* Khái niệm “Trường học hạnh phúc”
Lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của UNESCO, mô hình “Trường học hạnh phúc” được triển khai thí điểm vào tháng 4/2018 ở một số trường học tại TP Huế, được nhân rộng trên địa bàn cả nước và nhiều trường đang phấn đấu xây dựng “Trường học hạnh phúc”. Vậy “Trường học hạnh phúc” là gì và các tiêu chí xây dựng nó ra sao?
Liên Hợp Quốc (UN) từng thừa nhận “hạnh phúc là một trong những quyền cơ bản của con người” và lấy ngày 20/3 hằng năm là “Ngày Quốc tế hạnh phúc”.
Còn trong nhà trường, theo bài học “viết đơn từ” mà học sinh (HS) được học từ lớp 3 cấp tiểu học, quy định trong phần mở đầu bất cứ một văn bản hành chính nào, HS đều phải viết dòng tiêu ngữ mang tính bắt buộc: “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”, thể hiện khát vọng cao cả của toàn xã hội; đó chính là một giá trị, là mục đích phấn đấu suốt đời của mỗi công dân, của mọi gia đình.
Theo “Từ điển tiếng Việt”, các từ đồng nghĩa: Học đường/ nhà trường/ trường học chỉ “nơi tiến hành công tác giảng dạy, đào tạo toàn diện hay về một lĩnh vực chuyên môn nào đó cho những tập thể HS, sinh viên. [HP 1021] Còn hạnh phúc là danh từ chỉ “trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện”, còn khi là tính từ thì nó mang nghĩa “có hạnh phúc, được hưởng hạnh phúc. Ví dụ: Gia đình hạnh phúc. Sống hạnh phúc”.
Nghĩa của cụm từ “Trường học hạnh phúc” có thể hiểu là nơi không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và HS. “Trường học hạnh phúc” là nơi thầy cô và HS vui sống trong sẻ chia, cảm thông và yêu thương nhau. Đồng thời, nơi đó cũng là mái nhà chung mà mỗi ngày GV và HS đến trường là một niềm hạnh phúc.
Để xây dựng trường học hạnh phúc đúng với các tiêu chí của nó, cán bộ quản lý, thầy cô giáo và HS trong nhà trường phải nỗ lực không ngừng, với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực.
Hạnh phúc được bồi đắp hằng ngày
Hạnh phúc là điều mà hàng ngàn đời nay mỗi chúng ta luôn mong muốn đạt được trong cuộc đời mình. Ở mỗi thời điểm, mỗi địa điểm khác nhau, chúng ta sẽ mong muốn hạnh phúc với những nội hàm khác nhau. Cá nhân tôi cho rằng hạnh phúc là trạng thái vui vẻ vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện. Đó là mục tiêu sống, mục tiêu hành động của bất cứ cá nhân nào trong cuộc đời này.
Vì thế, giáo dục với vai trò quan trọng của mình cũng cần phải được nhìn nhận, được tiếp cận ở việc mang lại hạnh phúc cho người học và nhà trường phải trở thành trường học hạnh phúc, ở đó mọi người đều có được cảm giác vui vẻ vì đạt được ý nguyện. Trong đó quan trọng nhất là làm thế nào để mỗi thầy giáo, cô giáo của chúng ta được hạnh phúc, để họ có thể mang đến hạnh phúc cho học sinh theo kiểu dây chuyền mà Hiệu trưởng là người khởi nguồn và tổ chức, kiến tạo; ngược lại, sự thành công và hạnh phúc của học sinh, của giáo viên lại là thành công và niềm vui của Hiệu trưởng. Tôi rất tâm đắc với câu nói “Người giáo viên hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới”.
Với nhận thức ấy, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, các bậc phụ huynh và các em học sinh trường Tiểu học Đoàn Khuê cùng nhau lên kế hoạch tổ chức, triển khai các hoạt động, các biện pháp cụ thể để xây dựng trường học hạnh phúc. BGH đã định hình được các tiêu chí cụ thể, mang tính đặc trưng, phù hợp với thực tế của nhà trường cũng như tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh và hoàn cảnh sống của các em. Đồng thời, đang cố gắng đoàn kết, sáng tạo, chung sức hành động để biến những tiêu chí ấy thành hiện thực. Trong quá trình lên kế hoạch thực hiện, chúng tôi nhận thấy muốn xây dựng trường học hạnh phúc phải đáp ứng tốt 3 điều kiện sau:
ï Thứ nhất, muốn có trường học hạnh phúc phải có những con người (những chủ thể) hạnh phúc: Các chủ thể trong một nhà trường bao gồm cán bộ, GV, NV, phụ huynh và học sinh.
