Tiêu chí về trường học hạnh phúc có khá nhiều và thường có sự gắn bó mật thiết với nhau. Nếu đạt tiêu chí này nhưng không đạt tiêu chí kia thì chưa hẳn trường học đã hạnh phúc. Song trong khuôn khổ của bài viết này, tôi xin trình bày về vấn đề “LÀM SAO ĐỂ THẦY HẠNH PHÚC – TRÒ VUI VẺ KHI ĐẾN TRƯỜNG ?”
Mỗi nhà giáo chúng ta đều hiểu rằng “Người giáo viên hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới”. Điều quan quan trọng nhất là làm thế nào để mỗi thầy giáo, cô giáo của chúng ta được hạnh phúc. Bởi khi giáo viên hạnh phúc thì mới có thể mang hạnh phúc đến cho học sinh. Để đạt được điều đó cần:
1. Sự thay đổi tư duy về giáo dục.
Thay đổi phương pháp giảng dạy, chuyển từ tiếp cận nội dung sang định hướng tiếp cận năng lực người học. Bên cạnh đó cũng cần thay đổi hành vi, thái độ giữa giáo viên với nhau, với phụ huynh, với học sinh theo hướng thân thiện, gần gũi, yêu thương và tôn trọng. BGH luôn động viên các thầy cô giáo của mình thay đổi theo hướng tích cực, phù hợp với sự đổi mới của ngành trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta làm việc theo phương châm “Nghiêm túc trong công việc, tôn trọng lẫn nhau, vì học sinh hành động”. Mọi thành viên luôn tôn trọng, đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau cùng tiến bộ. Lãnh đạo nhà trường phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong HĐGD đúng chuyên môn, đúng sở trường, đồng thời không tạo áp lực cho giáo viên. Ví dụ đối với các cuộc thi GV giỏi, viết SKKN…. BGH động viên GV tham gia mang tính tự nguyện trên cơ sở phân tích cho GV hiểu rằng việc tham gia những hoạt động nêu trên không chỉ với mục đích để nhận giải thưởng mà quan trọng hơn cả là để khẳng định năng lực bản thân trước đồng nghiệp, trước phụ huynh và trước các em học sinh. Qua những cuộc thi đó các thầy cô còn được rèn luyện bản lĩnh, trải nghiệm, học hỏi thêm được nhiều điều. Những thành tích mà cá nhân các GV đạt được đều được nhà trường tôn vinh, khen thưởng kịp thời.
2. Giáo viên tự thay đổi để bản thân đạt được hạnh phúc
Mỗi giáo viên hạnh phúc sẽ tạo nên một ngôi trường hạnh phúc. Bản thân mỗi giáo viên chúng ta cần thay đổi để thích ứng với sự thay đổi của xã hội.
+ Thứ nhất: Trước tiên, chúng ta cần học cách cân bằng cảm xúc.Chúng ta không thể mang trạng thái tức giận, bực bội, khó chịu…ở đâu đó vào lớp học để mà con trẻ phải chịu đựng trong buổi học. Mỗi thầy cô cần xác định được học trò của chúng ta sẽ vô cùng thiệt thòi và tổn thương nếu các con phải nhận năng lượng tiêu cực mà chúng ta mang đến. Vậy thầy cô chúng ta phải làm gì? QUẲNG GÁNH LO ĐI - Thật vậy, hãy quẳng tất cả những cái năng lượng xấu đó đi, không để nó đeo bám vào mình, không để nó làm ảnh hưởng đến bản thân và học trò của mình.
