Ảnh minh họa
Vui vẻ, an toàn, tôn trọng, yêu thương, phát huy hết năng lực của bản thân… là những gì tập thể giáo viên, nhân viên trường Tiểu học Đoàn Khuê đang nỗ lực tạo ra và lan tỏa mạnh mẽ đến các con học sinh, hướng đến một môi trường sư phạm văn minh, thân thiện, một mô hình Trường học hạnh phúc.
Không trực tiếp giảng dạy những kiến thức trên bục giảng giống như những giáo viên khác, tôi – với cương vị là một tổng phụ trách đội có nhiệm vụ thiết kế, tổ chức chương trình hoạt động cho đội viên, học sinh trong nhà trường, rèn luyện cho học sinh những kỹ năng mềm cần thiết thông qua những hoạt động ngoại khoá…tôi xin được chia sẻ một số giải pháp bám sát 3 tiêu chí quan trọng trong 21 tiêu chí để có một trường học hạnh phúc theo Bộ giáo dục và đào tạo, đó là:
Tiêu chí “An toàn”: được hiểu là bao gồm cả an toàn về thể chất và tinh thần
- Đưa công tác vệ sinh vào thi đua hàng tuần giữa các khối lớp, có tiêu chí cộng điểm và trừ điểm
- Tuyên truyền về phòng chống dịch được thực hiện dưới nhiều hình thức như tuyên truyền dưới cờ, trong các tiết giáo dục kĩ năng sống…
- Tổ chức tập thể dục, nhảy dân vũ, nhảy cha cha cha… cho học sinh vào giờ nghỉ giữa giờ.
- Bỏ việc nêu tên, phê bình học sinh cá biệt, yếu kém trong giờ chào cờ trước toàn trường, phối hợp cùng GVCN và phụ huynh học sinh đó để có biện pháp rèn luyện phù hợp.
- Quản lý những cảm xúc tiêu cực trong cuộc đối thoại với giáo viên, phụ huynh và học sinh
- Tổ chức các buổi tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường, phòng chống xâm hại tình dục, phòng chống đuối nước…
Tiêu chí “Yêu thương”: bao gồm sự quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ, tin tưởng, bao dung.
- Yêu chính bản thân mình và yêu công việc của mình, lúc nào cũng tràn đầy những năng lượng tích cực
- Yêu thương, quan tâm và chia sẻ với đồng nghiệp những khó khăn trong cả công việc và cuộc sống, luôn hỗ trợ và giúp đỡ nhau khi cần thiết.
- Khơi gợi sự yêu thương giữa giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh thông qua dự án “Lắng nghe trái tim” để các con viết thư gửi thầy cô, gửi bố mẹ, gửi bạn bè, hoặc gửi chính mình ở tương lai…các con có thể viết những điều mình mong muốn, những tâm sự, những lo lắng gửi đến người thân của mình. Đây là cơ hội cho các em học sinh chưa mạnh dạn giải tỏa những khó khăn trong học tập, cuộc sống và có cách nhìn nhận đúng đắn về các hành vi văn hóa học đường.
Tiêu chí tôn trọng: Đó là cần tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân.
- Trong các tiết chào cờ, nhắc nhở các con học sinh chào hỏi, lễ phép với thầy cô, cha mẹ, người lớn tuổi hơn mình. Có thể tổ chức tiểu mục kể chuyện về một “Tấm gương việc tốt” mà con biết.
- Trong các buổi sinh hoạt sao, tìm hiểu về sở thích, điểm mạnh của từng học sinh để có chương trình rèn luyện phù hợp
+ Học sinh cảm thụ nhịp phách tốt => chơi trống trong đội nghi lễ
+ Học sinh nói rành mạch, rõ ràng => bồi dưỡng kỹ năng dẫn chương trình
+ Học sinh khá giỏi, biết quan tâm chia sẻ => dìu dắt bạn học kém hơn cùng tiến bộ trong dự án “Đôi bạn cùng tiến”
- Tôn trọng sự khác biệt của mỗi học sinh đồng nghĩa với việc đối xử công bằng với mỗi học sinh có hoàn cảnh khác nhau…
Kết luận: Trong “Trường học hạnh phúc”, học sinh là chủ thể quan trọng nhất nhưng cả đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý, nhân viên nhà trường và phụ huynh cũng đều cần phải cảm thấy được hạnh phúc trong quá trình giáo dục học sinh. Như vậy, trường học hạnh phúc phải là một “hệ sinh thái” mà ở đó tất cả các thành viên đều được hạnh phúc.
Tác giả: Ngô Minh Xuân
Nhiệm vụ: Giáo viên Tổng phụ trách Đội.