuộc sống.
Sau khi thực hiện những biện pháp trên với lớp 4A6, chỉ qua một học kì nhưng tôi đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong việc giúp đỡ các học sinh cá biệt trong lớp cảm thấy tự tin hòa nhập với tập thể, vượt lên chính mình đem lại niềm vui cho gia đình và giúp tôi thêm yêu nghề, yêu trẻ, vững tin vào phương pháp mà mình đã lựa chọn.
Các hình thức thi đua trong lớp do giáo viên chủ nhiệm và ban cán sự lớp phát động đã kích thích sự tích cực, tự giác của các em trong lớp, tạo cho các em gắn bó với tập thể lớp, tin vào tập thể, tin vào khả năng của mình sẽ thành công trong các công việc được tập thể giao cho. Giờ đây, các em đã tự tin hơn, hợp tác tốt với nhau để tổ chức thành công các giờ sinh hoạt lớp khi tìm hiểu về một chủ đề mà giáo viên định hướng trước. Các em chuẩn bị có thể là các câu hỏi lựa chọn đáp án đúng, đố vui, thi vẽ tranh, nêu hiểu biết của mình,…
Việc phối hợp với Hội cha mẹ học sinh lớp một cách chặt chẽ đã giúp tôi có được niềm tin nơi cha mẹ của các em học sinh. Bất cứ hoạt động nào do Nhà trường hay lớp phát động cũng đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía cha mẹ học sinh. Thỉnh thoảng, đại diện Hội cha mẹ học sinh lớp cũng đến tham dự các hoạt động chung của các con như: tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, tham gia sân khâu hóa phần giới thiệu sách khi lớp trực tuần, các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao,...
Tất cả những việc tôi đã làm và thực hiện trong công tác chủ nhiệm thời gian qua cũng đã góp phần cùng với các lực lượng giáo dục khác trong và ngoài nhà trường hình thành nhân cách tốt đẹp cho học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước. Thời gian gần đây, 100% học sinh đã hoàn thành bài ngay tại lớp. Những học sinh lười chữa bài, không tích cực làm bài tập đã chăm chỉ hơn rất nhiều. Tin nhắn nhắc nhở học sinh hoàn thành bài của tôi gửi cho cha mẹ học sinh thưa dần. Hầu hết các em đã tự giác học bài và làm bài tập. Kết quả này ghi nhận sự đóng góp không nhỏ của mọi thành viên trong lớp, của sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn nhà trường và cha mẹ học sinh. Hơn nữa, tôi cũng tự hào vì mình đã góp một phần nhỏ bé trong công tác chủ nhiệm để giúp các con học sinh khác biệt ngày càng tiến bộ về nhiều mặt.
Thông qua các biện pháp đã thực hiện, học sinh lớp 4A6 của tôi tiến bộ nhiều trong học tập như việc chuẩn bị bài cũ, năng lực hợp tác nhóm, tự tin khi trình bày ý kiến cá nhân, ý kiến nhóm.
Trên đây là một số kinh nghiệm giáo dục học sinh cá biệt trong nhà trường Tiểu học mà tôi đã đúc kết được từ thực tiễn giảng dạy. Để có thể giáo dục tốt các em học sinh chưa ngoan, cần phải có sự phối hợp cả gia đình, xã hội và nhà trường. Vai trò giáo dục của gia đình và xã hội giữ vị trí quan trọng, vai trò giáo dục của nhà trường mang yếu tố quyết định giúp các em có thể có những định hướng đúng đắn, để sau này trở thành những người con có ích cho xã hội, hiếu thảo trong gia đình, là tấm gương tốt cho các em học sinh khác biệt khác.
Học sinh chúng ta chỉ là những cành cây non, đang muốn vươn lên trở thành cành cây vững chắc, hãy tạo điều kiện cho các em thể hiện mình, vươn lên nơi có ánh sáng vững bền, hãy giáo dục các em bằng thái độ thân thiện và tích cực, bằng “Kỉ luật không nước mắt”.
Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Yến
Nhiệm vụ: GVCN lớp 4A2