Đối với các chủ thể là cán bộ, GV, NV nhà trường: Nhà trường đã có sự thay đổi tư duy về giáo dục. Bao gồm thay đổi phương pháp giảng dạy, chuyển từ định hướng nội dung sang định hướng năng lực và thay đổi hành vi, thái độ với nhau, với phụ huynh, với học sinh theo hướng thân thiện, gần gũi, yêu thương nhưng vẫn trong khuôn khổ kỷ cương trường lớp. BGH luôn động viên các thầy cô giáo của mình thay đổi theo hướng tích cực, phù hợp với những đổi mới của ngành trong bối cảnh hiện nay. Trên thực tế có nhiều thầy cô trong nhà trường đã thay đổi rất tích cực, bước đầu gặt hái được thành công, nhưng cũng còn có thầy cô mới chỉ dừng lại ở những thay đổi nho nhỏ. Chỉ vậy thôi cũng đủ để cảm ơn họ vì họ đã dũng cảm vượt qua được trở ngại của chính bản thân mình và nhiều thay đổi nhỏ hôm nay chắc chắn sẽ góp thành thay đổi lớn lao ngày mai.
Chúng tôi đã cùng nhau xây dựng văn hóa nhà trường vời phương châm “Nghiêm túc trong công việc, tôn trọng lẫn nhau, vì học sinh hành động”. Đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau cùng tiến bộ. Lãnh đạo nhà trường đã phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong HĐGD đúng chuyên môn, đúng sở trường mà họ được đào tạo và yêu thích, đồng thời không tạo áp lực cho giáo viên. Đối với các cuộc thi, viết SKKN…. chúng tôi đều động viên anh chị em tham gia mang tính tự nguyện trên cơ sở phân tích cho họ hiểu rằng việc tham gia những hoạt động nêu trên không chỉ với mục đích để nhận giải thưởng mà quan trọng hơn cả là để khẳng định năng lực bản thân trước đồng nghiệp, trước phụ huynh và trước các em học sinh. Qua những cuộc thi đó các thầy cô còn được rèn luyện bản lĩnh, trải nghiệm, học hỏi thêm được nhiều điều. Những thành tích mà cá nhân các thầy cô đạt được đều được nhà trường tôn vinh, khen thưởng và xét tăng lương trước thời hạn đúng với những đóng góp của mỗi người.
Biểu hiện của tình yêu thương là sự quan tâm, chia sẻ, tin tưởng, hỗ trợ và bao dung giữa các cá nhân với nhau. “Trường học hạnh phúc” là nơi thầy cô, HS cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học. Đó là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo với nhau, giữa thầy và trò, giữa HS với nhau được trân trọng và bồi đắp hằng ngày.
Ngoài ra, Trường học hạnh phúc phải là nơi an toàn cho các hoạt động dạy và học của thầy trò, không tồn tại cách hành xử bạo lực, không diễn ra các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những sự việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng nhà giáo và HS.
Trường học hạnh phúc là nơi bên cạnh việc lưu tâm truyền thụ kiến thức, kỹ năng, thái độ cho HS, còn chú trọng giáo dục cảm xúc cho các em. Mọi xúc cảm riêng biệt, cá tính sáng tạo của thầy và trò được tôn trọng, chứ không bị áp đặt một cách máy móc, rập khuôn theo phương cách giáo dục xưa cũ lỗi thời, lạc hậu.Mục tiêu các hoạt động của nhà trường không chỉ nhằm làm cho GV và HS cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học, mà còn từ nơi khởi đầu đó hạnh phúc sẽ lan tỏa đến phụ huynh HS và toàn xã hội.
