Tôi luôn khát khao được sống trong hạnh phúc và đã tìm tòi, học hỏi để tìm ra giải pháp. Và giờ, tôi đã hiểu rằng hạnh phúc thật sự đơn giản, tất cả là do sự nhìn nhận của mình về cuộc sống, bằng lòng, trân trọng và biết ơn với tất cả những gì mình có, sống yêu thương, quan tâm, chia sẻ với mọi người. Khi mình thay đổi, mọi thứ thay đổi. Khi mình hạnh phúc, mình sẽ yêu nghề và hiểu được sứ mệnh của mình trong công việc. Từ đó mình có phương pháp dạy học, giúp đỡ học sinh phát triển tốt nhất để cùng đồng nghiệp góp phần xây dựng “Trường học hạnh phúc”.
Để tìm ra giải pháp góp phần xây dựng “Trường học hạnh phúc” thì trước hết mỗi giáo viên cần hiểu được: Thế nào là trường học hạnh phúc? và các giải pháp cần thực hiên. Sau đây là nội dung cụ thể:
1. Thế nào là “Trường học hạnh phúc”?
“Trường học hạnh phúc” là nơi không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và học sinh. “Trường học hạnh phúc” là nơi thầy cô và học sinh vui sống trong sẻ chia, cảm thông và yêu thương nhau. Đồng thời, nơi đó cũng là mái nhà chung mà mỗi ngày giáo viên và học sinh đến trường là một niềm hạnh phúc.
2. Giải pháp để góp phần xây dựng “Trường học hạnh phúc”?
Để xây dựng “Trường học hạnh phúc”, bản thân tôi thấy mỗi giáo viên cần thực hiện đủ 3 tiêu chí: an toàn, yêu thương, tôn trọng trong quá trình giảng dạy của mình.
2.1. Thực hiện tiêu chí “An toàn”
- Nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức cho học sinh được học trong một môi trường sạch sẽ, đảm bảo an ninh, an toàn trường học.
- Giáo viên cần nắm rõ hoàn cảnh của học sinh trong lớp, tìm hiểu và nắm rõ tâm sinh lý của từng học sinh trong lớp để giúp học sinh luôn có một trạng thái vui vẻ khi đến trường, khi được ở bên cạnh thầy cô, bạn bè.
Để làm được điều đó, giáo viên cần thay đổi cách cư xử trong lớp học. Thay đổi cách cư xử trong lớp học phải dựa trên cơ sở động viên, khuyến khích, nêu gương, tìm hiểu nhằm thúc đẩy cảm xúc tích cực trong học sinh. Khi tiến hành kỉ luật trong lớp học, gióa viên cần nắm rõ một số quy tắc:
- Xây dựng những nội quy rõ ràng và nhất quán.
- Khuyến khích, động viên tích cực:
- Áp dụng những hình thức phạt phù hợp, công bằng và nhất quán.
2.2. Thực hiện tiêu chí “Yêu thương”
Để giáo viên lan tỏa được tình yêu thương đến các em học sinh, trước hết, người giáo viên cần yêu chính mình và yêu công việc của mình. Bản thân giáo viên phải có sức khỏe về thể chất thì tinh thần sẽ tươi vui, sẽ giàu năng lượng và bồi đắp những cảm xúc tích cực. Ngoài ra, mỗi giáo viên nên dành thời gian tham gia các khóa học phát triển bản thân để tích lũy thêm kiến thức cuộc sống và nâng cao trình độ chuyên môn của mình, giúp mình luôn sống trong sự bình an, hạnh phúc.
Tình yêu thương của giáo viên dành cho học sinh còn được thể hiện bằng việc giáo viên đem đến cho các em những bài giảng thực sự cuốn hút. Giáo viên luôn ghi nhận và tuyên dương những thay đổi tích cực của học sinh trong mỗi giờ học, dù chỉ là sự thay đổi nhỏ nhất. Trong các tiết học, cô trò có sự giao lưu bằng ánh mắt, bằng nụ cười, bằng một cử chỉ thân thiện.
Tất cả những việc làm trên sẽ từng bước góp phần khiến giáo viên mỗi ngày lại được bồi đắp những cảm xúc tích cực, những tình cảm yêu thương với đồng nghiệp, với HS và với nghề dạy học.
2.3. Thực hiện tiêu chí “Tôn trọng”
Giáo viên giúp học sinh hiểu sự tôn trọng trước hết được thể hiện thông qua văn hóa chào hỏi, thái độ lễ phép với thầy cô và những người lớn tuổi mọi lúc mọi nơi, đặc biệt là ở ngay học đường nơi các em đang học tập, từ cô lao công đến chú bảo vệ, nhân viên nhà bếp và thầy cô giáo ở trường. Ngoài ra, các thầy cô cũng luôn khuyến khích các em học cách lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người đối diện, không chen ngang, nói leo hay giành quyền nói của người khác. Dạy học sinh nói lời cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ từ mọi người và xin lỗi khi lỡ làm việc sai cũng là cách giúp các em thể hiện sự tôn trọng.
Để nhận được sự tôn trọng từ học sinh, mỗi giáo viên cũng cần tích cực tự học, tự rèn luyện, bổ sung kĩ năng nghiệp vụ để có thể khẳng định được phẩm chất năng lực của bản thân trước phụ huynh, trước học sinh. Người thầy cần phải tôn trọng học trò, phải biết lắng nghe để thấu hiểu học trò hơn, tránh áp đặt. Các em HS thể hiện được cái riêng của mình, được đối xử thân thiện, không phân biệt đẳng cấp hay xếp hạng. Ở đó, các em được phát triển tối đa năng lực của mình, được tôn trọng, không ai bị bỏ rơi. Để làm được điều này, vai trò của người thầy là rất lớn. Giáo viên cần tôn trọng ý kiến phát biểu hoặc ý tưởng cá nhân của mỗi em, không lấy đó làm đề tài để chế giễu hay chê cười.
* Kết luận: Hạnh phúc là cả một quá trình, cần được bồi đắp mỗi ngày. Một hành động, một cử chỉ nhỏ của người thầy cũng có thể khiến một đứa trẻ thay đổi, khiến tương lai của nó sẽ thành công hoặc thất bại, đó chính là sứ mệnh cao cả của mỗi nhà giáo chúng ta.
Tác giả: Lê Thị Phương Mai
Nhiệm vụ: Tổ trưởng chuyên môn tổ 2,3