+ Thứ hai: Chúng ta cần rèn LÒNG BIẾT ƠN. Mỗi thầy cô giáo cần nhận thức rõ rằng chúng ta cần phải biết ơn với những gì chúng ta đang có. Như lúc này đây, giữa lúc dịch bệnh phức tạp thì được sống, được làm việc đã là một điều quá ư là tuyệt vời và ta cần biết ơn điều đó. Suy rộng ra, ta biết ơn lượng chống dịch, biết ơn các bác sĩ, y tá, điều dưỡng đang oằn mình nơi tuyến đầu phải làm việc với 300% sức lực, ta biết ơn tất cả để cho ta được cuộc sống bình yên. Chúng ta cần biết ơn cả những điều tưởng như bình thường nhất. Vậy thì khi mỗi thầy cô nuôi dưỡng trong mình được lòng biết ơn thì ta sẽ dạy lại cho học sinh của mình qua từng bài giảng để hàng ngày lòng biết ơn được vun bồi, được rèn luyện thành thói quen hàng ngày. Mỗi buổi sớm mai khi tỉnh dậy, ta hãy nở một nụ cười hàm tiếu để biết ơn vì ta đang được sống, để chào ngày mới tươi đẹp. Khi ta có lòng biết ơn ta sẽ luôn cảm thấy HẠNH PHÚC đủ đầy.
+ Thứ ba: Chúng ta cần tiếp cận với học sinh một cách cởi mở hơn, hãy để học sinh được nói, được chia sẻ, được bộc lộ hết những cái gì vốn có của các em mà không sợ bị thầy cô, bạn bè cười nhạo. Làm sao để xây dựng một tập thể lớp ĐOÀN KẾT – YÊU THƯƠNG – GIÚP ĐỠ - CHIA SẺ. Để làm được điều này đòi hỏi mỗi thầy cô phải thật sự yêu thương, quan tâm đến học trò của mình bằng trái tim rộng lớn, không thiên vị, không so sánh, không áp đặt, không đặt CÁI TÔI của mình lên trên.
+ Thứ tư: Mỗi sáng đến trường người thầy, người cô cần hỏi bản thân hôm nay mình có bình yên, mình có đủ tươi mát không? Nếu chưa đủ, cần làm dịu bản thân lại để lên lớp tưới tẩm những điều tốt lành đến học sinh. Qua nhiều năm tháng những điều tốt lành nhỏ nhất từ thầy cô sẽ in bóng trên con người của học sinh. Quả ngọt luôn đợi trên những cành cây yêu thương. Và một ngày nào đó nhìn lại lứa học trò ngày ấy nên người ta sẽ luôn cảm thấy HẠNH PHÚC.
3. Giáo viên học tập để trở thành nhà giáo dục, nhà tâm lý
Ở trường, GV không chỉ trau dồi chuyên môn vững vàng, không chỉ phấn đấu để đạt danh hiệu GV dạy giỏi mà quan trọng hơn là phải phấn đấu trở thành một nhà giáo dục, một nhà tâm lý. Nếu không trở thành một nhà tâm lý, nhà giáo dục thực sự thì chúng ta không thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Trong thời đại hiện đại, khi nhiều đứa trẻ sinh ra gặp nhiều khó khăn về đời sống tinh thần, nhiều nỗi khổ niềm đau bởi nhiều tác động. Những người thầy, người cô cũng vì đó mà có nhiều trăn trở hơn trong việc giảng dạy. Không chỉ là trao truyền kiến thức sao cho dễ hiểu mà thầy cô còn đóng vai trò là người sẻ chia, là người ươm mầm ngọn lửa, nhiệt huyết trong mỗi học trò làm sao cho học trò luôn hướng đến những giá trị tích cực. Người làm nghề giáo làm việc với phụ huynh, làm việc với đồng nghiệp, làm việc với chính mình để tạo ra con đường đi cho một thế hệ. Đôi lúc đối đầu với nhiều tư tưởng để tìm ra con đường cho một thế hệ học sinh. Nếu chẳng có đủ bản lĩnh, tâm và tầm, thầy cô khó lòng dìu bước thế hệ học trò.