Đối với các chủ thể là học sinh : Các em học sinh của trường Tiểu học Đoàn Khuê sẽ được học những tiết học hạnh phúc, những lớp học hạnh phúc, ở đó thầy cô có sự thay đổi về phương pháp giảng dạy phù hợp với từng nội dung và từng kiểu bài.Được tham gia các câu lạc bộ lớp ghép (gồm nhiều độ tuổi khác nhau để tăng cường tình bạn) và thỏa mãn đam mê, cũng như năng lực, sở trưởng của mình. Hiện chúng tôi có các CLB Stem, CLB bóng rổ, CLB đàn ghita, CLB tiếng Anh….để học sinh đến trường có thể tham gia sinh hoạt đều đặn.
Lan tỏa một phong trào
HS chính là đối tượng trung tâm của sự nghiệp giáo dục và là chủ nhân của “Trường học hạnh phúc”, cần được lưu tâm đầu tiên. Trường học hạnh phúc, trước hết là nơi HS cảm nhận được hạnh phúc. Các em không chỉ được tiếp thu kiến thức, mà còn vui chơi, giải trí, tự do thể hiện tư duy, năng lực cá nhân và kỹ năng sáng tạo theo đúng tâm sinh lý lứa tuổi của mình.
Ở đó, HS được chăm sóc, bảo vệ, không có bạo lực học đường, các em HS và thầy cô có cơ hội đến gần với nhau hơn; HS được thầy cô tôn trọng sự khác biệt, thấu hiểu, chia sẻ khó khăn và hỗ trợ mọi phương diện, không còn bị áp lực về điểm số, về thành tích học tập, về các phong trào thi đua mang tính hình thức.
Tiếp theo, “Trường học hạnh phúc” được tạo nên bởi các hành vi chuẩn mực của thầy, cô giáo có đạo đức trong sáng, yêu nghề, tận tụy.
Phong trào xây dựng Trường học hạnh phúc nhằm tạo cơ hội cho nhà giáo đổi mới, thực hiện phương pháp giáo dục và ứng xử các tình huống sư phạm phù hợp, đảm bảo các quy định về đạo đức nhà giáo và giáo dục HS đạt hiệu quả.
GV cần tích cực tự học, tự rèn luyện, bổ sung kỹ năng nghiệp vụ để nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, tiến tới khắc phục hoàn toàn hiện tượng nhà giáo vi phạm đạo đức, có hành vi ứng xử phản sư phạm; biến những khó khăn, thách thức trong nghề thành những cơ hội để khẳng định phẩm chất, năng lực của bản thân trước phụ huynh, đồng nghiệp và HS.
GV phải dũng cảm phá vỡ lối mòn, thay đổi bản thân. Chuyển đổi phương pháp dạy học đọc chép sang dạy học tương tác, không áp đặt mặc định “thầy cô luôn đúng”, cùng HS phân tích mổ xẻ vấn đề của bài học. Mạnh dạn áp dụng những phương pháp mới, đồng thời cũng không đánh mất vai trò trung tâm của người thầy, GV cần chủ đạo định hướng, gợi mở cho HS chủ động truy cập những thông tin liên quan đến bài học. Không đặt nặng yêu cầu thi đua để đạt danh hiệu dạy giỏi mà GV nên chú trọng phấn đấu thành một nhà giáo dục, nhà tâm lý giáo dục HS hiệu quả. Vai trò nhà trường cũng rất quan trọng, trong đó hiệu trưởng là “đầu tàu”, luôn hướng các hoạt động của nhà trường vào mục tiêu “Tất cả vì HS thân yêu”.
Đối với chủ thể là phụ huynh: BGH đã cố gắng tạo lập được mối quan hệ đồng thuận giữa nhà trường với phụ huynh học sinh bằng cách tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ được tham gia vào các hoạt động giáo dục của nhà trường, tham gia đối thoại với lãnh đạo trường, tham gia trải nghiệm cùng con em mình trong các hoạt động ngoại khóa. Được nhà trường thông báo kịp thời về các hoạt động của con em mình thông qua tin nhắn điện tử hoặc điện thoại.
