Ảnh minh họa
Quan điểm của tôi cho rằng: Muốn có trường học hạnh phúc phải có những con người hạnh phúc đó chính là đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh. Trong đó, học sinh chính là đối tượng trung tâm. Khi đến trường, các con không chỉ được tiếp thu kiến thức, mà còn được rèn luyện, vui chơi, thể hiện tư duy, năng lực cá nhân, được chăm sóc, bảo vệ và không có bạo lực học đường. Trong năm học 2021 – 2022, năm học đầu tiên tại mái trường Tiểu học Đoàn Khuê, cô và trò tập thể lớp 1A1 sẽ cùng hướng tới xây dựng một lớp học hạnh phúc. Lớp học hạnh phúc là lớp học có sự tương tác chủ động, là nơi giúp giáo viên và học sinh hình thành và duy trì các cảm xúc tích cực. Hiểu một cách đơn giản, lớp học hạnh phúc là nơi khiến cả cô và trò đều có cảm giác "muốn đến". Lớp học hạnh phúc phải trên cơ sở cô và trò hiểu nhau, tôn trọng lẫn nhau. Từ đó, tạo điều kiện để học sinh được phát triển bản thân mình và hạnh phúc khi là chính mình.
Trên cương vị là một giáo viên chủ nhiệm, tôi xin đưa ra một số tiêu chí để xây dựng một lớp học hạnh phúc là:
Tiêu chí 1: Môi trường lớp học và phát triển học sinh
- Học sinh tham gia đầy đủ các hoạt động giao lưu văn nghệ, TDTT, được học tập và tham gia các hoạt động giáo dục kĩ năng sống để tăng cường sức khoẻ thể chất và tinh thần của học sinh.
- Phòng học được sắp xếp, bài trí gọn gàng, đạt chuẩn theo quy định, đảm bảo an toàn
- Phối hợp với phụ huynh tạo dựng khung cảnh sư phạm lớp học thêm xanh - sạch - đẹp, thân thiện và cởi mở.
- GVCN thường xuyên sử dụng các biện pháp quản lý, giáo dục kỉ luật tích cực.
- Thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm trong ăn uống hàng ngày tại trường.
Tiêu chí 2: Dạy và học trong lớp
- Thầy cô giáo là tấm gương cho học sinh noi theo, phân công nhiệm vụ cho học sinh một cách công bằng, hợp lý, phù hợp với điều kiện và khả năng của học sinh.
- Phương pháp và hình thức tổ chức dạy học của các thầy cô chú trọng tạo hứng thú, phù hợp, thấu hiểu học sinh.
- Học tập với tinh thần “học – vui; vui – học”.
Tiêu chí 3: Mối quan hệ trong lớp học
- Học sinh và giáo viên biết chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong các nhiệm vụ được giao của lớp.
- Học sinh kính trọng, lễ phép với thầy cô, đoàn kết với bạn bè, không có sự phân biệt, đối xử kì thị.
- Thầy cô lắng nghe tích cực, phản hồi mang tính xây dựng trong xử lý tình huống với phụ huynh và học sinh.
Ngoài ra, giáo viên cần có những việc làm thiết thực và cụ thể mỗi khi đến trường, như:
- Hãy luôn chào đón học sinh của mình với nụ cười thật tươi hay một cái ôm thật thân thiện, làm cho các con cảm thấy được chào đón, được thấy mình là một phần của lớp, của trường.
- Vào các giờ nghỉ giải lao, giáo viên hãy tham gia trò chuyện, tạo sự gần gũi với học sinh.
- Lồng ghép sự hài hước vào trong lớp học bằng lời nói, biểu cảm, hành động của giáo viên.
- Luôn nhận xét, góp ý một các khéo léo về những điều các con làm sai hoặc làm chưa tốt, không chê bai. Dù trong hoàn cảnh nào, cũng nên sử dụng công thức: Khen trước, chê sau.
Để xứng đáng với sứ mệnh vẻ vang và cao cả trong sự nghiệp trồng người, xứng đáng với sự tôn vinh và niềm tin yêu của xã hội, mỗi giáo viên hãy yêu thương học trò bằng tất cả trái tim và tấm lòng nhân ái của mình, hãy lan tỏa cho các con niềm tin và tình yêu vào cuộc sống, vào tương lai bằng chính những ứng xử đầy tính nhân văn của mình.
Tác giả: Ngô Hà My
Nhiệm vụ: Giáo viên chủ nhiệm lớp 1A1
Tổ trưởng chuyên môn tổ 1