Cái khó nhất của nghề giáo không phải là trao truyền kiến thức mà là dạy học sinh làm người, nên người. Một người thầy giỏi sẽ thể hiện qua từng lời nói, hành động nhỏ nhất để từ đó học sinh nhìn vào, cảm nhận được cái hay, cái đẹp để noi theo. Thời đại tiện nghi, vật chất lên ngôi làm con người ta sống vội, có nhiều chọn lựa nhất thời. Thế hệ học sinh hiện nay dễ bị tổn thương bởi những thứ vô hình nhưng thực chất là hữu hình. Việc bố mẹ ngày nay bận rộn không có nhiều thời gian dạy dỗ, chơi cùng con, việc trẻ em tiếp xúc quá lâu, quá nhiều với thiết bị thông minh cũng mang nhiều hệ lụy. Người thầy sẽ phải là người nhìn thấu những khó khăn đó để vực học sinh đứng dậy, truyền tải những thông điệp giản dị mà bấy lâu nay học sinh đã quên để nuôi dưỡng hạnh phúc cho các em. Người thầy luôn tạo được không khí ấm áp, tôn trọng học sinh, cởi mở, sẵn sàng lắng nghe các em chia sẻ, đồng cảm, thấu hiểu với hoàn cảnh của từng học sinh. Chúng ta luôn sẵn sàng nói lời xin lỗi khi làm sai. Phải luôn để học sinh hiểu rằng thầy cô luôn đứng cạnh các em, giúp đỡ và nâng bước cho các, để có gì khó khăn, các em sẽ luôn tìm đến mình để chia sẻ.
Tóm lại, mỗi thầy cô cần hiểu về tâm sinh lý lứa tuổi Tiểu học, cần đọc nhiều sách về giáo dục tâm lý, sinh lý, học phát triển bản thân… và ứng dụng LÒNG BIẾT ƠN, TÌNH THƯƠNG YÊU VÔ ĐIỀU KIỆN.. để làm sao chúng ta vừa là giáo viên vừa là bác sĩ tâm lý cho học sinh của mình.
4. Giảm áp lực, tạo hứng thú cho HS học tập
Hai chỉ số quan trọng nhất trong mục tiêu giáo dục của Nhà trường chính là Hạnh phúc và Tiến bộ. Trường đem hạnh phúc cho HS bằng cách giảm áp lực, tạo hứng thú trong học tập; luôn tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ với HS. Mỗi nhà trường cần xây dựng môi trường thân thiện, tràn ngập yêu thương, có chuyên gia tâm lý hỗ trợ, tổ chức nhiều hoạt động phát triển năng lực của mỗi học trò.
Các thầy cô giáo cần đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với từng kiểu bài và từng đơn vị kiến thức tạo không khí vui vẻ, nhẹ nhàng trong các tiết học, phù hợp với sự không đồng đều trong nhận thức của học sinh. Hành vi, cử chỉ, thái độ của giáo viên với học sinh phải thân thiện, cởi mở và thầy cô luôn nở nụ cười trên môi. Hình thức kiểm tra, đánh giá cũng thay đổi theo hướng phát triển năng lực học sinh. Các em được học những tiết học hạnh phúc, những lớp học hạnh phúc, ở đó thầy cô có sự thay đổi về phương pháp giảng dạy phù hợp với từng nội dung và từng kiểu bài, học sinh được thỏa sức phát huy năng lực cá nhân.
Cuốn sách “Totto-chan bên cửa sổ” có một thông điệp: “Hãy để các em phát triển tự nhiên. Đừng cản trở khát vọng của các em. Ước mơ của các em lớn hơn mơ ước của các thầy cô”. Để mỗi ước mơ của các em sớm thành hiện thực, mỗi nhà quản lý giáo dục, thầy cô giáo, người làm cha mẹ cũng nên đọc lại cuốn sách này. Người lớn đọc cuốn sách này để thấy rằng, “đứa trẻ nào sinh ra cũng có những phẩm chất tốt” và việc của chúng ta là tìm ra những phẩm chất tốt đó, phát triển chúng để giúp trẻ nên người. Chúng ta sẽ thấy rằng, trẻ em đến trường không phải chỉ để học chữ, mà để sống, để hạnh phúc.
Việc giáo viên thay đổi để hạnh phúc là một quá trình. Mỗi giáo viên hạnh phúc, cả tập thể Nhà trường hạnh phúc sẽ đem lại lợi ích vô cùng to lớn cho tất cả chúng ta và các thế hệ học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước. Các thầy cô mỗi ngày gieo một ít hạt yêu thương, tưới một chút nước biết ơn cho học sinh thì cây HẠNH PHÚC ngày càng trổ hoa kết trái.
Tác giả: Phạm Thị Thanh Xuân
Nhiệm vụ: Tổ trưởng chuyên môn tổ 5