Một vài năm gần đây, khái niệm “trường học hạnh phúc” được nhắc đến khá nhiều, bởi có nhiều thầy cô giáo đã tự ý thức thay đổi bản thân để trở thành một “tấm gương sáng”, là người khơi nguồn cảm hứng sống cho HS và những người xung quanh, từ đó lan tỏa tạo thành một môi trường làm việc tích cực – một ngôi trường hạnh phúc đúng nghĩa. Đó là nơi HS cảm thấy sự an toàn, yêu thương, tôn trọng, nơi mà các con muốn đến mỗi ngày.
Trong 3 tiêu chí trên, có những điều chúng ta thực sự cần quan tâm:
* Tiêu chí yêu thương: Khi GV yêu thương HS đúng cách, mỗi khi HS mắc lỗi, thay vì trừng phạt các con bởi ý nghĩ “Thương cho roi cho vọt”, với sự bao dung, người GV sẽ có những cách kỉ luật tích cực hay những bài học được khéo léo lồng ghép trong cuộc đối thoại với HS để các con tự nhận ra lỗi sai và sửa chữa. Vì tất cả chúng ta đều học từ những sai lầm, đứng lên từ thất bại, có bao dung với chính mình, chúng ta mới có thể bao dung với người khác.
* Tiêu chí an toàn: Nếu tổn thương về thể xác có thể nhìn thấy bằng mắt thường và cân đong đo đếm mức độ thì tổn thương về tinh thần nguy hiểm hơn rất nhiều. Đôi khi, những tổn thương ấy không được biểu hiện ra bên ngoài bởi HS cố tình che giấu bằng một nụ cười gượng gạo, hay cái cúi gằm mặt, thậm chí là những giọt nước mắt khóc thầm trong đêm khi nhớ lại câu quát mắng của bố mẹ, của thầy cô giáo…Khi cảm thấy an toàn, HS sẽ thoải mái bộc lộ “con người thật”, các con thoải mái tâm sự với GV như một người bạn, ko e dè, đề phòng, nói dối…, ngược lại, một GV vô tình gây ra tổn thương về tinh thần cho các con, trước tiên sẽ làm khoảng cách giữa GV và HS xa dần, tiếp đến là ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc đời đứa trẻ sau này. Để làm tốt điều này đòi hỏi GV cần có sự lắng nghe, chia sẻ, quan tâm đến đời sống tinh thần của HS để kịp thời nắm bắt hoàn cảnh, những khó khăn mà các con đang gặp phải. Sự có mặt đúng lúc của GV đôi khi là khoảnh khắc thay đổi cuộc đời của cả một con người.
* Tiêu chí tôn trọng: Mỗi đứa trẻ có một loại hình trí thông minh riêng. Hiểu được điều ấy, GV sẽ cảm thấy trân trọng từng HS của mình. Một em HS không giỏi ở môn Toán, Tiếng Việt, 2 môn học vẫn được coi là môn chính trong nhà trường, không có nghĩa em đó là “bỏ đi”, “vô dụng”… Nhận thức thay đổi thì hành động của người GV sẽ thay đổi theo, từ đó tránh được những tổn thương tinh thần không đáng có với HS.
2. Những biện pháp để xây dựng “Trường học hạnh phúc”
2.1. Hạnh phúc tự thân
Bản thân GV là một yếu tố vô cùng quan trọng trong công cuộc xây dựng “Trường học hạnh phúc”. Chỉ khi người GV có hạnh phúc mới đem tình yêu thương, niềm hạnh phúc ấy truyền cho những học trò thân yêu của mình. Như thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng nói: “Giáo viên hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”. Người GV cần tự nhìn nhận, đánh giá lại chính mình, biết điểm mạnh, yếu của bản thân, học cách quản lý cảm xúc,… Tất cả đều cần xuất phát từ bên trong người GV, không ngừng học hỏi, nâng cấp bản thân, hành động “tỉnh thức” để có kết quả như mong muốn. Quá trình tự rèn luyện ấy phải diễn ra thường xuyên, liên tục, có sự đúc rút kinh nghiệm để người GV có những cách giáo dục học sinh hiệu quả nhất. Bên cạnh những buổi tập huấn theo lịch của Phòng GD, của nhà trường, có nhiều GV thậm chí sẵn sàng vượt hàng trăm cây số để đến với lớp học về PPDH, phát triển chuyên môn, như lớp “Sứ mệnh người thầy”, “Dạy học phát triển năng lực”… của Tiến sĩ Trần Khánh Ngọc, GV tự tìm đọc những kiến thức chuyên môn trên các nền tảng CNTT như fb, youtube, tham khảo, học tập GV các trường bạn…Tóm lại, người GV cần rèn mình trước khi rèn học trò.
2.2. “Lên đường” vì hạnh phúc
Sau khi nhận thức thay đổi, tư duy được mở mang hơn, chắc chắn người GV sẽ có những hành động tích cực để áp dụng vào từng tình huống với HS trên lớp, với đồng nghiệp…Có thể những hành động ấy nhận được sự ủng hộ từ mọi người xung quanh, cũng có khi là sự nghi ngờ, dò xét,… quan trọng là người GV cần có bản lĩnh vững vàng để chứng minh những điều mình làm là đúng đắn, mang đến giá trị tốt đẹp cho từng HS, cho lớp mình, cho trường mình… Bởi bất kì một sự thay đổi nào cũng sẽ vấp phải những ý kiến trái chiều, nếu không có chính kiến mà bỏ cuộc thì sẽ chẳng có điều gì tốt đẹp xảy ra. Và một điều cũng rất quan trọng, đó là khi đã biết, cần phải làm. GV đã nghĩ được mình cần làm điều này cho HS thì hãy bắt tay ngay vào việc, biến suy nghĩ thành hành động, tất cả cần thể hiện bằng hành động và kết quả thực tế. GV thường e ngại vì sợ một mình mình khác biệt, vì nhiều nỗi sợ cố hữu khác nữa, tuy nhiên, một khi người GV quyết tâm thực hiện, mọi người nhìn thấy sự thay đổi tích cực thì tự nhiên sẽ nhận được sự đồng thuận.
Còn chần chừ gì nữa, bắt tay vào hành động thôi!
* Kết luận: Một trường học hạnh phúc bởi nơi đó có những GV hạnh phúc. GV – “phần mềm” của ngôi trường là điều quan trọng hơn bất kì cơ sở vật chất hiện đại hay chương trình học tiên tiến nào. Mỗi GV hạnh phúc là một viên gạch vững chắc của một ngôi trường hạnh phúc.
Tác giả: Trần Phương Thảo
GVCN Lớp 3A2