Trong lớp học người giáo viên cần tập trung vào việc tạo các điều kiện tốt nhất để mỗi học sinh có cơ hội phát triển, thể hiện và khẳng định năng lực, giá trị của bản thân; sử dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tạo hứng thú, phù hợp và chấp nhận sự khác biệt tâm lý, thể chất, hoàn cảnh của mỗi học sinh.
Đặc biệt trong các tiết dạy giáo viên cần phải áp dụng phương pháp dạy học tích cực. Phương pháp dạy học tích cực là phương pháp dạy học lấy sự chủ động của người học làm trọng tâm, dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, hướng tới việc hoạt động hóa, tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học, là phương pháp dạy học chủ yếu thông qua các hoạt động của học sinh. Phương pháp này ngày càng được áp dụng phổ biến, được thay thế cho những cách thức giảng dạy và tiếp nhận kiến thức thụ động trước đây để mang lại cho HS sự hứng khởi, niềm đam mê, sáng tạo trong học tập. Các em tiếp cận kiến thức một cách nhẹ nhàng, chủ động, tự tin …đó là mang lại hạnh phúc cho học sinh trong học tập.
Ngoài ra người giáo viên cũng cần quan tâm đến các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường, trong đó tập trung vào việc giúp đỡ chia sẻ với học sinh có nhu cầu đặc biệt, có hoàn cảnh riêng; phối hợp và hợp tác hiệu quả với phụ huynh, cộng đồng, địa phương và các lực lượng liên quan trong công tác giáo dục học sinh. Quan trọng hơn nữa là người giáo viên cần thương yêu, tôn trọng học sinh đúng mực.
Tôi thiết nghĩ, muốn xây dựng một lớp học hạnh phúc, bản thân mỗi thầy cô phải thực sự hạnh phúc và hạnh phúc đó sẽ được lan tỏa tới tất cả các con học sinh.
Lớp học hạnh phúc hiểu một cách đơn giản nhất là mỗi ngày đến lớp cô trò gặp nhau đều vui tươi, phấn khởi. Vì thế, nhiệm vụ của các thầy cô không chỉ đơn giản là lên lớp với những bài giảng trong sách vở và những vận dụng thực tế, mà còn là làm thế nào để đối với các con, mỗi khi đến lớp trở thành một nơi thú vị để sống và học được một điều thú vị để làm. Đó là một mục tiêu mà tất cả chúng ta đều hướng đến vì tương lai của các con học sinh. Vì vậy, sứ mệnh của người thầy lại càng trở nên thiêng liêng và cao cả hơn bao giờ hết.
Để xứng đáng với sứ mệnh vẻ vang và cao cả trong sự nghiệp trồng người, xứng đáng với sự tôn vinh và niềm tin yêu của xã hội, bản thân mỗi nhà giáo chúng ta hãy yêu thương học trò bằng tất cả trái tim và tấm lòng nhân ái của mình, hãy lan tỏa cho các con niềm tin và tình yêu vào cuộc sống, vào tương lai. Hãy làm cho mỗi lớp học, mỗi ngôi trường thực sự trở nên hạnh phúc, mỗi ngày đến trường của các con thực sự là một ngày vui! Có thể ngày hôm nay, đời sống của đại đa số những thầy cô giáo như chúng ta vẫn còn khó khăn, thử thách, nhưng tôi tin rằng, với trách nhiệm của hai chữ “nhà giáo” trên vai, chúng ta sẽ luôn luôn phấn đấu và cố gắng hết mình để xứng đáng với sứ mệnh cao cả đó.
Tác giả: Chu Thị Chinh
Nhiệm vụ: Giáo viên chủ nhiệm lớp 2A2