Mưu cầu hạnh phúc là quyền cơ bản của mỗi con người ngay từ khi sinh ra. Thế nhưng hạnh phúc thật sự là gì? Theo “Từ điển tiếng Việt”, hạnh phúc là danh từ chỉ “trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện”, còn khi là tính từ thì nó mang nghĩa “có hạnh phúc, được hưởng hạnh phúc”. Với mỗi người, đặc biệt là với mỗi đứa trẻ ngay từ khi sinh ra, hạnh phúc luôn là một điều vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Có một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong một gia đình hạnh phúc sẽ mạnh dạn, tự tin và đạt được nhiều thành công trong cuộc sống. Theo tôi, điều này đúng bởi gia đình là nền tảng của xã hội, là cái nôi đầu đời của mỗi đứa trẻ. Thế nhưng, những đứa trẻ ấy không chỉ mãi mãi chỉ ở trong gia đình mà chúng sẽ dần trưởng thành, bước ra ngoài xã hội để học tập, khám phá mọi điều trong cuộc sống. Và nơi đầu tiên chúng bắt đầu hành trình ấy chính là trường học. Vậy làm thế nào để niềm hạnh phúc được lan tỏa từ gia đình đến trường học, để các con cảm nhận “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” thì bản thân tôi – một giáo viên tiểu học nói riêng hay toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học nói chung cần chung tay xây dựng “Trường học hạnh phúc”.
“
Trường học hạnh phúc” có thể hiểu là nơi không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và học sinh. “
Trường học hạnh phúc” là nơi thầy cô và học sinh vui sống trong sẻ chia, cảm thông và yêu thương nhau. Đồng thời, nơi đó cũng là mái nhà chung mà mỗi ngày giáo viên và học sinh đến trường là một niềm hạnh phúc. Vậy xây dựng và hình thành điều đó liệu có dễ dàng?
Nếu ai đó hỏi tôi một câu: Nghề dạy học bây giờ thật sự áp lực không? Tôi xin thẳng thắn nói rằng: Nghề giáo trong bối cảnh hiện nay đối với chúng tôi thật sự áp lực. Áp lực từ yêu cầu ngày càng đổi mới của toàn ngành, áp lực từ lòng mong mỏi của phụ huynh, trọng trách “ trồng người” mà toàn xã hội giao phó.
Đã có lúc bản thân tôi “bùng nổ” với ánh mắt vô cùng “giận dữ” khi các em chưa ngoan, không giữ nề nếp lớp học, không chú ý nghe cô giáo giảng bài, ngồi trong lớp muốn làm gì thì làm..v.v.. Sự cầu toàn của tôi đặt ra bắt buộc các em phải theo “khuôn mẫu” mà tôi không hề nghĩ rồi sẽ có một ngày các em bức phá, làm theo những gì mà mình muốn. Và điều gì đến cũng đã đến, bởi bản thân mỗi đứa trẻ là một thế giới quan sinh động, các em có quyền sáng tạo và trải nghiệm, sẽ thật là phản giáo dục nếu cứ mãi bắt ép các em vào những thứ rập khuôn.
Tôi lặng ngồi xuống và đặt câu hỏi: Liệu rằng những đứa trẻ của mình có hạnh phúc không khi cứ “ lập trình” các em cứ như một con robot như thế? Một người thầy thật sự phải là một người thầy khiến cho học sinh hứng thú học chứ không phải khiến cho học sinh sợ và học trong áp lực. Từ đó, bản thân tôi tự nhủ mình phải thực sự thay đổi để xây dựng một lớp học hạnh phúc.
Với tôi, hiểu một cách đơn giản,
lớp học hạnh phúc là nơi khiến cả cô và trò đều có cảm giác "muốn đến". Khi đến sẽ có hứng thú, niềm vui, sự mong chờ và những rung cảm. Đặc biệt, một nhiệm vụ quan trọng nhất đối với các giáo viên đứng lớp tại mái trường Tiểu học Đoàn Khuê - một ngôi trường tuy mới thành lập tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội nhưng mang trong mình một sứ mệnh rất cao cả - “trồng người”, tạo cho các em một môi trường mới hoàn toàn tin tưởng để mỗi ngày đến trường với các em là một ngày vui, được học tập, được vui chơi, được yêu thương, được ấp ủ những ước mơ non trẻ.
Khác với lớp học truyền thống,
lớp học hạnh phúc không áp đặt phát triển theo khuôn mẫu mà đóng vai trò
định hướng để các em được làm những gì mình yêu thích và say mê. Ở đó, các em không học theo kiểu nhồi nhét mà được học những gì có ý nghĩa, được khơi gợi niềm yêu thích để tiếp tục tự tìm hiểu. Từng tiết học được biến hóa thành bài học thú vị qua những trò chơi, trải nghiệm. Để cảm nhận được sự hạnh phúc, các em phải được tích lũy kiến thức thông qua những hoạt động trải nghiệm. Các hoạt động không chỉ nằm trong khuôn khổ lớp học mà còn được tổ chức ngoài khuôn viên trường lớp, giúp các em cảm nhận sâu sắc về thế giới tự nhiên xung quanh.
Một điều quan trọng nữa, các em sẽ yêu thích việc đến trường nếu như ở đó các em được bày tỏ và được lắng nghe một cách đầy
tôn trọng. Thay vì la mắng, dọa dẫm, hãy cho các em được sai, được nói ra cảm xúc của mình trong môi trường học đường. Điều đấy sẽ giúp các em tiếp thu tốt hơn, tự tin và hòa đồng hơn. Từ đó, rèn luyện ý thức và khả năng tập trung từ chính nhận thức của bản thân. Tôn trọng cảm xúc là một trong những yếu tố tạo nên lớp học hạnh phúc. Bởi dù ở lứa tuổi nào, các em cũng có những cảm xúc như người lớn: cần được lắng nghe, tôn trọng và được yêu thương, giúp các em tìm và phát huy thế mạnh của riêng mình.
Và một điều lạ thay, phản ứng ngược rằng chính nhờ học trò mà tôi cảm thấy mình càng phải thay đổi. Tôi học được ở các em bài học vô cùng quý giá, đó là lòng bao dung. Mặc dù hôm nay có buồn phiền các em đi chăng nữa, thì các em vẫn dành cho mình tình yêu thương đặc biệt nào đó trong sâu thẳm tâm hồn.
Với tất cả những điều đó, để xây dựng được
lớp học hạnh phúc, bản thân tôi luôn tự nhủ cố gắng từng ngày để thật sự thay đổi, mong muốn cởi bỏ tất cả mọi thứ bên ngoài lớp học, hoàn toàn vui vẻ khi đến với các em.
Lời cuối cùng, hạnh phúc không phải là một đích đến, mà là cả một cuộc hành trình, là cả một chặng đường mà cô và trò trường Tiểu học Đoàn Khuê sẽ cùng nhau đi qua trong những năm tháng học trò đầu đời tươi đẹp nhất của các con học sinh. Với mục tiêu giáo dục xuyên suốt quá trình hoạt động của nhà trường: “
Đam mê khám phá –
Khẳng định bản thân”, tôi hi vọng rằng “những người lái đò” đến với các em bằng tình thương, sự tôn trọng, bằng cả tâm trí, sự sáng tạo thì các em sẽ hạnh phúc.