Ngoài ra chúng tôi lên ý tưởng thành lập Tổ tư vấn với 15 thành viên trong đó có 10 học sinh và 5 phụ huynh là những người am hiểu về tâm lý lứa tuổi, có hiểu biết về giáo dục và có tinh thần trách nhiệm muốn đóng góp cho sự phát triển của nhà trường. Nhằm mục đích tư vấn cho Hiệu trưởng các nội dung liên quan đến tâm lý lứa tuổi học sinh; nguyện vọng, mong muốn của học sinh và của phụ huynh về các hoạt động giảng dạy của giáo viên; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; vấn đề an ninh, giáo dục đạo đức học sinh; hoạt động của các câu lạc bộ học sinh và các hoạt động giáo dục khác trong và ngoài nhà trường thông qua các cuộc họp hoặc tư vấn trực tiếp. Trên cơ sở đó Hiệu trưởng nhà trường ra các quyết định chính xác, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh và mong muốn của phụ huynh.Lên ý tưởng trong buổi họp phụ huynh toàn trường, chúng tôi tư vấn, giúp phụ huynh hiểu con mình, đồng hành với con mình và làm thế nào có thể quan tâm đến con mình một cách hiệu quả nhất?
ï Thứ hai, muốn có trường học hạnh phúc phải có các hoạt động trong trường hướng đến các chủ thể làm cho họ cảm thầy hạnh phúc.
Về hoạt động quản lý: Cá nhân tôi cũng như các đồng chí trong BGH nhà trường đã có ý thức đổi mới với tinh thần hướng đến người học, lấy học sinh làm trung tâm. Giảm áp lực, tạo động lực để mỗi GV, NV và học sinh cố gắng cống hiến và học tập. Tôn trọng cấp dưới, phụ huynh và học sinh.
Về hoạt động giảng dạy của giáo viên: Đa số các thầy cô giáo của nhà trường đã đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với từng kiểu bài và từng đơn vị kiến thức tạo không khí vui vẻ, nhẹ nhàng trong các tiết học.Hành vi, cử chỉ, thái độ của giáo viên với học sinh đã thân thiện, cởi mở hơn và thầy cô luôn nở nụ cười trên môi . Hình thức kiểm tra, đánh giá cũng được nhà trường chỉ đạo các thầy cô giáo thay đổi theo hướng phát triển năng lực học sinh.
Về hoạt động học tập của học sinh: Các giờ học của các em trở lên nhẹ nhàng, vui vẻ, được thực hành, trải nghiệm nhiều hơn với nhiều hình thức học tập khác nhau, những hoạt động học tập phong phú, đa dạng giúp các em hoạt động, chia sẻ, hợp tác với nhau nhiều hơn.
Về hoạt động hỗ trợ: Thường xuyên nhắc nhở nhân viên kế toán, văn thư, thư viện, thiết bị luôn vui vẻ,chu đáo, tận tụy với cán bộ, giáo viên và học sinh khi làm việc với họ. Nhà trường đặc biệt quan tâm đến nhân viên bảo vệ của trường, coi các bác cũng là 1 lực lượng giáo dục bên cạnh các thầy giáo cô giáo, các bác cũng phải thường xuyên học hỏi để nâng cao trình độ, nghiệp vụ trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đồng thời cả trong việc ứng xử với giáo viên, học sinh và phụ huynh đến làm việc với nhà trường. Tôi cho rằng, hình ảnh của nhà trường hạnh phúc, văn hóa hay không trước hết được phản ánh qua hình ảnh, hành vi, thái độ của lực lượng bảo vệ mà mỗi khi khách đến trường là những người họ tiếp xúc đầu tiên.
ï Thứ ba, muốn có trường học hạnh phúc phải có môi trường giáo dục an toàn: Đó là nơi mà cán bộ, GV, NV và học sinh được làm việc, học tập và vui chơi an toàn, yên tâm không có tai nạn, thương tích, đánh nhau hoặc trộm cắp.Chúng tôi tôn trọng sự khác biệt của nhau, tổ chức nhiều hoạt động giáo dục khác nhau, phù hợp với năng lực, sở trường của từng học sinh, giúp học sinh khẳng định được bản thân.
Với nhận thức về trường học hạnh phúc và ý nghĩa của việc xây dựng trường học hạnh phúc, chúng tôi đã và đang chỉ đạo và tổ chức thực hiện những giải pháp nêu trên và bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Trường học đã trở thành nơi gắn kết chúng tôi với học sinh, như ngôi nhà thứ hai của mỗi chúng tôi với phương châm “Trường như nhà, thầy cô như mẹ cha, bạn bè như anh em ruột thịt”.
Giờ đây, có cảm nhận mỗi sớm thức dậy rất nhiều người trong số chúng tôi, các thầy cô giáo muốn thật nhanh đến trường để say sưa với những bài giảng, để say sưa cống hiến như những cánh ong cần mẫn góp mật ngọt dâng cho đời. Các em học sinh của chúng tôi muốn thật nhanh đến trường để tận hưởng những bài giảng tâm huyết của các thầy cô giáo, hòa mình vào những hoạt động bổ ích, thiết thực của nhà trường. Và khi chiều xuống, nhiều thầy cô vẫn còn bận rộn với những công việc còn dang dở, nhiều học sinh còn ở lại để tập luyện văn nghệ, TDTT, vệ sinh lớp học, vệ sinh khuôn viên nhà trường. Tôi nghĩ đó không phải là không khí của công sở mà chính là không khí của gia đình, của ngôi nhà thân yêu của mỗi chúng tôi. Chỉ thế thôi cũng đủ để mỗi chúng tôi có thêm niềm tin vào sự phát triển của nhà trường, có thêm niềm tin vào thầy cô, có thêm niềm tin vào đồng nghiệp, vào học sinh. Và niềm tin chính là động lực to lớn để mỗi chúng tôi nỗ lực hơn nữa, cố gắng hơn nữa trong sự nghiệp trồng người đối với mỗi thầy giáo, cô giáo và trong việc học tập, rèn luyện của mỗi học sinh.
Tôi xin phép được giới thiệu 10 điều để tư duy có ý thức giúp bạn hạnh phúc mà tôi đã sưu tầm và đang giúp học sinh của mình tiếp cận.
1. Không ngừng hỏi về vấn đề của bản thân. Mỗi một vấn đề đều sẽ mở ra những con đường khám phá mới cho chúng ta. Sau đó những thứ xứng đáng cho bạn tin theo và ngưỡng vọng sẽ hiển hiện trong cuộc sống hiện thực của bạn.
2. Tin tưởng vào bản thân. Làm thế nào mới có thể làm được? Thông qua mỗi lần giải quyết vấn đề, chấp nhận thử thách, thông qua tưởng tượng về thị giác, hãy nói với bản thân mình rằng nhất định phải làm tốt, và đặt niềm tin vào người khác.
3. Học cách chấp nhận thất bại. Nếu không, bạn vĩnh viễn sẽ không thể trưởng thành.
4. Học cách chấp nhận sự không hoàn mỹ. Cuộc sống không phải là một đường thẳng tắp, mà là một đường cong gấp khúc hướng lên trên.
5. Cho phép bản thân có những cảm xúc bình thường, gồm cả những cảm xúc tích cực và tiêu cực.
6. Suy nghĩ tích cực về tất cả những vấn đề bạn gặp phải, học cách cảm kích chúng. Cảm kích có thể mang lại niềm vui đơn thuần nhất cho nhân loại.
7. Đơn giản hóa cuộc sống. Coi trọng sự tinh túy, không coi trọng số lượng. Học cách nói không với những điều bản thân không mong muốn.
8. Yếu tố hạnh phúc đầu tiên là một mối quan hệ thân thiết. Đây là nhu cầu bẩm sinh của con người, cho nên, muốn có mối quan hệ thân thiết, hạnh phúc bền lâu cần học cách nỗ lực và cho đi.
9. Nghỉ ngơi và vận động hợp lý.
10. Làm việc có 3 tầng thứ: Công việc, sự nghiệp, sứ mệnh. Hãy tìm kiếm sứ mệnh của bạn trong thế giới này.
Và như vậy, cá nhân tôi cho rằng “Trọng tâm của giáo dục không nằm ở tri thức mà là ở hạnh phúc”.
Tác giả : Lê Thùy Dương
Nhiệm vụ : Giáo viên chủ nhiệm lớp 2A3